Toàn tỉnh Tuyên Quang có gần 8.500 ha chè, trong đó hơn 7.900 ha chè đã thu hoạch. Trồng chè đã mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu đang tạm thời đóng băng, các doanh nghiệp xuất khẩu chè trên địa bàn tỉnh đang tồn gần 3.000 tấn. Hiện, người dân, các doanh nghiệp, các ngành chức năng đang phải “căng mình” tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tại Tuyên Quang sản xuất chè được phân bố thành 2 vùng, cụ thể: Chè vùng thấp tập trung tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang, tại đây trồng các giống chè lai, chè đặc sản nhập nội, chè trung du phục vụ chế biến công nghiệp với hạt nhân là 3 Công ty CP chè Sông Lô, Mỹ Lâm, Tân Trào và trên 40 cơ sở sản xuất, diện tích trên 7.100 ha, chiếm khoảng 84 % diện tích chè toàn tỉnh; Chè vùng cao tập trung tại huyện Na Hang, Lâm Bình chủ đạo là giống chè Shan tuyết với diện tích trên 1.300 ha, những năm gần đây đã được mở rộng thêm các giống chè đặc sản, chất lượng cao mới như: Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Đại Bạch Trà,…
Thời gian gần đây, ngành sản xuất, chế biến chè của tỉnh đang phải chịu ảnh hưởng khá mạnh từ đại dịch Covid-19, sức tiêu thụ của thị trường chậm, vận chuyển khó khăn, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường hầu như bị đình trệ dẫn đến hàng hoá bị tồn đọng, đặc biệt là mặt hàng chè phục vụ xuất khẩu, ngay tại 03 Công ty cổ phần chè Sông Lô, Tân Trào, Mỹ Lâm hiện nay vẫn đang còn tồn hàng nghìn tấn chè thành phẩm chưa tiêu thụ được; thị trường nội tiêu sức tiêu thụ cũng chậm.
Tình hình tiêu thụ tại một số doanh nghiệp sản xuất chè lớn của tỉnh cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 do không vận chuyển được hàng hóa qua một số nước và giá cước vận chuyển cũng tăng cao.
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Quốc Văn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu chè trước đây như Châu Âu, Mỹ, Anh... chưa thể thông quan trở lại, hiện công ty còn khoảng 80 tấn chè khô đang tồn kho, chưa thể xuất bán. Mặc dù vậy, công ty vẫn phải duy trì sản xuất, đảm bảo bao tiêu chè búp tươi như đã ký kết với người dân nên số chè tồn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, trước khi thị trường xuất khẩu mở cửa trở lại.
'Nếu tồn kho lâu sẽ ảnh hưởng tới mẫu mã và chất lượng chè. Do vậy, để đảm bảo chất lượng chè, các khâu sản xuất, đóng gói phải làm kỹ hơn. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian sản xuất kéo dài hơn khiến các chi phí gia tăng, trong khi sản phẩm chè thời điểm hiện tại công ty đang xuất bán với giá 3.700 - 4.000 đồng/kg (thấp hơn năm trước 10 - 20%)", ông Văn cho biết thêm.
Để duy trì vùng nguyên liệu hơn 430 ha và ổn định sản xuất, đơn vị tập trung vào việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nguyên liệu ổn định để khi dịch bệnh được khống chế, thị trường được khơi thông sẽ có sản phẩm cung ứng cho thị trường. Đồng thời, đơn vị cũng lên kế hoạch sản xuất chè xanh đặc sản nội tiêu trong tỉnh và trong nước, hy vọng cuối năm sẽ có thể đưa sản phẩm chè nội tiêu ra thị trường.
Tại Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Tuyên Quang vẫn xác định cây chè là cây trồng chủ lực của tỉnh, với một số giải pháp, định hướng cụ thể.
Trong đó, giữ ổn định diện tích cây chè; đẩy nhanh trồng thay thế chè giống Trung du đã già cỗi bằng các giống chè lai, chè đặc sản có năng suất cao, chất lượng tốt;
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào đầu tư thâm canh tăng năng suất chè nguyên liệu, trong đó chú trọng các khâu: Sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước chủ động, kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ mở rộng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn như: VietGAP, nông nghiệp bền vững, hữu cơ,…
Cùng với đó, thành lập các HTX, Tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chè. Những địa phương có thế mạnh về cây chè xây dụng, đăng ký sản phẩm chè xếp hạng sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè đầu tư nâng cấp trang thiết bị, công nghệ chế biến chè hiện đại, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm chè, nâng cao sức cạnh tranh của chè Tuyên Quang trên thị trường tiêu thụ. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp được cấp chứng nhận các thủ tục về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết: Cùng với thực hiện các giải pháp bảo đảm phát triển kinh tế trong giai đoạn phòng chống dịch, đối với sản xuất chè các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đốn đốc, hướng dẫn nhân dân duy trì thực hiện các biện pháp đầu tư thâm canh bảo đảm cho cây chè ổn định năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tiếp tục thu mua hết nguyên liệu trong nhân dân với giá thu mua hợp lý, bảo đảm nguồn lực để nhân dân duy trì đầu tư cho cây chè.
“Việc quảng bá, giới thiệu, mở rộng tiêu thụ cũng được các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chủ động với nhiều hình thức mới như: Bán hàng Online, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng của tỉnh và các sở ngành, ... đồng thời đẩy mạnh liên hệ với các khách hàng truyền thống để tháo gỡ khó khăn, tăng sức tiêu thụ sản phẩm”. Ông Tuyên cho biết thêm.
Thời gian qua, chính quyền các địa phương của tỉnh Tuyên Quang cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn; xây dựng các phương án, giải pháp tiêu thụ sản phẩm chè trong giai đoạn hiện nay.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Tạ Thành
Theo KTDU