Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi trong tháng 8 nhằm tạo cơ sở để hạ thêm lãi suất cho vay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.
Loạt ngân hàng giảm lãi suất trong đầu tháng 8
Đầu tháng 8, lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng tiếp tục giảm so với tháng trước.
Tại các ngân hàng thương mại cổ phần vốn nhà nước, lãi suất được điều chỉnh giảm ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành văn bản về việc triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2020, yêu cầu các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi để tạo cơ sở cho việc hạ thêm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.
Theo đó, trong ngày 10/8, Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đồng loạt giảm lãi suất huy động kì hạn 1 tháng từ 3,7%/năm xuống 3,5%/năm, lãi suất kì hạn 3 tháng giảm từ 4,0% xuống 3,8%, lãi suất kì hạn 9 tháng giảm từ 4,60%/năm xuống 4,50%/năm.
Riêng lãi suất kì hạn 6 tháng và 12 tháng không có sự thay đổi, giữ nguyên mức 4,4% và 6,0%. Ở các kì hạn trên từ 12 tháng đến 24 tháng, lãi suất của cả 4 ngân hàng trên đều giảm từ 6,5% xuống 6,0%.
Trước đó, trong đầu tháng 8, lãi suất tiền gửi cũng được nhiều ngân hàng thương mại tư nhân điều chỉnh giảm.
Tại Techcombank, ngân hàng này đã giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2 tới 0,3 điểm % với các kì hạn dưới 6 tháng và kì hạn 12 tháng.
SCB cũng đồng loạt giảm 0,3 điểm % tại hầu hết kì hạn gửi, ngoại trừ kì hạn 12 – 13 tháng. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng hiện đã giảm xuống mức 7,7%/năm.
Tại các ngân hàng khác, lãi suất tiền gửi cũng cũng được đồng loạt điều chỉnh từ đầu tháng 8 với mức giảm phổ biến 0,2 - 0,3 điểm %, một số giảm đến 0,5 điểm % tùy vào các gói tiền gửi cũng như số lượng tiền gửi.
Lãi suất sẽ tiếp tục giảm?
Theo giới phân tích, dư thừa thanh khoản là yếu tố chính dẫn đến việc các ngân hàng giảm lãi suất. Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến thời điểm 19/6/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35%, trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 2,45%.
Bộ phận phân tích của chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, tăng trưởng tín dụng và chỉ số sản xuất công nghiệp và PMI đều tăng trưởng chậm lại là tín hiệu đáng chú ý cho thấy nền kinh tế, đặc biệt là ngành sản xuất vẫn đang gặp nhiều khó khăn cho việc hồi phục sau dịch COVID-19.
Số liệu tăng trưởng tín dụng từ các NHTM trong 6 tháng đầu năm một số ngân hàng như BIDV, VietinBank, Techcombank đang gặp khó khăn trong việc giải quyết đầu ra của vốn trong điều kiện không thể hạ chuẩn cho vay do lo ngại nợ xấu.
KBSV cũng dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay kì vọng tiếp tục giảm trong thời gian tới với 3 yếu tố chính: 1) kì vọng điều chỉnh lãi suất điều hành; 2) thanh khoản trong hệ thống dự báo tiếp tục dư thừa trong 6 tháng cuối năm; và 3) NHNN dự kiến sẽ cho phép giãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giúp giải tỏa áp lực cơ cấu nguồn vốn huy động của ngân hàng.
Trong báo cáo vĩ mô 6 tháng cuối năm, Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá bức tranh tín dụng tỏ ra thiếu tích cực khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng mạnh trong khi tín dụng tăng không nhiều trong bối cảnh COVID-19. Lượng tiền trong hệ thống ngân hàng dồi dào đang khiến cho lãi suất tiền gửi và cho vay giảm.
Cùng quan điểm trên, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định rằng trong bối cảnh thanh khoản dồi dào cùng lạm phát thuận lợi là cơ sở để lãi suất tiền gửi có thể duy trì xu hướng giảm. Theo đó, lãi suất tiền gửi có thể giảm 0,7 - 1 điểm % tại các kì hạn.
Lê Huy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng