Chưa có mô hình UBCK thuộc NHNN
Bộ trưởng Huệ cho rằng, vấn đề địa vị pháp lý của UBCK không phải bây giờ mới đề cập tới mà đã được bàn trong khi xây dựng Luật CK và Luật CK sửa đổi. Bộ trưởng dẫn thêm ví dụ tại một số nước hiện tồn tại hai mô hình cơ bản là UBCK trực thuộc Bộ Tài chính như ở VN và UBCK có tính độc lập tương đối, điều hành theo cơ chế hội đồng hay gọi là UB, nhưng cũng chịu trách nhiệm báo cáo với Bộ Tài chính. “Tôi chưa thấy mô hình nào mà cơ quan CK lại trực thuộc NHNN, nhất là mô hình các nước thành lập NHTƯ”, Bộ trưởng khẳng định. “Chính phủ đề nghị và Quốc hội đồng ý để Ủy ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính”, Bộ trưởng nói thêm.
Theo giải thích của Bộ trưởng Bộ Tài chính, TTCK là kênh để huy động vốn, đặc biệt là huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Các NHTM đóng vai trò cung cấp vốn ngắn hạn. TTCK thích hợp cho các loại hình đầu tư rủi ro và mạo hiểm trong khi việc cho vay ngắn hạn của NHTM có khả năng chắc chắn thu hồi được vốn. Vì vậy 2 kênh này không thể gắn với nhau. Bên cạnh đó, để UBCK trực thuộc Bộ Tài chính còn liên quan tới việc gắn chặt phát triển thị trường này với công tác CPH và cải cách sắp xếp đổi mới DN nhà nước. Ngoài ra, UBCK trực thuộc Bộ Tài chính còn để phát triển hệ thống thị trường trái phiếu, bao gồm cả thị trường trái phiếu DN và trái phiếu chính phủ (đều thuộc chức năng của Bộ Tài chính). “Đấy là những lý do căn bản mà chúng ta thấy để UBCK thuộc Bộ Tài chính thì thích hợp hơn”, Bộ trưởng kết luận.
2012 sẽ có nhiều giải pháp cho thị trường
TTCK năm 2011 rất khó khăn, khi được hỏi về trách nhiệm của Bộ Tài chính về điều hành thị trường trong năm qua, Bộ trưởng cho biết, sự khó khăn của TTCK là do sản xuất kinh doanh và kinh tế vĩ mô của VN năm qua còn nhiều bất ổn. Hơn nữa 2011 là năm TTCK thế giới tăng trưởng, sụt giảm bấp bênh, vì vấn đề nợ công ở Châu Âu chưa được giải quyết một cách căn bản, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng suy giảm. “Tuy nhiên, hôm nay vào thời điểm diễn ra cuộc đối thoại trực tuyến này, rất mừng là TTCK đã có 5 phiên liên tiếp “xanh”. Năm 2012 là năm đầy hứa hẹn với CK. Bộ Tài chính sẽ cùng với UBCK đã làm hết sức mình vì sự phát triển của thị trường”, Bộ trưởng nói.
Về kế hoạch phát triển thị trường, Bộ trưởng Huệ cho biết, trước hết, chúng ta tiếp tục có kế hoạch nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật CK. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và UBCK đã soạn thảo và trình Chính phủ chiến lược phát triển TTCK năm 2020. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính xây dựng đề án tái cấu trúc TTCK. Các đề án này đã hoàn thành. Thường trực Chính phủ đã chấp nhận và ủy nhiệm cho Bộ Tài chính ký trình Bộ Chính trị. Trong đó, tái cấu trúc CTCK thực sự bắt đầu theo Quyết định 62/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 10.1.2012. Với các đề án khác như đề án về thị trường đầu tư gián tiếp, cơ cấu lại trái phiếu chính phủ theo những lô lớn có tính thanh khoản cao, việc tăng cường công tác quản trị các DN niêm yết và các Cty đại chúng để đảm bảo chất lượng hàng hóa và tính công khai minh bạch trên thị trường, UBCK cũng sẽ thực hiện một cách quyết liệt.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư về quỹ mở, tới đây bộ cũng sẽ xem xét thêm vấn đề về quỹ hưu trí... Cùng với phát triển hệ thống thông tin điện tử, nâng cấp hệ thống hạ tầng, về lâu dài sẽ tích hợp Sở Giao dịch CK Hà Nội và TPHCM. “Tôi nghĩ rằng, với các biện pháp ngắn, trung và dài hạn quyết liệt và đồng bộ như vậy, năm 2012 sẽ là năm đánh dấu việc tái cấu trúc mạnh mẽ nền kinh tế trong đó có tái cấu trúc TTCK. TTCK sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đi vào ổn định và khởi sắc trong năm 2012”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết đang xem xét lại các CTCK tồn tại trong các NHTM. Nếu không khéo sẽ không phân tách được vốn tín dụng và vốn thông qua CTCK. Bộ trưởng cho biết, một số các NHTM đầu tư và cho vay, nhưng thực chất là ủy thác đầu tư qua các CTCK của mình. Điều đó cũng làm cho nền kinh tế ta bị méo mó và khó kiểm soát. Vì vậy, cần phân định một cách rõ ràng và phải kiểm soát minh bạch, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển cân bằng, hài hòa và sắp tới với chức năng thị trường trung hạn và dài hạn cho nền kinh tế và thích hợp với đầu tư rủi ro và với việc hạn chế mức tín dụng, đây là cơ hội lý tưởng cho TTCK phát triển.
|
Hoàng Giang
Theo Lao dong