Sự kiện hot
13 năm trước

Một "quan quận" mua liền 5 biệt thự Hà Nội

Có đến 60 – 70% biệt thự ở Hà Nội là thuộc về… quan chức nhiều cấp, ngành và 30-40% số biệt thự còn lại thuộc sở hữu của các tổng giám đốc hoặc các doanh nhân ở Hà Nội hoặc từ nhiều địa phương có tiền mua gom.

Có đến 60 – 70% biệt thự ở Hà Nội là thuộc về… quan chức nhiều cấp, ngành và 30-40% số biệt thự còn lại thuộc sở hữu của các tổng giám đốc hoặc các doanh nhân ở Hà Nội hoặc từ nhiều địa phương có tiền mua gom.

“Người nghèo làm gì có tiền mà mua, dân kinh doanh cũng chẳng dại gì mà bỏ ra cả chục tỉ đồng để mà đắp chiếu, bỏ hoang cả, mấy cái biệt thự kia là của mấy ông, mấy bà lắm của, thừa tiền đấy. Họ mua chẳng phải để ở, cũng chẳng phải để kinh doanh, họ mua để thể hiện sự giàu có, để thi thoảng mang ra khoe với bạn bè cho… oai đấy”.

Có đến 60 – 70% biệt thự ở Hà Nội là thuộc về… quan chức nhiều cấp, ngành

Câu nói đó của chị Thanh – một người bán hàng nước ở khu đô thị Mễ Trì Hạ nói đã khơi gợi trong đầu tôi một hướng suy nghĩ mới về những ngôi biệt thự bỏ hoang, cũ kỹ, rêu mốc ngay trước cửa quán của chị.

Chị Thanh chẳng phải một chuyên gia, cũng chẳng phải là nhà đầu tư, chị chỉ là một người dân bình thường mà thôi.

Chị cho biết: Tôi đã bán nước ở đây từ nhiều năm rồi nên đã được chứng kiến sự hình thành của hầu hết những biệt thự ở đây. Khách hàng của chị phần lớn cũng là cánh thợ xây, thợ hồ, công nhân xây dựng làm việc tại các dự án nhà ở, nhà biệt thự tại Mễ Trì Hạ.

“Trước kia quán của tôi lúc nào cũng đông, người ra người vào tấp nập lắm. Nhưng từ 1 năm nay, khi những dự án nhà ở, biệt thự ở đây được hoàn thành, cánh thợ xây, thợ hồ, công nhân xây dựng cũng đi chỗ khác làm nên vắng lắm. Thỉnh thoảng mới có một vài người đơn lẻ vào quán uống chén chè rồi đi mà thôi”, chị Thanh chia sẻ.

Chỉ tay về phía căn biệt thự trước cửa quán, chị bảo: Cái biệt thự kia đã hoàn thành hơn 1 năm rồi đấy. Nghe nói là của một ông lãnh đạo ở Hưng Yên đấy. Chẳng biết họ mua làm gì nhưng kể từ khi làm xong phần thô thì không làm tiếp nữa.

Nhiều khố tiền tỷ đã bị bỏ không mọc rêu, là nơi dành cho... bò ở

Thỉnh thoảng, chắc là tiện đi công tác ở Hà Nội nên ông này cũng chỉ rẽ qua, nhìn nhìn, ngó ngó trong giây lát rồi lại phóng xe đi. Cũng có lần ông này đi với mấy người nữa rồi vào quán tôi uống nước. Tôi cứ tưởng ông này dẫn khách đến xem nhà, nào ngờ, mấy người đó là bạn bè của ông, ông đưa đến để “mục sở thị” căn biệt thực trị giá mấy chục tỉ mà mình sở hữu đang phơi nắng, phơi sương chỉ đơn giản là khoe thôi.

“Đúng là dân nhà giàu có khác, họ ngồi nói chuyện với nhau toàn nói tiền tỉ. Ông nào ông đấy cũng nói về cái biệt thự này, cái biệt thự kia có giá cả chục tỉ nhưng vẫn bỏ không mà tôi nghe toát mồ hôi. Hình như họ mua biệt thự để mà khoe khoang, để thể hiện sự thành đạt, giàu có và để mà oai với bạn bè mà thôi”, chị Thanh cười nói.

Quả thật, trong thời buổi “của khôn, người khó” như hiện nay thì cái cách lý giải của chị Thanh về sự xuất hiện của những biệt thự bỏ hoang ở Hà Nội hiện nay hoá ra lại rất hợp lý. Bất động sản (BĐS) là một loại hàng hoá đặc biệt, có giá trị lớn mà không phải ai cũng có thể sở hữu được. Những căn biệt thự có giá đến vài chục tỉ đồng thì càng ít người có khả năng sở hữu.

Còn theo một đại diện bán hàng của Tập đoàn Nam Cường từng chia sẻ trên báo chí thì sở dĩ việc xử lý biệt thự bỏ hoang đang vấp phải rất nhiều khó khăn như hiện nay là do có đến 60 – 70% là thuộc về… quan chức nhiều cấp, ngành và 30-40% số biệt thự còn lại thuộc sở hữu của các tổng giám đốc hoặc các doanh nhân ở Hà Nội hoặc từ nhiều địa phương có tiền mua gom.

Vị này cho biết: Từng có trường hợp, khi doanh nghiệp mở bán đất liền kề và biệt thự tại một dự án phía Tây thành phố, có một quan chức cấp quận đã mua một lúc… 5 cái biệt thự. Nghĩ đây chỉ là chuyện khách hàng đặt mua ảo, doanh nghiệp đã cử người tiến hành điều tra thì xác định việc quan chức cấp quận này mua 5 cái biệt thự là đúng sự thật.

Nhìn lại thị trường BĐS, đặc biệt là ở phân khúc nhà biệt thự những năm 2008 – 2009 có thể thấy, đây là giai đoạn được xem hoàng kim của phân khúc nhà ở này. Hầu hết các dự án biệt thự gần như đều được bán hết sạch trong thời gian ngắn. Sự giàu sang không chỉ thể hiện ở những chiếc xe đẹp, siêu sang, những thứ đồ hàng hiệu mà còn là những căn biệt thự hiện đại, sang trọng. Người càng giàu thì càng phải sở hữu nhiều sản phẩm BĐS.

“Tỉ phú BĐS”, “đại gia BĐS”,… là những cụm từ mà người ta dùng để khen và cũng là để phô trương sự giàu có của mình.

Ông Vũ Kỳ Anh – Giám đốc Công ty CP Xây dựng TNP nói: “Sở hữu biệt thự ở ngoại thành, ở quê thì cũng bình thường thôi, giờ phải là biệt thự ở thành phố, có giá từ vài chục tỉ, đến cả trăm tỉ đồng mới xứng với đẳng cấp đại gia. Chính vì thế, việc sở hữu BĐS, mà đặc biệt là sở hữu BĐS cao cấp như biệt thự hiện đang là mốt của dân nhà giàu”.

Và có lẽ cũng chính vì vậy mà tình trạng biệt thự bỏ hoang ở Hà Nội đang ngày càng nghiêm trọng. Nhà nước có thể đánh thuế cao nhưng cũng chẳng thấm vào đầu vì họ sẵn sang bỏ ra một số tiền “siêu khủng” như vậy để thoả mãn thú chơi của mình thì số tiền thuế “ít ỏi” đó có thấm vào đâu. Họ sẽ nộp thuế nhưng vẫn bỏ hoang, vẫn không chịu hoàn thiện chỉ đơn giản, họ mua để đấy cho… oai.

Thanh Ngọc
Theo Petrotimes


Từ khóa: