Hệ lụy từ môi giới bất động sản (BĐS) trá hình, hoạt động núp bóng các trung tâm, văn phòng đất đai thời gian qua cho thấy, đã đến lúc các nhà quản lý phải đặt chuyện bằng cấp lên “bàn cân”. Và đề xuất môi giới BĐS bắt buộc phải có trình độ đại học trong Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) mới đây là thiết thực và có căn cứ.
Đề xuất môi giới BĐS phải có bằng đại học sẽ là “kênh” sàng lọc để thị trường có những sàn giao dịch và đội ngũ môi giới chuyên nghiệp.
Bát nháo nghề môi giới BĐS
Không bằng cấp, cũng chẳng trường lớp đào đạo nên đã có một thời những người bán hàng nước, hoa quả hay xe ôm tại Hà Nội không quá khó để gắn lên mình cái “mác” môi giới hoặc tư vấn cho thuê bất động sản. Thực tế này cũng dễ hiểu, bởi đây không phải là nghề “ngốn” vốn đầu tư nhiều, mà chỉ cần chịu khó “buôn dưa lê”, “bôi trơn” các mối quan hệ lâu năm để trở thành “lão làng” trong vấn đề kỹ năng, kinh nghiệm.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, bán hoa quả tại cổng Khu tập thể thuốc lá Thăng Long (Thanh Xuân, Hà Nội) đã 8 năm nay nhưng nghề “kiếm cơm” chính lại là môi giới cho thuê và mua bán nhà đất. Quan sát tại quầy hàng của chị, người ta dễ thấy, tấm biển: “Ánh Tuyết chuyên tư vấn cho thuê, mua bán nhà đất” được đặt khiêm tốn ở phía sau vài mặt hàng hoa quả. Trong những ngày mùa thi “đỏ lửa” này, quầy hàng của chị cứ “đắt khách” trông thấy: “Nếu em đồng ý thì ký vào hợp đồng, nộp cho chị 200.000 đồng tiền phí, chị sẽ đưa em đi xem nhà. Em yên tâm, chị sẽ đưa em đi xem đến khi nào em mua được nhà ưng ý thì thôi”, chị Tuyết trao đổi với một khách hàng.
Thế nhưng, đó chỉ là hình thức chứ sau khi “cá đã cắn câu”, nhiều người mua phải bỏ cuộc, bởi những căn nhà trong ngõ quanh co mà “bà chủ” rao bán là đẹp và xây mới lại hoàn toàn không có.
Chị Tuyết cho biết, làm ăn lâu năm “cái ngõ cũng tỏ, cái tường cũng thông” thì làm sao phải bằng cấp hay trình độ. Thời bất động sản nóng sốt người mua dễ tính chứ bây giờ, 10 người đi xem thì 9 người tính toán, lưỡng lự không mua. Vậy bây giờ gặp khách, dù có thành hay không, cũng phải “kiếm” vài xu uống nước trước đã.
Ở một góc khác, anh Vũ Anh Quân lại than phiền về chuyện “rước họa” ở một văn phòng tư vấn nhà đất Tuấn Cường nằm trong ngõ phố Lương Định Của – Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội). Anh Quân cho biết, năm 2013, thấy BĐS “hạ nhiệt”, vợ chồng anh đã tính toán chuyện “an cư lạc nghiệp”. Sau nhiều lần lang thang các trang mạng giao dịch nhà đất, duyên số đưa anh tìm đến văn phòng môi giới này.
Căn nhà được “ông chủ” giới thiệu, tư vấn cho anh Quân nằm trong ngõ 35 phố Lê Qúy Đôn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có diện tích sổ đỏ là 12m2 nhưng được cơi nới xây lên 4 tầng kiên cố và khang trang. Do những lời “dụ dỗ” ngon ngọt, anh Quân về bàn với vợ rồi quyết định xuống 100 triệu đồng tiền đặt cọc mua nhà. Tuy nhiên, đến ngày ra văn phòng công chứng làm thủ tục mua bán, anh mới ngã ngửa vì biết mình bị lừa, bởi bên bán đã không đưa ra được quyển sổ đỏ gốc và anh Quân buộc phải hủy hợp đồng, chấp nhận mất không 100 triệu đồng mà hai bên đã ký kết trước đó .
Môi giới BĐS phải có bằng đại học là cần thiết
Phát biểu tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc đòi hỏi trình độ bằng cấp cũng như cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản là cần thiết. Vì điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng mà còn cả quyền của người bán.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng: việc các trung tâm, văn phòng môi giới nhà đất làm ăn theo kiểu chộp giật nhiều năm qua cho thấy, sự ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin cũng như tính thanh khoản của thị trường bất động sản. “Đã đến lúc các nhà quản lý phải đặt chuyện bằng cấp, trình độ chuyên môn cũng như gắt gao hơn về việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Tuy nhiên, vấn đề của môi giới BĐS nằm ở đạo đức nghề nghiệp, việc yêu cầu học vị cũng cần bao hàm cả yếu tố này thì mới đảm bảo được mục tiêu nhắm đến của Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi”, ông Châu cho biết.
Cũng do buông lỏng quản lý nên đến nay, những sàn giao dịch thuộc quân số các sàn có chức năng đầu tư lớn như Vingroup, Hud hay Viglacera… chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Cán bộ của những sàn này đều được tham gia các khóa khóa đào tạo từ những đơn vị tư vấn ngoại có tiếng như CBRE, Savills. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng đủ hiểu biết để tìm đến.
Hiện, một số nước phát triển trên thế giới như Úc, người môi giới BĐS bắt buộc phải có những điều kiện hành nghề cụ thể là luật sư, có thâm niên kinh nghiệm và chứng chỉ hành nghề. Việc này sẽ đảm bảo được tính an toàn cho cả người mua lẫn người bán. Và môi giới chỉ được hưởng lợi nhuận dựa trên tỷ lệ % theo giá trị sản phẩm bán được chứ không có chuyện ăn “hai mang” như Việt Nam hiện nay.
Với tư cách là người trong cuộc, anh Vũ Minh Tuyến, giám đốc sàn giao dịch BĐS Phúc Hà (Phúc Hà Group) chia sẻ: “Việc yêu cầu bằng cấp là thiết yếu, tuy nhiên, phía nhà quản lý nên xiết chặt hơn việc cấp phép cho các văn phòng hay trung tâm môi giới nhỏ lẻ để tránh những thiệt hại xấu cho khách hàng. Còn tại các sàn môi giới BĐS lớn, tỷ lệ giao dịch thành công cao, ít xảy ra chuyện người mua bị bắt bịp”. Anh Tuyến cũng cho biết: thực tế hiện nay, một số nhân viên có trình độ đại học nhưng lại không có khả năng giao tiếp hay bán hàng tốt như những người có trình độ thấp, kinh nghiệm lâu năm. Và nếu đề xuất này được áp dụng, sẽ có rất nhiều người làm được việc phải mất nghề.
Kim Thoa
theo Xây dựng