Sự kiện hot
11 năm trước

Nghệ thuật “làm giá” của giới kinh doanh bất động sản

Thời gian qua, thị trường bất động sản ấm trở lại, nhiều chủ đầu tư, giới kinh doanh đã đủ chiêu trò thổi giá, làm giá, đẩy chênh lệch giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng so với giá gốc khi đến tay người tiêu dùng.


Những căn hộ vị trí đẹp, hướng hồ, căn góc của dự án Mandarin Garden (đường Hoàng Minh Giám, Thanh Xuân, Hà Nội) do Tập đoàn Hòa Phát làm chủ đầu tư mức chênh lệch đạt khoảng 150 - 200 triệu đồng/căn.

Chênh hàng trăm triệu đồng

Thời gian qua, tại thị trường Hà Nội, hàng loạt các dự án bất động sản xuất hiện tiền chênh khá lớn. Điển hình như dự án CT1 và CT2 Trung Văn, các đơn vị thứ cấp đã đẩy giá chênh lên trên dưới 100 triệu đồng mỗi căn. Trong khi đó, căn hộ tại Dự án 136 Hồ Tùng Mậu đã được các đơn vị môi giới đẩy lên cao hơn giá gốc từ 2 - 2,5 triệu đồng/m2…

Điều đáng nói, thời gian gần đây, không chỉ các dự án phân khúc giá rẻ mới xuất hiện tiền chênh, nhiều dự án chung cư cao cấp – phân khúc vốn trải qua một thời gian dài “ngủ đông” cũng không thể mua được giá gốc.

Đơn cử, dự án Mandarin Garden (đường Hoàng Minh Giám, Thanh Xuân, Hà Nội) do Tập đoàn Hòa Phát làm chủ đầu tư cũng xuất hiện tiền chênh khá lớn. Những căn hộ vị trí đẹp, hướng hồ, căn góc mức chênh lệch đạt khoảng 150 - 200 triệu đồng/căn.

Hay dự án chung cư UDIC (Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có mức giá chênh lệch vào khoảng 80 - 150 triệu đồng/m2 tùy căn, tùy hướng. Dự án chung cư Platinum Residence 6 Nguyễn Công Hoan (Ba Đình, Hà Nội) có chênh lệch 100-200 triệu đồng/căn với những căn hộ có vị trí góc, tầm nhìn đẹp. Chung cư Lascarter (Núi Trúc, Ba Đình) giá bán 2.200 USD/m2, chênh khoảng 200 triệu đồng/căn….

Những dự án này đều có mức giá bán dao động 35-38 triệu đồng/m2 (bao gồm VAT, bảo trì). Như vậy, nếu cộng thêm mức tiền chênh giá bán lên đến gần 40 triệu đồng/m2.

Nghệ thuật “làm giá”

Từ đầu năm 2014 đến nay, người có nhu cầu nhà ở đã chứng kiến nhiều dự án có giá bán trên thị trường chênh lệch rất lớn so với giá chủ đầu tư đưa ra. Điển hình là các dự án có căn hộ giá rẻ trên dưới 1 tỷ đồng, thuộc diện được vay vốn ưu đãi 5%/năm trong gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, như dự án Kim Văn - Kim Lũ có mức chênh 150 - 350 triệu đồng/căn hộ; dự án VP 5 Linh Đàm có mức chênh 250 - 450 triệu đồng/căn hộ, dự án Viện 103 Văn Quán chênh giá 50 - 150 triệu đồng/căn…

Thậm chí, nhiều dự án chung cư cao cấp trên địa bàn Hà Nội cũng chênh giá và giao dịch khá sôi động, như dự án căn hộ cao cấp Trung Yên Plaza trên đường Trần Duy Hưng, hay Dự án Lancaster trên phố Núi Trúc, Dự án N04 Trần Duy Hưng, chênh lên tới 200 triệu đồng/căn, Dự án Mandarin Garden chênh tới 500 - 600 triệu đồng/căn, Dự án Diamon Flower trên đường Lê Văn Lương chênh 50 - 100 triệu đồng/căn…

Câu hỏi đặt ra là, thị trường đã thực sự ấm trở lại và nhu cầu bất động sản đã thực sự đủ lớn để đẩy chênh lệch giá lên cao như vậy? Anh Cường, nhân viên sàn giao dịch Nam Long (Hà Nội), nhận định, nhu cầu một số căn hộ có diện tích nhỏ, giá dưới 1 tỷ đồng đúng là có tăng. Mặc dù vậy, không phải căn hộ nào cũng được mua với giá chênh mà “cò” đã “hét” và lượng giao dịch thành công cũng không lớn, bởi chỉ nằm ở một số căn hộ, dự án được mua đi bán lại. Thậm chí, nhiều trường hợp giao dịch quay vòng bởi chính các “cò” với nhau, nhằm đánh vào tâm lý thị trường.

