Đầu tháng 4, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động 0,1 - 0,6%/năm tùy theo từng kì hạn. Trong đó, Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đang là những ngân hàng tiên phong trong đợt giảm lãi suất này.
Đồng loạt giảm lãi suất huy động
Ngay trong đầu tháng 4, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động tiền gửi. Trong đó nhóm 4 ngân hàng thương mại gốc nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đang đi đầu trong xu hướng giảm lãi suất huy động.
Bắt đầu từ ngày 1/4/2020, Agribank giảm 0,1 điểm % đối với các kì hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng xuống mức 4,7%/năm. Lãi suất kì hạn 6 tháng, 7 tháng và 8 tháng là 5,1%/năm, giảm 0,2 điểm % so với tháng trước. Lãi suất kì hạn 9 tháng, 10 tháng và 11 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống còn 5,2%/năm.
Tại ngân hàng có qui mô tài sản lớn nhất hệ thông là BIDV, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cũng giảm ở nhiều kì hạn so với tháng 3. Trong đó, lãi suất kì hạn 3 tháng và 5 tháng giảm 0,25 điểm % xuống 4,75%/năm; kì hạn 6 tháng và 9 tháng giảm 0,2 điểm % xuống 5,1%/năm.
Ngoài các kì hạn ngắn, BIDV cũng giảm lãi suất huy động đối các kì hạn gửi trên 12 tháng. Theo đó, các khoản tiền gửi tại các kì hạn 13 tháng, 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng chỉ còn được áp dụng mức lãi suất là 6,6%/năm thay vì 6,8%/năm trong tháng 3.
Tương tự, VietinBank cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động đối với một số kì hạn gửi từ 3 tháng trở lên. Trong đó, các kì hạn gửi từ 3 đến dưới 6 tháng được áp dụng mức lãi suất là 4,7%/năm, giảm 0,1 điểm %; các kì hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng hưởng lãi suất 5,1%/năm, giảm 0,2 điểm %.
Tại Vietcombank, lãi suất huy động đối với hầu hết kì hạn từ 3 tháng trở lên đều được điều chỉnh giảm so với tháng 3. Theo đó, tiền gửi kì hạn 3 tháng được hưởng lãi suất 4,7%/năm, giảm 0,1 điểm %; kì hạn 6 và 9 tháng được áp dụng lãi suất 5,1%/năm, giảm 0,2 điểm %. Tiền gửi kì hạn tại 12 tháng hưởng lãi suất 6,6%/năm, giảm 0,2 điểm %.
Đáng chú ý, Vietcombank giảm mạnh lãi suất huy động với các kì hạn 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng cùng khi áp dụng mức lãi suất 6,5%/năm, giảm 0,3 điểm % so với tháng trước.
Bên cạnh các ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động tiền gửi, đặc biệt là các nhà băng có lợi thế nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi không kì hạn như Techcombank, ACB, VPBank…
Theo biểu lãi suất áp dụng từ ngày 3/4, lãi suất cao nhất theo hình thức tiết kiệm tại quầy của Techcombank giảm xuống chỉ còn 6,5%/năm từ mức 7,1% trước đó. Đồng thời, lãi suất huy động áp dụng cho tất cả kì hạn trên 12 tháng đều giảm 0,1- 0,6% so với tháng 3.
Tại ACB, lãi suất huy động tại tất cả kì hạn được điều chỉnh giảm với mức giảm từ 0,3 – 0,55 điểm % kể từ ngày 6/4. Trong đó, mức lãi suất cao nhất giảm từ 7,8%/năm trong tháng 3 xuống còn 7,35% (áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 10 tỉ đồng trở lên, tại kì hạn 18,24 và 36 tháng, lãi trả cuối kì).
Tương tự, mức lãi suất huy động cao nhất tại VPBank trong tháng 4 cũng giảm từ 7,9% xuống 7,3% (áp dụng cho kì hạn 36 tháng với số tiền gửi từ 50 tỉ trở lên). Bên cạnh đó, lãi suất cho các kì hạn trên 12 tháng cũng giảm mạnh 0,5 – 0,6 điểm % so với tháng 3; trong khi mức lãi suất áp dụng cho các kì hạn gửi dưới 12 tháng giảm khoảng 0,1 – 0,2 điểm %.
Tại các ngân hàng qui mô nhỏ như VietCapital Bank, VietABank hay NCB, lãi suất huy động cũng giảm 0,1 – 0,6 điểm % tùy từng kì hạn. Trong đó, xu hướng điều chỉnh giảm tập trung chủ yếu vào các kì hạn dài trên 12 tháng.
Ngân hàng đang "ế" vốn
Theo giới phân tích, xu hướng sụt giảm của lãi suất huy động là dễ hiểu trong bối cảnh các ngân hàng gặp khó khăn trong hoạt động cho vay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy tính đến ngày 20/3/2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ khoảng 0,68% trong khi cùng kì năm trước tăng 1,9%, cho thấy cầu tín dụng yếu đi do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trên thực tế, lãnh đạo của các ngân hàng lớn cũng bày tỏ sự lo lắng về việc khó cho vay trong những tháng đầu năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết trong 2 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ngân hàng đã giảm gần 2%. Theo ông Tú, sự suy giảm này là "phù hợp với xu hướng" do tính mùa vụ và ảnh hưởng rất mạnh từ dịch COVID-19 từ cả phía cung lẫn phía cầu.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cũng cho biết trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng cho vay của ngân hàng cũng chỉ xấp xỉ con số chung của toàn ngành (0,1%) và đang tiếp tục thúc đẩy cho vay mạnh hơn.
Theo ông Thành, dịch COVID-19 cũng tác động đến hoạt động doanh nghiệp, gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu vay của nhóm khách hàng này. Bên cạnh đó, những tháng đầu năm cũng là thời gian người dân ít có nhu cầu vay tiền.
"Đầu ra tín dụng hạn chế và thu nhập lãi chịu áp lực giảm mạnh, các ngân hàng cần giảm chi phí huy động vốn để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận", Bộ phận nghiên cứu Chứng khoán SSI nhận định.
Ngoài ra, xu hướng giảm lãi suất huy động của các ngân hàng ít nhiều cũng chịu tác động từ việc giảm lãi suất chính sách của NHNN.
Theo đó, từ ngày 17/3, NHNN giảm hàng loạt lãi suất điều hành từ 0,5 - 1%/năm và hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo đó, các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động kì hạn ngắn và nhiều ngân hàng còn giảm thêm lãi suất huy động dài hạn từ 0,1 - 0,3 %/năm.
Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, việc giảm các lãi suất điều hành trong đó có lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chào mua OMOs phát tín hiệu về sự sẵn sàng của NHNN hỗ trợ các TCTD khi cần tiếp cận vốn.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng