Trong những năm gần đây, sự tăng nhanh của giá bất động sản tại Việt Nam đang khiến nhiều người dân khó tiếp cận nhà ở, dù thu nhập của họ vẫn tăng lên từng ngày. Tuy nhiên, điều đáng lo là tốc độ tăng thu nhập không theo được tốc độ tăng giá của bất động sản, tạo ra khoảng cách giữa thu nhập và khả năng sở hữu nhà ở ngày càng xa dần. Mối tương quan này đã gây ra nhiều khó khăn cho người lao động và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng thu nhập thực ở Việt Nam còn khiêm tốn. Cụ thể, tính chung sáu tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, khi đối chiếu sang thị trường bất động sản mức tăng trên không thể sánh lại với đà tăng “phi mã” của giá nhà ở nói chung và chung cư nói riêng. Theo dữ liệu của Bộ Xây dựng, giá căn hộ chung cư trong quý II/2024 đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Hà Nội, giá chung cư tiếp tục leo thang ở cả dự án mới và cũ. Theo đó, mặt bằng giá dự án mới đã tăng 6% theo quý và 28% theo năm, đạt 69 triệu đồng/m2. Dự án sơ cấp tăng cao cũng kéo giá bán chung cư cũ lên 51 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 41% theo năm.
Nhiều dự án chung cư ở Hà Nội có mức giá từ 60-100 triệu đồng/m2. Có thể kể đến một số dự án như, Dự án Viha Complex (Thanh Xuân), căn hộ hiện được rao bán từ 75-97,2 triệu đồng/m2.
Dự án Green Diamond 93 Láng Hạ (Đống Đa) được rao bán với giá 90,5-125,7 triệu đồng/m2. Giá bán căn hộ tại đây đã tăng 30,9% trong vòng 1 năm qua.
Ngoài ra, một số dự án chung cư cũ đã được đưa vào sử dụng nhiều năm và đang xuống cấp nghiêm trọng, giá cũng được rao bán ở mức rất cao. Cụ thể, tại dự án tái định cư Nam Trung Yên (Cầu Giấy) cũng đang được rao bán với giá hơn 70 triệu đồng/m2…
Giá chung cư ở Hà Nội tiếp tục leo thang do tình trạng mất cân đối cung cầu đang ngày càng nghiêm trọng. Mặc dù nguồn cung đã được cải thiện nhưng người dân vẫn rất khó “chạm” tới ước mơ sở hữu một căn nhà.
Bà Giang Huỳnh - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M tại Savills - cho biết, khoảng cách thu nhập và giá nhà ngày càng lớn này khiến việc sở hữu nhà trở nên khó khăn hơn bao giờ hết đối với nhiều người dân. Bên cạnh đó, các rào cản pháp lý, vấn đề của các nhà phát triển và sự chậm trễ trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ nhà ở đã khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.
Một thị trường bất động sản phát triển bền vững thường có sự đa dạng về phân khúc, đặc biệt là các sản phẩm hạng B và C. Tuy nhiên, tại cả Hà Nội và TP.HCM, nguồn cung các loại hình nhà ở này lại đang thiếu hụt nghiêm trọng. Nhu cầu về khoảng 50.000 căn hộ mỗi năm, chủ yếu đến từ người dân có thu nhập trung bình và các hộ gia đình trẻ, vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.
Theo bà Giang Huỳnh, cả TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An đều đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở.
Trong tương lai gần, TP.HCM sẽ chứng kiến sự gia tăng của các dự án cao cấp, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ lại hạn chế. Ngược lại, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các dự án hạng B. Sự mất cân đối này là do nhiều yếu tố, bao gồm tăng trưởng thu nhập, quỹ đất hạn hẹp và chi phí đất đai tăng cao, cùng với các thủ tục hành chính phức tạp trong việc cấp phép cho các dự án phát triển mới.
Bà Giang Huỳnh nhận định, để giải quyết bài toán nhà ở vừa đủ và khả năng chi trả của người dân, chúng ta cần một giải pháp tổng thể, kết hợp sức mạnh của cả khu vực công và tư. Không một bên nào đơn lẻ có thể giải quyết vấn đề nan giải này.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước có giới hạn và lãi suất tăng cao, việc tài trợ cho các dự án nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, khu vực tư nhân cũng đối mặt với áp lực lạm phát về chi phí đầu vào. Chính vì vậy, sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên là điều cấp thiết.
Sự mất cân bằng giữa sản phẩm đầu vào và giá trị bất động sản hiện nay đang là một bài toán lớn cho người dân và nhà nước. Việc thu hẹp khoảng cách này cần có những giải pháp hiệu quả từ chính sách quản lý, phát triển đô thị và hỗ trợ tài chính hợp lý, thúc đẩy bảo đảm quyền lợi cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp. Chỉ khi thị trường bất động sản cân đối với việc thu nhập của người dân, chủ sở hữu mục tiêu ở mỗi cá nhân mới trở nên khả thi và cung cấp chất lượng cuộc sống được cải thiện một cách bền vững.
Tiến Hoàng/KTĐU