Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều sinh viên phải làm thêm vào buổi tối để có tiền trang trải cuộc sống, nhưng không dễ tìm việc như mọi năm...
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều sinh viên phải làm thêm vào buổi tối để có tiền trang trải cuộc sống, nhưng không dễ tìm việc như mọi năm...
Chia sẻ điều này, Anh Tuấn, sinh viên (SV) Trường ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM, nói: “Để trang trải cuộc sống hầu hết phải đi làm kiếm tiền. Thế nhưng không dễ tìm được việc làm thêm phù hợp, vì vậy có khi phải tự tạo việc làm cho mình”.
Chính vì thế, hơn nửa năm nay, cứ đến tối là chàng kỹ sư tương lai lại trở thành người vá xe và chạy xe ôm tại ngã ba Ngô Bệ - Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM). Được biết, chiếc xe này Tuấn được ông chủ nhà trọ cho mượn để chở khách vào buổi tối. “Mình phải chạy xe ôm kiếm tiền, gom góp đóng học phí, tiền ăn, tiền nhà. Có đêm kiếm được 3, 4 “cuốc” với 100.000 - 120.000 đồng tiền công, nhưng cũng không ít đêm hẩm hiu ngồi đợi đến tận 1, 2 giờ sáng mà chẳng có lấy người khách nào”, Tuấn tâm sự. Những lúc ế khách, Tuấn đem đồ nghề sửa xe để kiếm thêm từ công việc: bơm vá xe, sửa xe… “Tuy mệt lắm, nhưng vui vì có đồng ra đồng vào”, Tuấn nói.
Anh Tuấn với công việc sửa xe vào ban đêm - Ảnh: X.P
Không riêng Tuấn, khá nhiều SV khác cũng có tình cảnh tương tự, khi không thể bon chen tìm việc làm thêm ban ngày bởi việc làm phù hợp có quá nhiều người lựa chọn, nên ngoài giờ học, họ phải tận dụng tối đa thời gian buổi tối để mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau.
Văn Sỹ, SV Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, kể đã từng xin làm phục vụ bàn, giữ xe tại các quán cà phê... Vì bệnh nên xin nghỉ vài ngày, sau đó bị mất việc hẳn do có người khác vào thế chỗ. “Việc làm thêm bây giờ nhan nhản, nhưng để có được việc làm tốt là rất khó. Vì thế mình phải tìm trên các trang việc làm, lựa chọn những công việc vào ban đêm để đỡ phải cạnh tranh với nhiều người khác. Hiện, Sỹ làm bán thời gian cho một công ty cà phê trên đường Lê Duẩn (Q.1). Mỗi đêm, từ 20 - 23 giờ, Sỹ đến các cửa hàng của công ty để làm nhiệm vụ thông cống, tránh việc tắc nghẽn đường ống. “Lương 3 triệu đồng/tháng, ngày nào cũng phải đi làm”, Sỹ cho biết.
Còn với Trần Dũng, SV Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân, thì tâm sự: “Cứ tưởng tìm việc làm thêm dễ dàng nhưng thật ra không phải vậy. Có công việc trùng giờ học, hay đi giao hàng thì bắt buộc phải có xe máy, làm gia sư thì phải có tiền đóng phí... nên đành sử dụng “vốn đã có” để làm thêm”. Theo đó, tan trường, bạn lại đi làm cùng hai người anh của mình, trở thành người bán CD dạo. Trọ trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), nhưng có đêm, Dũng phải đạp xe chở hàng trăm đĩa CD, VCD dạo khắp các con đường ngõ ngách, có khi đạp qua tận Q.7, Q.4 với hy vọng bán được nhiều đĩa hơn. Với mỗi CD được bán, Dũng lời từ 2.000 - 3.000 đồng. “Những ngày đầu vào nghề, chân mỏi không chịu nỗi, nhưng giờ thì quen rồi. Dù mệt mỏi cũng chịu được, chỉ mong mỗi đêm bán được 15, 20 CD là vui rồi”, Dũng nói.
Khi nói về công việc làm thêm từ nửa đêm đến tờ mờ sáng của mình, Bình An và Tấn Đức, 2 SV Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm không khỏi ngại ngùng. Nhưng sau đó, Đức kể thật, cũng vì SV sống khó khăn và thiếu thốn quá, nên hơn một tháng nay, cả hai đã rủ nhau xin làm bốc vác tại chợ đầu mối Mai Xuân Thưởng (Q.6). “Đêm nào cũng vác cả tấn trái cây. Người ê ẩm, đau nhức, nhưng phải ráng chịu đựng. Tiền công mỗi đêm cũng được 150.000 - 200.000 đồng”, Đức tâm sự. Còn An thì bảo “làm đỡ vài tháng để qua những ngày thiếu thốn, chứ làm hoài chắc không chịu nỗi”.
Nhiều SV tự tạo việc làm cho mình bằng nhiều cách như bán các vật dụng thông thường cho SV vào buổi tối: bán USB, sách cũ, “đồ chơi” máy vi tính, bàn xếp hoặc quần áo giá rẻ...
Xuân Phương
Theo Thanhnien