Theo ông Lã Giang Trung, CEO Passion Invesment, khi lạm phát tăng cao, ngân hàng nhà nước sẽ phải thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất. Đặc điểm chung của các nhà đầu tư bất động sản tại Việt Nam là vay ngân hàng rất nhiều. Nên khi tăng lãi suất sẽ khiến bất động sản "sập".
Theo ông Lã Giang Trung, CEO Passion Invesment, khi lạm phát tăng cao, ngân hàng nhà nước sẽ phải thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất. Đặc điểm chung của các nhà đầu tư bất động sản tại Việt Nam là vay ngân hàng rất nhiều. Nên khi tăng lãi suất sẽ khiến bất động sản "sập".
Để hồi phục nền kinh tế sau những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, chính phủ nhiều quốc gia lựa chọn chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất. Việc áp dụng chính sách trên một cách kéo dài cộng hưởng xu hướng giá hàng hóa tăng phi mã đẩy lạm phát lên mức cao.
Đơn cử, khu vực đồng tiền chung châu Âu từng trải qua giảm phát đã chứng kiến mức lạm phát cao kỷ lục trong tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Tới đây, nhiều nhà kinh tế, phân tích cho rằng lạm phát sẽ là mối lo lớn đối với kinh tế toàn cầu và nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, dù lạm phát vẫn đang được kiểm soát nhưng những lo ngại đang rất lớn, không chỉ từ những nhà đầu tư mà ngay cả cơ quan điều hành chính sách quan tâm đặc biệt.
Trong chương trình Bí mật đồng tiền được tổ chức ngày 2/3 vừa qua, ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research và ông Lã Giang Trung, Tổng Giám đốc Passion Investment (PIF) đã có những chia sẻ liên quan đến chủ đề này.
Đánh giá từ ông Lã Giang Trung, Việt Nam đã kiểm soát lạm phát rất tốt. Trong tình hình hiện tại, lạm phát thế giới đang rất mạnh, tháng 2 lạm phát của Việt Nam có dấu hiệu bắt đầu tăng nhưng nền kinh tế của Việt Nam. Bởi vậy động thái tăng lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước như những gì Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ làm trở nên khó hơn rất nhiều.
"Chúng ta có kinh nghiệm rất đau thương về lạm phát nên tôi nghĩ ngân hàng nhà nước rất quan tâm đến vấn đề lạm phát. Nếu lạm phát tháng 3, tháng 4 có vấn đề thì tôi nghĩ việc tăng lãi suất là chưa nhưng không nới lỏng tiền tệ nữa là vấn đề được cân nhắc", CEO Passion Investment nói.
Còn theo ông Phạm Lưu Hưng, lạm phát quan trọng đó là lạm phát kỳ vọng. Do đó, những con số hiện tại không quan trọng bằng việc mọi người đang kỳ vọng lạm phát tiếp theo như thế nào.
Phó Giám đốc SSI Research lấy ví dụ, ở lạm phát bình quân ở Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2022 là 1,68%. Đây là tỷ lệ khá thấp, thấp hơn tháng 1. Mọi người đang kỳ vọng và có dự báo giá dầu lên 120 -150 USD, khi đó lạm phát hơn nữa. Khi đó cái kỳ vọng này là quan trọng.
"Để chúng ta quyết định nên ở lại hay nên đi phải xem Việt Nam có thể kiểm soát được mức độ lạm phát không. Nếu không là một vấn đề", ông Hưng nói.
Quay trở lại câu chuyện ứng dụng phân tích vĩ mô trong đầu tư chứng khoán, CEO Passion Investment cho rằng hai yếu tố được quan tâm nhất đó là lạm phát và lãi suất.
Khi lạm phát tăng mạnh, thị trường chứng khoán sẽ bị tác động rất mạnh. Năm 2008, lạm phát tại Việt Nam lên đến 23% và lãi suất huy động kỳ hạn trên 20%. Tiếp tục sang năm 2011, lạm phát lên gần 20% và lãi suất huy động cũng gần 20%. Đó là hai "cú sập" rất lớn của thị trường chứng khoán. Trong năm 2011, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm gần 50%.
Vậy những kênh đầu tư nào có thể là kênh trú ẩn hay kiếm lời trong bối cảnh lạm phát tăng cao?
Trên nhiều diễn đàn, hội nhóm về đầu tư chứng khoán hay bất động sản, nhà đầu tư lưu truyền thông tin rằng bất động sản và cổ phiếu bất động sản sẽ là lựa chọn tốt. Một tư tưởng đầu tư chứng khoán được tạo ra "cổ đất chống lạm phát tăng cao".
Tuy nhiên, ông Lã Giang Trung cho rằng đây là một quan điểm không đúng. Khi lạm phát tăng cao, ngân hàng nhà nước sẽ phải thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất. Đặc điểm chung của các nhà đầu tư bất động sản tại Việt Nam là vay ngân hàng rất nhiều. Tăng lãi suất sẽ khiến bất động sản "sập", nhưng nếu lạm lạm phát ở mức vừa phải sẽ là điều kiện tốt để đầu tư.
"Cứ kênh tài sản rủi ro mà lạm phát cao và lãi suất tăng mạnh đều bị tác động hết, không có tài sản rủi ro nào tồn tại được".
Thu Hà
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết