“Em vừa đóng học phí 3 triệu đồng xong, tiền đi mượn” - Phạm Thị Thanh Châu (huyện Bình Chánh, TP.HCM) nói. Thanh Châu vừa trở thành sinh viên năm 1 Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM.
“Em vừa đóng học phí 3 triệu đồng xong, tiền đi mượn” - Phạm Thị Thanh Châu (huyện Bình Chánh, TP.HCM) nói. Thanh Châu vừa trở thành sinh viên năm 1 Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM.
Thời sinh viên của Châu bắt đầu bằng một khoản nợ như bao đầu năm học khác.
Góc học tập của Châu - Ảnh: NGỌC TRƯỜNG
Cha mẹ chia tay khi Châu vừa lên cấp II. Người mẹ tảo tần công việc lựa ve chai tại các vựa nuôi hai chị em Châu ăn học. Đầu năm học luôn cực nhất vì các con phải đóng bao nhiêu là khoản, có làm cật lực cỡ nào thì dịp này bà Nguyễn Thị Xuân - mẹ Châu - cũng phải vay mượn. Giật gấu vá vai như thế nên chẳng năm nào có dư.
Cuộc sống nghèo khó từ sớm làm cho Châu chững chạc ở cái tuổi 19. Châu và em gái đã bắt đầu đi làm thêm từ mùa hè năm lớp 6 để phụ giúp mẹ. “Lúc đầu hai chị em kết cườm cho một cơ sở gần nhà. Mỗi ngày cặm cụi miết từ sáng sớm đến gần 11g đêm kiếm được khoảng 80.000 đồng. Hai chị em động viên nhau cố gắng vì tiền đó không chỉ để phụ mẹ mua đồ ăn hằng ngày mà còn để đóng học phí đầu năm nữa” - Châu kể. Lớn hơn một chút Châu đi phụ bán quán, làm công nhân trong xưởng giày, gấp hộp đựng bánh... “Nhà em ăn cơm ngày hai bữa thôi, nhịn bữa sáng để có tiền đóng các quỹ chung trên lớp” - Châu cho biết.
“Có những lúc thấy mình nghèo em cũng buồn lắm. Như khi muốn học tiếng Anh hay học võ lại thôi vì biết không có tiền. Nhưng mình đã nghèo rồi thì chỉ có hai cách để chọn. Một là thấy tự ti vì khó khăn thua kém, hai là sống bình thường vui vẻ và cố gắng cho ngày mai. Em chọn cách thứ hai” - Châu tâm sự.
Gánh lo cơm áo, chi phí học hành vẫn bám lấy cả ba mẹ con, nhất là khi càng học lên cao càng tốn kém. Nhưng bà Xuân cười hiền: “Phải cố mấy năm nữa để các con có tương lai”.
NGỌC TRƯỜNG
Theo Tuoitre