Sự kiện hot
9 tháng trước

Năm 2024 tăng trưởng tín dụng kỳ vọng bứt tốc

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%. Sự phục hồi thanh khoản trên thị trường bất động sản được cho là yếu tố chính quyết định tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng.

Theo đó, trong báo cáo mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 2024 có thể đạt khoảng 14% trong kịch bản cơ sở. Động lực sẽ đến từ các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu, đầu tư công, kinh doanh bất động sản,… Dù vậy, nhóm phân tích nhận thấy rủi ro từ việc nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự kiến, từ đó khiến nhu cầu tín dụng (nhất là từ phía người tiêu dùng) có thể sẽ bị dồn nén về nửa cuối năm.

Theo BSC, yếu tố chính cần theo dõi sẽ là sự phục hồi thanh khoản trên thị trường địa ốc khi dư nợ bất động sản hiện chiếm hơn 21% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó 64% là mục đích tiêu dùng và 36% là mục đích kinh doanh), từ đó sẽ quyết định tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng.

Cầu vốn trở lại, tăng trưởng tín dụng đang có sự cải thiện | Tin nhanh  chứng khoán
Năm 2024 tăng trưởng tín dụng kỳ vọng bứt tốc

Tuy nhiên, theo khảo sát về xu hướng tín dụng, các NHTM nhận định tín dụng dự kiến vẫn tăng chậm trong nửa đầu năm 2024 do nhu cầu vốn của khách hàng ở hầu hết các lĩnh vực sẽ giảm so với 6 tháng cuối năm 2023.

Ngoài ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ khi nhu cầu vay vốn các tháng trước và sau Tết Nguyên đán thường thấp, khách hàng có xu hướng trả nợ hơn là đi vay, thì phần dư nợ tăng vọt trong tháng cuối năm 2023 vừa qua chỉ mang tính ngắn hạn, có yếu tố không bền vững, nên có thể tiếp tục ảnh hưởng lên tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm 2024.

Bên cạnh đó, các dự báo cho thấy, 2024 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với kinh tế thế giới. Điều này sẽ tác động đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Đặc biệt, tổng cầu thế giới có nguy cơ suy giảm khi Mỹ và một số nền kinh tế lớn của châu Âu dự báo suy thoái nhẹ.

Dự báo cho 6 tháng đầu năm và cả năm 2024, khoảng 70,3% - 73,3% tổ chức tín dụng (TCTD) dự kiến tiếp tục giữ nguyên hoặc nới nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình (13,9 - 16,8% TCTD dự kiến nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng, 12,9% TCTD dự kiến thắt chặt nhẹ tiêu chuẩn tín dụng), trong đó, dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với tất cả các lĩnh vực ưu tiên và công nghiệp chế biến chế tạo, cho vay đầu tư ngành dịch vụ logistics và cho vay mua nhà để ở.

Các TCTD dự kiến nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng nhờ kỳ vọng các nhân tố “Triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan” cùng với “Chính sách định hướng/quản lý phát triển các ngành kinh tế của Chính phủ” và “Chính sách định hướng/quản lý tín dụng của Chính phủ/NHNN”.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các TCTD dự kiến giữ ổn định các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể đối với khách hàng DN và nới lỏng hơn đối với khách hàng cá nhân.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: