Sự kiện hot
10 năm trước

Môi giới nước ngoài đang đánh mất thị phần

(ĐS&TD) - Qua thời các công ty môi giới bất động sản (BĐS) gắn “mác” ngoại “làm mưa làm gió” trên thị trường với các dự án độc quyền, nhiều đơn vị môi giới trong nước đang ngày càng phát triển chuyên nghiệp và nắm phần lớn thị phần. Xu thế này đang rõ nét khi nhiều tên tuổi môi giới ngoại lần lượt “ra đi” hoặc hoạt động "co cụm" lại.


Lễ tổng kết của Sàn giao dịch BĐS Hung Thinh Land. Hiện tại họ có tới 500 nhân viên môi giới và số lượng không ngừng tăng lên

Thời hoàng kim của BĐS, những năm trước đây, hàng loạt tên tuổi như: CBRE, Savills, Colliers International, DTZ, Cushman & Wakefield, Knight Frank, Coldwell Banker, Jones Lang LaSalle… lần lượt gia nhập và chiếm lĩnh các dịch vụ BĐS. Tuy nhiên, nhiều công ty trong số này hiện đã rời khỏi thị trường hoặc thu hẹp kinh doanh. CBRE và Savills là 2 trong số ít đơn vị còn được nhắc đến nhiều với những báo cáo thị trường hàng quý.

Ông Nguyễn Khải Hoàn, Chủ tịch HĐQT Khải Hoàn Land, nhìn nhận: “Những năm 2006 các đơn vị môi giới nước ngoài ồ ạt tiến vào thị trường BĐS Việt Nam. Thời điểm đó có tới hàng chục đơn vị. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây hầu như họ đã “rút quân”. Có thể thấy 90% thị phần môi giới BĐS đã nằm trong tay các đơn vị môi giới Việt Nam, còn lại 10% là đơn vị nước ngoài”.

Bên cạnh đó, ông Hoàn cũng cho rằng: “Thất bại lớn nhất của công ty môi giới ngoại là khả năng thích nghi thị trường. Kể từ năm 2006 đến nay, tình hình BĐS Việt Nam trải qua một chu kỳ quá khó khăn. Chính sách liên tục thay đổi, thị trường cũng liên tục biến động, điều này khiến những đơn vị môi giới nước ngoài không thích nghi được”.


Nhiều ứng viên tham gia ứng tuyển tại một hội thảo tuyển dụng của Cengroup

“Với thương hiệu mạnh, cách làm chuyên nghiệp bài bản nhưng theo những nguyên tắc có thể nói như “rập khuôn” ở nước ngoài, các đơn vị môi giới ngoại thường “bê” nguyên vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, cơ sở vật chất tại Việt Nam lại khác, nguồn nhân lực yếu, đây cũng là nguyên nhân gây ra sự thất bại của họ” - Chủ tịch Khải Hoàn Land nhận định.

Đồng quan điểm trên, ông Đoàn Chí Thanh, Chủ tịch Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cho rằng: “Thị trường hầu như rất hiếm những dự án do các công ty môi giới ngoại phân phối độc quyền như trước đây. Những năm trước, đơn vị môi giới ngoại thường tìm đến các chủ đầu tư để được phân phối độc quyền dự án. Tuy nhiên, vì không hiểu đúng thị hiếu, thị trường lại quá biến động, dẫn tới việc khối ngoại chưa kịp thích nghi làm cho hiệu quả bán hàng thấp. Mà khi hiệu quả bán hàng thấp thì chủ đầu tư không còn tin tưởng”.

Người đứng đầu Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cũng đánh giá: “Làm gì cũng phải có thổ địa, văn hóa Việt thì người Việt hiểu rõ nhất, chính vì vậy khối ngoại khó chiếm được thị trường môi giới tại “sân nhà” của mình là điều dễ hiểu”.

Ở một góc độ khác, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Cen Group, cho rằng: “Không thể phủ nhận các đơn vị môi giới ngoại là những người có kinh nghiệm, tiềm lực kinh tế mạnh. Tuy nhiên, họ lại không có những hiểu biết địa phương. Còn các đơn vị môi giới trong nước thì họ lại có quan hệ tốt với chủ đầu tư, kinh nghiệm họ cũng có thể học được, tài chính họ có thể tích lũy theo thời gian. Chính điều này đã khiến cho các đơn vị môi giới ngoại đánh mất vị thế theo thời gian”.

Bên cạnh mảng môi giới bị mất thị phần, vai trò tư vấn, quản lý của các thương hiệu nước ngoài cũng không còn giữ được vị thế. Nhiều chuyên gia BĐS đánh giá, các báo cáo thị trường BĐS của môi giới ngoại, thông tin thiếu khách quan, không sát thực tế. Đó là chưa kể đến việc số liệu các công ty này đưa ra luôn có độ “vênh” và chưa cơ quan hữu quan nào kiểm chứng, xác nhận số liệu.

Ngoài ra, ông Nguyễn Khải Hoàn đánh giá thêm: “Một số dịch vụ khác, như quản lý, định giá hay tư vấn đầu tư... trước đây là thế mạnh của các công ty nước ngoài thì giờ đây họ cũng không còn nằm ở thế độc tôn. Công ty Phú Mỹ Hưng trước đây thuê Savills đảm nhận quản lý vận hành nhưng giờ đây không còn. Nhiều dự án nhà ở như Ehome - Công ty Nam Long, chung cư Lê Thành… đang được chủ đầu tư quản lý, duy tu bảo dưỡng chu đáo và có nhiều tiện ích phục vụ cộng đồng dân cư mà không cần các đơn vị nước ngoài”.

Khi thị trường quay về giá trị thực, chỉ có kết quả bán hàng, hiệu quả quản lý… mới là yếu tố thuyết phục chủ đầu tư cũng như khách hàng. Trông chờ tâm lý "sính ngoại" hay dựa hơi vào "mác ngoại" để bán hàng xem ra không còn dễ dàng.

Nguyên Vũ

Từ khóa: