Sự phát triển của công nghệ tài chính (Fintech) đang có những tác động mạnh mẽ tới hệ sinh thái tài chính - ngân hàng. Cơ hội mở ra sẽ càng lớn khi ngân hàng biết cách hợp tác cùng Fintech để triển khai mô hình ngân hàng số thành công.
Ngân hàng nắm bắt xu thế chung
Hiện nay, cùng với xu thế chung trên toàn thế giới, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số hóa mạnh mẽ từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng số.
Trong xu thế đó, Fintech tại thị trường Việt Nam đang có nhịp độ đổi mới nhanh, hệ sinh thái mở và đa dạng, kết nối xuyên biên giới… Từ đó, tạo ra sự sôi động và biến chuyển mạnh mẽ trong cách tiếp cận và khai thác các sản phẩm, dịch vụ tài chính của các ngân hàng. Những thương vụ hợp tác toàn diện giữa các ngân hàng với Fintech vì thế cũng ngày càng lan rộng.
Trong Ngày trình diễn giải pháp công nghệ tài chính năm 2019, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Trưởng ban chỉ đạo Fintech Ngân hàng Nhà nước, cho biết: Các ngân hàng dần thay đổi tư duy, lấy khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng công nghệ 4.0 làm nền tảng, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cùng với việc thay đổi văn hóa kinh doanh, phương thức quản trị, đầu tư công nghệ, tích hợp kênh phân phối... nhằm đa dạng hóa và tối ưu các sản phẩm - dịch vụ, tiết giảm chi phí, tăng khả năng kiểm soát và nâng cao trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng.
Nếu thời điểm năm 2014-2015 chỉ có khoảng 29% công ty muốn hợp tác với ngân hàng thì đến thời điểm hiện tại, số lượng thương vụ hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech không chỉ tăng vượt về số lượng mà còn cả về quy mô hợp tác.
Điển hình là trường hợp Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) gần đây đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Opportunity Network (ON) để cung cấp nền tảng số cho việc kết nối doanh nghiệp là khách hàng của VietinBank với trên 15.000 doanh nghiệp ở 113 quốc gia là thành viên của ON, tạo ra cơ hội mở rộng thị trường hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã phát triển mô hình ngân hàng số dựa trên sự hợp tác với đối tác chiến lược Viettel, hay như mô hình hợp tác giữa Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty M-Service trong thanh toán chuyển tiền…
Từ những kết quả đã đạt được, nhiều chuyên gia đánh giá khi ngân hàng và Fintech cùng hợp tác đã tạo nên bước đột phá trong hệ thống tài chính - ngân hàng không chỉ trong tương lai gần mà còn cả trong những thập niên tới.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ phát triển
Măc dù Fintech tạo ra nhiều thuận lợi để tạo nên bước đột phá trong tương lai nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các ngân hàng và cơ quan quản lý.
Trong đó, ông Nghiêm Thanh Sơn đề cập đến hai thách thức lớn nhất hiện nay. Với các ngân hàng, vấn đề là làm sao đáp ứng được kỳ vọng cao của người tiêu dùng, tận dụng những công nghệ mới nhưng đồng hàng với sự gia tăng của tội phạm, phòng chống nguy cơ tấn công mạng. Đối với cơ quan quản lý, đó là thách thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối phó với thách thức từ an ninh mạng, quyền cá nhân bảo vệ dữ liệu, đồng thời cân bằng giữa mục tiêu quản lý với thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh.
Đặc biệt, hoàn thiện khung pháp lý luôn là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm. Trong Hội thảo quốc tế “Công nghệ tài chính trong nền kinh tế thông minh”, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, khuôn khổ pháp lý cho Fintech còn rất sơ khai, hầu như chưa có quy định rõ về mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech…
Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng Nhà nước cần xây dựng, triển khai đồng bộ hệ thống chính sách thúc đẩy phát triển Fintech như chính sách miễn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn, tạo môi trường cho đầu tư Fintech, hợp tác với các tổ chức tài chính - ngân hàng truyền thống.
Bên cạnh đó, giải pháp hoàn thiện khung pháp lý thông qua các diễn đàn, các cuộc thi về giải pháp công nghệ tài chính cũng là một hướng đi tích cực và có hiệu quả. Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, thông qua cuộc thi về giải pháp công nghệ tài chính sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước nắm bắt được các giải pháp/dịch vụ mới và xu hướng chuyển đổi số trong trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
Từ đó, sẽ xây dựng cơ chế chính sách và ban hành các quy định quản lý tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động ngân hàng, cũng như hỗ trợ sự phát triển hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam phù hợp.
Võ Hương Giang
Theo Thời báo Ngân hàng