Trong khi đó, những căn hộ có diện tích lớn và giá cao trên 1 tỷ đồng giao dịch vẫn rất chậm, nếu không muốn nói là vẫn gần như “án binh bất động”, đặc biệt là tại thị trường TP HCM. Điển hình như dự án The Canary Heights (Bình Dương), có 190 căn hộ, từ năm 2010 đến nay mới bán được hơn 60 căn (35%).

Đơn cử như tại dự án Diamond Flower Tower của Cty CP Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội, khi mua căn hộ khách hàng phải trả thêm tiền chênh lên tới 100 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Xây dựng cho thấy: Ngày 12/5/2014, khách hàng H.Q có đặt cọc mua căn hộ chung cư số 2803, diện tích 122m2 tòa nhà Diamond Flower Tower, lô đất C1, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính của Cty CP đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội, với đơn giá là 32.501.700 đồng/m2.

Điều bất thường là sau khi khách hàng H.Q nộp 50 triệu đồng tiền đặt cọc mua căn hộ trên thì lại phải “thương lượng” với bà Trần Thị Ánh Tuyết để giảm tiền chênh căn hộ từ 146 triệu xuống còn 100 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Xây dựng, bà Trần Thị Ánh Tuyết, Giám đốc sàn bất động sản Cty CP đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội xác nhận việc khi khách hàng H.Q ký hợp đồng mua bán chính thức thì phải trả số tiền chênh như trên.

Theo như anh H.Q cho biết đây là nghệ thuật “làm giá” mà nhiều khách hàng trong những ngày gần đây phải cắn răng chấp nhận các chủ đầu tư móc túi.

Theo điều tra của phóng viên Báo Điện tử Xây dựng, ngày 8/5/2014, tại tầng 1 nhà N3B, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, đại diện sàn Bất động sản Cty CP đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội đã nhận tiền đặt cọc căn hộ số 2906, diện tích 126,5m2, đơn giá 32.176.683 đ/m2 của chị Vũ Thị Tuyết Mai với số tiền 50.000.000đ. Tuy nhiên, tại giấy đặt cọc này để khống ngày ký hợp đồng mua bán.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Xây dựng, bà Trần Thị Ánh Tuyết, Giám đốc sàn bất động sản Cty CP đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội xác nhận căn hộ chung cư số 2803, diện tích 122m2 tòa nhà Diamond Flower Tower, lô đất C1, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính cũng đã được bán cho chị Vũ Thị Tuyết Mai, và bà Mai đã nộp tiền đặt cọc. Việc anh H.Q phải trả tiền chênh là do bà Tuyết thu hộ bà Mai.

Như vậy, phải chăng bà Trần Thị Ánh Tuyết, Giám đốc sàn bất động sản Cty CP đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội đã vào vai “cò” bất động sản để giúp các khách hàng trốn thuế nhà nước khi giao dịch bất động sản???

Trên báo Điện tử VTC.vn, ngày 19/5 đưa tin: Dự án Diamond Flower Tower (Lê Văn Lương, Hà Nội) sau hơn 1 tháng mở bán đã giao dịch thành công gần 80% căn hộ, hiện dự án chỉ còn 50/226 căn hộ. Vậy, dư luận đặt câu hỏi lớn, với cách "làm giá" như trên mà khách hàng H.Q khi mua căn hộ tại dự án này gặp phải thì số tiền “chênh" thu được từ dự án này sẽ là bao nhiêu?

Tránh để xảy ra những cơn “sốt” ảo

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho rằng, hiện tượng tăng giá cục bộ - có sự “góp sức” của “cò” ngay khi thị trường vừa mới “gượng dậy” cho thấy cách làm ăn chụp giật, nếu không được chấn chỉnh thì sớm muộn cũng lại làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Do vậy, các cơ quan quản lý cần theo dõi sát tín hiệu thị trường, tránh lại để xảy ra những cơn “sốt” ảo như các năm trước.

Trước thực trạng mỗi khi thị trường nhà đất có dấu hiệu tăng thanh khoản, thì đội ngũ “cò” nhà đất lại tung đủ chiêu trò nâng giá bán kiếm lời, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, nên bỏ quy định bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn, bởi hiện cả nước có khoảng trên 700 sàn giao dịch bất động sản nhưng nhiều sàn hoạt động thiếu chuyên nghiệp, mang tính hình thức, thậm chí trở thành công cụ hợp thức hóa vi phạm cho các chủ đầu tư.

"Nên để thị trường nhà đất phát triển tự nhiên, người mua nhà có quyền lựa chọn mua qua sàn hay mua trực tiếp của chủ đầu tư, lúc đó tự các sàn sẽ phải trở thành một điểm giao dịch tốt, người mua nhà trả phí để được cung ứng dịch vụ, cam kết về chất lượng, hợp đồng, giấy tờ pháp lý… và tình trạng “cò” lũng đoạn thị trường nhà đất sẽ bị triệt tiêu”.

Giáo sư Đặng Hùng Võ

Trường Sa
theo Xây Dựng

Từ khóa: