Trong năm 2023, Eximbank đề ra mục tiêu tổng tài sản đạt 210.000 tỷ đồng, mở rộng 13,5% so với đầu năm; huy động vốn (tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá) đạt 165.000 tỷ đồng, tăng 11%.
Theo đó, Mục tiêu tổng tài sản năm 2023 đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022. Huy động vốn cuối kỳ đạt 165.000 tỷ đồng (tăng 11%), dư nợ cấp tín dụng đạt 146.600 tỷ đồng (tăng 12,3%). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6% và lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 34,5%.
Tổng giám đốc Eximbank ông Trần Tấn Lộc cho biết, lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt trên 900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Vì thế, theo Eximbank, Ngân hàng có cơ sở đặt kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho năm 2032 tăng gần 35% so với năm trước. Ông Trần Tấn Lộc cho rằng, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng được đưa ra đã tính toán kỹ, cũng đã dự đoán tình hình kinh tế khó khăn, và đã có phương án thực hiện tối thiểu lợi nhuận trên.
Theo kết quả kinh doanh năm 2022 cho thấy, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 3.709 tỷ, tăng 207,7% so với năm 2021, hoàn thành 148% kế hoạch đại hội cổ đông đề ra.
Kết thúc năm tài chính, tổng tài sản của ngân hàng Eximbank là 185.056 tỷ, tăng 11,6% so với năm 2021. Huy động vốn đạt 148.615 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2021. Dư nợ tín dụng 130.581 tỷ, tăng 13% và vượt 3% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,80 , giảm 0,14 điểm % so với năm 2021 và tăng 0,1 điểm % so với kế hoạch.
Tính đến cuối năm 2022, ngân hàng Eximbank đã trích và sử dụng dự phòng rủi ro trên 1.300 tỷ đồng, trong đó dự phòng chung 966 tỷ đồng, dự phòng cụ thể 342 tỷ đồng. Tổng số dự phòng cụ thể đã sử dụng để xử lý nợ trong năm là 166 tỷ đồng.
Về việc phân bổ lợi nhuận năm 2022, sau khi trừ thuế, trích lập các quỹ, cộng thêm lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước, ngân hàng còn 2.780 tỷ đồng có thể dùng để chia cổ tức. Trên cơ sở đó, ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông kế hoạch trích 2.655 tỷ từ nguồn ngân sách kể trên để chia cổ tức.
Sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận năm 2017-2021 vốn điều lệ của ngân hàng Eximbank là 14.814 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, ban lãnh đạo ngân hàng kiến nghị chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Eximbank dự kiến phát hành gần 265,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 18% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận tối đa 18 cổ phiếu mới). Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành sẽ tăng từ 14.814 tỷ đồng lên 17.470 tỷ đồng.
Lợi nhuận chưa phân phối còn lại sau khi chia cổ tức hơn 125 tỷ đồng, được giữ lại để củng cố và nâng cao năng lực tài chính Ngân hàng. Thời gian thực hiện trong năm 2023, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống