Dantin - Chúng tớ có nhiều điều khó xử rất cần các thành viên lớp cảm thông...
Dantin - Chúng tớ có nhiều điều khó xử rất cần các thành viên lớp cảm thông...
“Những câu nói ác ý làm chúng tớ buồn”
Đa phần các teen đã và đang làm cán sự lớp đều có chung tâm sự các bạn ấy rất buồn vì những lời nói xấu sau lưng đằng của các thành viên trong lớp.
Thảo Linh (lớp 10 trường PTTH Hồ Xuân Hương, HN) tâm sự: “Đầu năm, tớ được bầu làm bí thư lớp. Tớ rất vui vì được các thầy cô tin tưởng giao nhiệm vụ. Ấy vậy mà một hôm nghe nhóm các bạn nữ trong lớp rỉ tai nhau vì tớ nhà giàu, vì tớ là cháu của một cô giáo trong trường nên mới được làm bí thư. Tớ thấy rất buồn. Lúc đó tớ đã nghĩ đến chuyện xin nghỉ chức bí thư rồi, nhưng may mắn là còn rất nhiều thành viên trong lớp đều tin tưởng vào năng lực của tớ, động viên tớ làm tốt hơn công việc cán sự lớp”.
Cán bộ lớp phải mang rất nhiều trọng trách (Ảnh minh họa)
Chuyện buồn khi làm cán sự lớp còn xảy ra với Hoàng Tuấn, cậu thủ quỹ vui tính, rất dễ thương của các "thần dân" lớp 12 chuyên Toán (THPT Lê Hồng Phong, Nam Định). Bạn ấy tâm sự với chúng tớ rằng: “Mình làm cán sự 3 năm rồi, nhưng rất buồn khi nghe một bạn trong lớp bức xúc nói rằng: ngoài việc suốt ngày nghĩ ra các khoản tiền phí và giục thu tiền ra, thì tớ chả có tý… năng lực nào cả. Tớ cũng ngại, lại hết hơi khi giục cả lớp đóng tiền, cũng căng mắt ra để tính các khoản tiền cho khỏi sai lệch, cũng mệt mỏi vì mỗi tháng, mỗi quý lại cần tổng kết bảng chi tiêu đọc trước cả lớp. Nhưng những điều đấy chẳng hai hiểu cho”.
Phân vân "bên tình, bên lý"
Làm cán sự lớp khổ nhất là… chọn lý hay tình. Trên - các thầy cô giáo chỉ thị, dưới - các thành viên trong lớp kêu gào phản đối, thì teen làm cán sự chỉ biết “gãi đầu bứt tai". Nếu không hoàn thành xong nhiệm vụ thầy, cô giao phó, thì bị trách mắng. Còn nếu hoàn thành chỉ tiêu, thì bị bạn bè dè chừng, xa lánh.
“Khổ thân tớ, hôm tớ được cô chủ nhiệm giao cho việc coi lớp trong giờ kiểm tra. Thấy các bạn ấy quay ngược quay xuôi hỏi bài nhau, lại quay cóp, tớ nhắc nhở nhẹ nhàng thôi chứ chưa dám ghi tên vào sổ thì ngay sau tiết học đó tớ đã có biệt danh kẻ mách lẻo, hay “con vẹt”… Tớ chẳng biết phải làm sao nữa”, Hồng Hạnh (lớp phó học tập lớp 12, trường THPT Phan Đình Phùng, HN) kể.
Nếu bạn là một thành viên bình thường trong lớp, bạn có thể lập một nhóm bạn thân với mình hay thậm chí… chẳng chơi với ai cả. Nhưng khi bạn là cán bộ lớp, nhất là lớp trưởng hay bí thư, thì đoàn kết lớp lại là trách nhiệm số một. Chẳng lớp trưởng nào muốn bị chỉ trích là “không biết đoàn kết nội bộ”, hay sau khi ra trường chẳng còn ai nhớ về lớp nữa. Lại thêm một trách nhiệm khó “nhằn” mà cán bộ lớp phải gánh vác.
Cán sự lớp là "linh hồn" gắn kết tập thể lớp
Và… tỉ tỉ công việc sẽ đến tay
Làm cán sự lớp nghĩa là chấp nhận hàng đống công việc sẽ ập xuống đầu bất cứ lúc nào. Bình thường không sao nhưng lớp hoặc trường có tổ chức bất cứ chương trình gì là ban cán sự lớp phải làm việc hết công suất.
“Hồi trường tớ kỉ niệm thành lập trường, tớ chạy bở hơi tai. Vừa phải lo làm hội trại trong lớp, lại lo các tiết mục sẽ biểu diễn trong đêm văn nghệ, chưa kể các đội đá bóng, đội cờ vua, đội nấu ăn… đội nào lớp tham gia tớ cũng cần phải có mặt để giúp đỡ các bạn ấy. Mệt nhưng tớ thấy thật sự vui” - Mai Lan, cô bạn bí thư lớp 11, trường THPT Lê Hồng Phong (HN) chia sẻ.
Thậm chí, chưa hết việc thầy cô giáo giao, các teen cán sự còn kiêm thêm nhiệm vụ đứng ra hòa giải. Mỗi lần lớp có xung đột, các thành viên bất đồng ý kiến với nhau, thì lúc đó rất cần bản lĩnh của người cầm cân nảy mực như lớp trưởng đấy nhé!
Đấy, áp lực “trên đe dưới búa” đòi hỏi cán bộ lớp luôn phải giữ bản lĩnh vững vàng và “thần kinh thép”. Nhưng, những gì bạn có được: sự yêu mến của bạn bè, sự quan tâm của thầy cô, những kinh nghiệm sống… cũng thật xứng đáng phải không nào!
Phương Linh