Báo cáo thị trường lao động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong suốt thời gian qua đều cảnh báo tình trạng thất nghiệp trong thanh niên Việt Nam, đặc biệt cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp lên tới khoảng 200.000 người. Những thông tin này đã phần nào cảnh tỉnh thanh niên, việc lựa chọn học nghề, lựa chọn việc làm đã có nhiều thay đổi.
Lớp học tiếng Nhật của các điều dưỡng viên trước khi sang Nhật làm việc. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Cử nhân cũng muốn đi xuất khẩu lao động
Nhiều lao động tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng… không còn mơ đến những công việc nhàn nhã, ổn định mà đã thực tế hơn khi tìm đến những cơ hội việc làm có thu nhập cao bằng con đường xuất khẩu lao động.
Tốt nghiệp đại học và đang làm việc trong một ngân hàng thương mại, nhưng anh Bùi Bá Hoan bắt đầu tham gia học tiếng Hàn để tìm kiếm cơ hội sang Hàn Quốc làm việc. Anh Hoan chia sẻ: “Hai năm trước tôi có tham gia một khóa đào tạo 3 tháng ở Hàn Quốc nên cũng đã biết qua về môi trường làm việc, mức lương ở đây rất hấp dẫn. Hiện giờ công việc ở ngân hàng có nhiều áp lực về chỉ tiêu, doanh số mà lương cũng chỉ ở mức 8,9 triệu đồng/tháng nên tôi đang muốn được sang Hàn Quốc làm việc.”
Tham gia kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc, anh Trần Văn Ngọc (22 tuổi, quê ở Hải Dương) tốt nghiệp trường Cao đẳng Kinh tế Hải Dương nhưng mong muốn có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.
“Em có người nhà làm việc ở Hàn Quốc nên biết điều kiện làm việc và lương ở Hàn Quốc rất tốt, vì vậy em đã học ôn tiếng Hàn khoảng 8 tháng để tham gia thi tiếng Hàn. Cơ hội việc làm có thu nhập cao ở Việt Nam khá ít, nên dù đi xuất khẩu lao động nhưng có cơ hội mức lương cao gấp 5, gấp 7 lần thì em vẫn muốn đi,” anh Ngọc tâm sự.
Cũng tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật (Đại học Thái Nguyên) và đang làm công nhân dệt với mức lương 7- 8 triệu đồng/tháng nhưng anh Hoàng Văn Thiện (quê ở Cao Bằng) vẫn mong muốn đi Nhật Bản làm việc: “Tôi đã từng có thời gian được sang Nhật Bản làm thực tập sinh 7 tháng và rất muốn được sang đây làm việc vì mặc dù môi trường làm việc rất kỷ luật nhưng bù lại mức lương rất tốt, bản thân tôi cũng rèn luyện được phong cách làm việc chuyên nghiệp, học hỏi được rất nhiều từ ý thức làm việc, sinh hoạt của người Nhật.”
Đối với những thị trường lao động có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc thì ngày càng thu hút sự tham gia của nhiều lao động có trình độ chuyên môn. Kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 11 cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc hồi tháng 10/2016 chỉ lấy 2.100 thí sinh có điểm cao nhất, trong khi có tới hơn 20.000 thí sinh dự thi, tỷ lệ chọi của kỳ thi này là chọn trong 9-10 thí sinh, cao hơn cả tỷ lệ chọi đại học. Điều này phần nào cho thấy lao động đi những thị trương thu nhập cao ngày càng đòi hỏi lao động phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật tốt.
Trình độ tay nghề của Việt Nam đang dần tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế. (Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)
Việc làm nào cho cử nhân?
Mặc dù ngày càng có nhiều lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học tìm đến con đường đi làm việc ở nước ngoài, nhưng đáng buồn là cơ hội việc làm chủ yếu vẫn là lao động phổ thông, công nhân… Đến nay, mới chỉ có một số ít lao động được đi làm việc đúng với chuyên môn kỹ thuật đã được đào tạo.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, trong những năm qua Việt Nam chủ yếu xuất khẩu lao động phổ thông, có trình độ tay nghề thấp. Vài năm gần đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội bắt đầu đưa được những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài như: Điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc ở Đức, Nhật Bản và lao động kỹ thuật có bằng cấp chuyên môn sang Hàn Quốc theo chương trình Visa E7. Tuy nhiên, số lượng lao động đi theo những chương trình này còn rất hạn chế.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án để đẩy mạnh việc đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài. Xuất khẩu lao động có trình độ kỹ thuật là hướng đi mới không chỉ làm nâng cao vị thế của lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế, mà còn là một trong những giải pháp trước mắt giải quyết việc làm cho số sinh viên tốt nghiệp đang thất nghiệp hoặc có việc làm không ổn định.
Mỗi năm, số lượng điều dưỡng, hộ lý đi làm việc ở Nhật Bản, Đức chỉ khoảng 300-400 người. Số lượng lao động trình độ cao có chứng chỉ nghề quốc tế đi làm việc ở các công ty nước ngoài cũng không nhiều. Vậy thì tai sao số lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi xuất khẩu lao động còn ít và con đường nào sẽ đưa được nhóm lao động này đi làm việc ở nước ngoài?
Ông Lê Nhật Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD) phân tích, thực tế thì xuất khẩu lao động của Việt Nam đi các thị trường trên khắp thế giới đâu đâu cũng chỉ thấy lao động phổ thông, chỉ có một số ít thị trường đưa được lao động chất lượng cao, ví dụ như đưa điều dưỡng đi Nhật, đi Đức. Tuy nhiên, ngay cả lao động có trình độ thì sang nước ngoài vẫn phải đào tạo lại.
Ông Tân cho rằng, việc xuất khẩu lao động chất lượng cao chỉ khả thi trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, sau một thời gian thì đưa lao động của chính công ty họ ra nước ngoài làm việc. Như vậy, lao động vừa có thu nhập cao, vừa được nâng cao tay nghề.
Hồng Kiều
Theo Vietnamplus