Cho dù trời nóng thì việc uống quá nhiều nước cũng gây hại; với một số trường hợp thì thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Cho dù trời nóng thì việc uống quá nhiều nước cũng gây hại; với một số trường hợp thì thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, đây là đợt nắng nóng khủng khiếp và kéo dài nhất từ đầu mùa hè. Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều bệnh viện trên cả nước đều quá tải bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng.
Ùn ùn nhập viện
Anh Trần Văn Thành (Đống Đa, Hà Nội), cho biết kỳ nghỉ lễ vừa rồi cả nhà anh đi nghỉ mát ở Cửa Lò, Nghệ An, đến đêm 1/5 mới về. Tuy nhiên, vừa đặt chân đến Hà Nội mấy tiếng thì cả nhà có triệu chứng mắc bệnh: cậu nhóc 5 tuổi bị sốt cao, nôn trớ nhiều, tiêu chảy; vợ anh bị tiêu chảy còn mẹ anh thì chóng mặt, đau đầu dữ dội. Thế là thay vì nghỉ ngơi cả nhà phải rồng rắn kéo nhau đến bệnh viện. Anh thì đưa con đến khám tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, còn vợ anh và mẹ thì sang khám tại Bệnh viện Lão Khoa.
Qua khảo sát của phóng viên ngày 3/5, tất cả các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải. Bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết mấy ngày nắng nóng vừa qua, số lượng bệnh nhân đến khám tăng mạnh, khoảng 2.500 - 3.000 trẻ mỗi ngày. Tuy nhiên, do trời nắng nóng quá gay gắt nên số bệnh nhân khám chiều tối tăng vọt. Riêng khoa Khám bệnh phải bố trí 4 bác sĩ trực khám mỗi tối mà vẫn quay như chong chóng vì bệnh nhân quá đông.
Ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh nhân nằm la liệt ở hành lang
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Đồng Văn Thành, khoa Khám bệnh, cho biết, lượng bệnh nhân đến khám đã tăng gấp đôi so với ngày thường. Trong đó, đông nhất là bệnh nhân bị bệnh mạch vành, suy tim, huyết áp.
Ở TP HCM, mấy ngày qua, thời tiết diễn biến phức tạp với nắng nóng kéo dài kèm theo mưa đầu mùa khiến các loại dịch bệnh mùa hè có nguy cơ bùng phát ở cả trẻ em và người lớn. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, số trẻ nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa đã tăng đột biến. Mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 5.000 - 6.500 bệnh nhi đến khám và hiện tại có 1.300 - 1.400 trẻ nằm điệu trị nội trú. Riêng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 180 - 190 trẻ nằm viện, có hôm cao điểm lên hơn 200 (bình thường có 140 - 150 ca). Bệnh viện quá tải đến mức người nhà và bệnh nhân phải nằm dọc các hành lang, lối lên xuống cầu thang; phòng khám thì lúc nào cũng đông nghịt trẻ em chờ khám.
Trẻ tiêu chảy, người già đột quỵ
Các bác sĩ cảnh báo, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến các ca bệnh dễ trở nặng. Trẻ nhỏ tập trung vào các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, kiết lỵ; bệnh đường hô hấp: viêm họng, viêm phế quản, hen. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, mấy ngày nắng nóng vừa qua bắt đầu ghi nhận sự gia tăng của bệnh viêm màng não. Riêng tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trung bình mỗi ngày tiếp nhận 4 - 5 ca, trong khi trước đây cả tuần chỉ rải rác 1 - 2 ca.
Hiện nay, vẫn còn nhiều bậc phụ huynh lo sợ không dám cho con mình làm xét nghiệm dịch não tủy khi được yêu cầu vì lo sợ trẻ bị đau đớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của não trẻ. Tuy nhiên, tiến sĩ Dũng khẳng định, cha mẹ không nên quá lo lắng vì với các tiến bộ của y học hiện nay, việc lấy dịch não tủy không còn đau đớn như trước. Hơn nữa, đây là xét nghiệm bắt buộc để xác định đúng bệnh và có phác đồ điều trị kịp thời, hiệu quả. Bởi viêm màng não là bệnh nguy hiểm, nếu phát hiện sớm bệnh sẽ khỏi nhanh nhưng nếu để muộn, dễ gây phù não, hậu quả là trẻ dễ bị di chứng nặng nề về mặt thần kinh. Do đó, bác sĩ khuyến cáo nếu thấy trẻ sốt cao, co giật, nôn không rõ nguyên nhân (không có kèm theo tiêu chảy), đau đầu dữ dội cần nghi ngờ ngay đến bệnh viêm màng não.
Trong khi đó theo bác sĩ Nguyễn Văn Long, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, người già bị đổ bệnh trong những ngày này chủ yếu tập trung vào nhóm bệnh tăng huyết, bệnh mãn tính và các bệnh liên quan đến thời tiết như đột quỵ, say nắng, suy nhược cơ thể vì mất nước. Bệnh viện Nhân dân Gia Định từ đầu tháng 4 đến nay đã điều trị cho gần 100 trường hợp bị đột quỵ, trong khi 3 tháng đầu năm chỉ điều trị cho 134 trường hợp. Đáng lưu ý, hiện nay, số người bị đột quỵ đang trẻ hóa, từ 30 đến 40 tuổi. Còn Bệnh viện Nhân Dân 115 cũng đang điều trị khoảng 180 bệnh nhân liên quan đến bệnh đột quỵ, đứt mạch máu não và chủ yếu là bệnh nhân trung niên, cao tuổi.
Để đề phòng các bệnh trong ngày nắng nóng, các bác sĩ khuyên không nên tập trung tại chỗ đông người vì nguy cơ lây các bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sốt virus… là rất lớn. Hạn chế đi ra ngoài trời vào lúc nắng đỉnh điểm trong ngày. Không nên dùng thức ăn qua nhiều ngày dù để trong tủ lạnh.
Uống nhiều nước không tốt
Các bác sĩ cảnh báo, không phải cứ nắng nóng là uống càng nhiều nước càng tốt. Nhiều người dù không khát nhưng vẫn cố uống 2 lít nước mỗi ngày. Bác sĩ Cấn Phú Nhuận cho rằng, đây chỉ là con số áng chừng, không phải bắt buộc với tất cả mọi người. Với một số trường hợp uống nhiều nước lại có hại, gây nguy hiểm đến tính mạng. Đối với người không có cảm giác khát nước, đặc biệt dù làm việc mệt nhọc, uống nhiều nước mà không ra nhiều mồ hôi cần phải cẩn trọng vì khi đó cơ thể không dung nạp được sẽ dẫn tới phù não, nhức đầu. Với bệnh nhân suy tim uống nước quá nhiều sẽ làm tăng khối lượng tuần hoàn, dẫn tới suy tim nặng hơn.
Còn theo bác sĩ Thành, quan niệm ngày nắng nên uống nhiều vitamin C để làm mát cơ thể cũng không đúng, bởi chưa có căn cứ khẳng định uống vitamin C làm mát. Cái mát mà mọi người vẫn cảm nhận thấy thực ra chỉ cảm giác mát nhưng thực chất là nóng bên trong. Tốt nhất những ngày này nên uống các lại nước linh chi, rau ngô, bong mã đề vừa lợi tiểu, vừa mát.
Theo Dat Viet