Ngày 28/2, nghệ nhân Bùi Thanh Tùng đã được Sở Công thương Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ.
Nói tới dòng gốm mộc vuốt tay độc bản, giới chơi gốm không còn xa lạ với cái tên Gốm Tùng ở làng nghề Bát Tràng. Bỏ qua mọi khuôn mẫu vô tri, người nghệ nhân trẻ đã thổi hồn vào từng tác phẩm bằng tình yêu và sự nhiệt huyết. Cũng bởi vậy, những tác phẩm của anh chứa đựng sự tinh tế, mộc mạc và dung dị đến lạ thường.
"Sự tiến bộ của khoa học, công nghệ đã khiến mọi thứ thay đổi, nghề gốm cũng không phải là ngoại lệ. Việc sản xuất gốm đại trà theo khuôn mẫu bùng nổ, mang lại giá trị kinh tế cao, song nó cũng làm chết đi cái tinh túy nhất của nghề gốm, đó chính là hồn cốt của mỗi tác phẩm.
Nỗi trăn trở ấy đã trở thành động lực để tôi theo đuổi dòng gốm mộc vuốt tay. Nét văn hóa từ ngàn đời, truyền thống làng nghề không thể dần bị mai một, phải có ai đó gìn giữ, phát huy và truyền lại cho thế hệ sau...", nghệ nhân Bùi Thanh Tùng chia sẻ.
"Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng" - để có được những thành tựu như ngày hôm nay, nghệ nhân Bùi Thanh Tùng đã phải trải qua vô vàn chông gai thử thách. Nếu không đủ sự đam mê nhiệt huyết, sự kiện định và ý chí vững vàng, có lẽ người nghệ nhân trẻ đã phải bỏ cuộc giữa chừng do chịu áp lực từ nhiều phía.
Dòng gốm mộc vuốt tay truyền thống khá kén người chơi nên có những thời điểm sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Nhiều mẻ gốm phải vứt bỏ vì không đạt tiêu chuẩn (màu men, đun đốt). Không những thế, hàng Trung Quốc tràn vào với đủ loại mẫu mã, giá rẻ, cạnh tranh trực tiếp với dòng gốm Bát Tràng truyền thống. Áp lực kinh tế đè nặng lên vai nghệ nhân Bùi Thanh Tùng.
"Kinh tế khó khăn, nguyên liệu khan hiếm, rồi sản phẩm làm ra cho vào đun đốt thì hỏng mặc dù đã tính toán kiểm soát nhiệt hết sức thận trọng. Nhiều lúc muốn buông tay, nhưng lương tâm và trách nhiệm của một nghệ nhân, người con của Bát Tràng không cho phép tôi làm thế.
May mắn lớn nhất của tôi chính là tìm được người bạn đời, cũng là tri kỷ. Vợ tôi luôn bên cạnh, động viên, giúp đỡ tôi vượt qua quãng thời gian tăm tối nhất. Khó khăn dần qua đi, khách hàng bắt đầu có xu hướng trở về với giá trị truyền thống, đơn giản và mộc mạc", anh Tùng trải lòng.
Theo nghệ nhân Bùi Thanh Tùng, làm gốm vuốt tay đòi hỏi người nghệ nhân phải thật sự đam mê, nhiệt huyết thậm chí là phải có một sức khỏe bền bỉ không ngừng nghỉ với nghề gốm, bỏ qua tất cả sự hào nhoáng và các cơ hội phát triển khác, không quan tâm đến giá trị thương mại của sản phẩm mà chỉ một lòng sáng tạo, tìm tòi ra những kiểu dáng, chất men mới.
Các sản phẩm gốm vuốt tay được thoát khỏi những sự ràng buộc về khuôn đúc, những yêu cầu về số lượng và kiểu dáng. Người nghệ nhân được thỏa sức sáng tạo, thỏa sức theo đuổi đam mê vuốt nặn theo những ý tưởng của bản thân - những ý tưởng mà có khi chỉ đến một cách rất tình cờ.
Với anh, những sản phẩm gốm thủ công vuốt tay luôn chứa đựng nhiều tâm tư tình cảm của người nghệ nhân, vì thế phải có duyên, phải đủ sự tinh tế mới có thể cảm nhận nét đẹp trong từng sản phẩm. Sản phẩm gốm vuốt tay độc bản được ví như "đứa con tinh thần" của người nghệ nhân. Gốm vuốt tay, vì thế mà tinh tế và rất giàu chất nghệ. Đây cũng là yếu tố tạo nên giá trị cho sản phẩm, tạo nên chất riêng của thương hiệu "Gốm Tùng".
Gốm vuốt tay bỏ qua tất cả sự hỗ trợ của khuôn cốt, của máy in, máy dập, chỉ giữ lại một điều tuyệt vời nhất là sự khéo léo và tài năng của người thợ gốm. Những con người sẵn sàng theo đuổi niềm đam mê mà lướt qua tất cả các cơ hội phát triển các nghề nghiệp khác để đến với gốm vuốt tay - một con đường không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo, nhiệt huyết không ngừng nghỉ, mà còn là những giọt mồ hôi, những cung bậc cảm xúc mỗi khi đón chờ mẻ gốm mới ra đời sau ngọn lửa.
Sản phẩm gốm vuốt tay thô nhưng mượt mà, uyển chuyển với từng đường vuốt, xoay cối. Vì được làm hoàn toàn bằng tay, nên mỗi cái đều có một vẻ đẹp riêng biệt, dẫu có cùng loại, cùng hình dáng thì người chơi vẫn dễ dàng tìm ra những điểm khác nhau mà chọn lựa. Đây được xem là giá trị cốt lõi của sản phẩm gốm vuốt tay Bát Tràng, cũng là “cái cớ” để những người yêu gốm tìm về với những giá trị và vẻ đẹp nghệ thuật đích thực.
Một số hình ảnh Nghệ nhân Hà Nội Bùi Thanh Tùng chụp lưu niệm nhân ngày được phong tặng danh hiệu cao quý của người làm nghề truyền thống.
Ngày 28/2/2024, Sở Công thương Hà Nội tổ chức Lễ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ năm 2023 cho 42 cá nhân.
Trong năm 2023, Sở Công thương Hà Nội đã nhận được tổng số 46 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2023 của 13 quận, huyện, thị xã.
Sau khi phân tích, đánh giá, Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2023 trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ đã tiến hành bỏ phiếu bầu, xét tặng danh hiệu cho 42 cá nhân đạt 9/9 phiếu của hội đồng (tỷ lệ 100%).
Từ sau khi ban hành Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đến nay, trải qua 15 năm với bảy lần xét tặng, thành phố đã có 290 Nghệ nhân được công nhận.
Hải Đăng
Theo kinhtemoitruong.vn