Sự kiện hot
10 năm trước

Nghị quyết 61 “tiếp sức” cho tiến độ giải ngân gói 30 nghìn tỷ

Nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân gói 30 nghìn tỷ thời gian qua đã khiến không ít các ngành chức năng phải đau đầu lo nghĩ, tính toán. Việc ban hành Nghị quyết 61/NQ-CP hôm 21/8 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu được coi là việc làm cần thiết,“tiếp sức” và hướng gói 30 nghìn tỷ theo đúng tâm nguyện của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ngân hàng và nguồn cung nhà ở vẫn là động lực chính

Giữa thời điểm thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, sự xuất hiện của Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu là một “bài thuốc” hữu hiệu, đáp ứng nguyện vọng người dân cũng như phía kinh tế thị trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc vướng mắc về thủ tục từ phía các ngân hàng lại là lực cản lớn nhất, khiến tiến độ giải ngân của gói hỗ trợ này bị chùn lại.

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: Người dân có nhu cầu vay mua NOXH, khó khăn vẫn nằm ở vấn đề thủ tục của ngân hàng, bởi họ có qúa nhiều yêu cầu, quá nhiều thủ tục ràng buộc. Hơn nữa, cách xác nhận của địa phương này một khác, địa phương kia một khác, không thống nhất khiến cho người dân ngao ngán rồi bỏ cuộc. Ông cũng đưa ra nhiều nguyên nhân cụ thể.

Thứ nhất, về vấn đề thủ tục, một khách hàng muốn vay tiền thì phải chứng minh thu nhập bằng tiền mặt, mà với những người thu nhập thấp thì đây lại là chuyện không phải ai cũng có thể làm được. Không những vậy, nhiều người làm buôn bán, một tháng doanh thu có thể lên tới vài chục triệu đồng nhưng lại không có cách nào để chứng minh, vậy thì không ngân hàng nào dám đứng ra cho vay cả.

Thứ hai là tính pháp lý của tài sản thế chấp. Hiện nay, nhiều căn hộ chung cư, dù đã hoàn thiện nhưng hầu hết lại chưa có sổ đỏ, như vậy là chưa có tính hợp pháp. Vậy nên, dù ngân hàng có muốn cho vay thì cũng không hợp lệ bởi, sẽ vi phạm thông lệ cho vay, vi phạm luật pháp.

Bên cạnh đó là việc thời hạn cho vay được đánh giá là chưa hợp lý so với điều kiện kinh tế của những người thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở tại Việt Nam hiện nay.

Thực tế cho thấy, căn nguyên làm chậm tiến độ giải ngân gói 30 nghìn tỷ không chỉ tính riêng trong lĩnh vực ngân hàng mà còn do thiếu nguồn cung về nhà ở xã hội. Điều này từng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ: muốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30 nghìn tỷ thì phải có nguồn cung nhà xã hội hoặc nhà ở thương mại có giá dưới 15 triệu đ/m2, diện tích dưới 70m2/căn hộ. Nhưng do chiến lược nhà ở vừa mới được triển khai và quá trình phát triển nhà ở xã hội cần phải có lộ trình nên nguồn cung nhà ở xã hội không thể tăng nhanh được.

Kéo dài thời hạn cho vay

Ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61/2014 nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Theo đó, thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân sẽ được kéo dài lên 15 năm, thay vì 10 năm theo Nghị quyết 02 trước đó. Đây là một tin vui cho người dân, đặc biệt là những người có khó khăn về nhà ở tại nhiều địa phương trên cả nước hiện nay.

Chia sẻ về những đổi mới này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết: Việc kéo dài thời hạn cho vay từ 10 năm lên 15 năm theo Nghị quyết 61 là một hành động kịp thời và hợp lý. Điều này sẽ giúp người mua nhà giảm đi áp lực về lãi suất bởi, thay vì phải trả từ 5 - 6 triệu đ/tháng như trước đây, thì nay họ chỉ phải trả trên dưới 4 triệu đ/ tháng.

Nghị quyết còn mở rộng về đối tượng cho vay, cụ thể các cán bộ là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà, nếu mua nhà ở thương mại (có tổng giá trị hợp đồng mua bán dưới 1,05 tỷ đồng) cũng sẽ được vay ưu đãi theo gói 30 nghìn tỷ đồng…

Anh Nguyễn Văn Thành, một nhân viên Cty thiết bị máy móc xây dựng tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Nếu như mua nhà thương mại cũng được vay từ gói ưu đãi thì đây là cơ hội lớn cho nhiều người có mức lương thấp và khó chứng minh thu nhập như tôi hiện nay. Việc khó khăn về xác minh các thủ tục tại địa phương ở năm 2013 đã khiến tôi từ bỏ ước mơ có nhà nhưng có lẽ, với tôi cơ hội bây giờ mới đến.

Nội dung Nghị quyết 61 cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố rà soát các dự án BĐS để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, những dự án cần phải điều chỉnh, chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, đặc biệt tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội, kể cả các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội… nhằm đáp ứng nguồn cung về nhà ở xã hội cũng như nhà ở thương mại quy mô nhỏ cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở mua, thuê và thuê mua.

Trước sự giám sát, điều hành của Nhà nước, Chính phủ, cùng với sức mạnh của Nghị quyết 61/NQ-CP, ngành Xây dựng đang từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa ra những giải pháp đúng đắn và hướng gói 30 nghìn tỷ theo đúng tôn chỉ, mục đích cũng như tâm nguyện của Đảng và quần chúng nhân dân.

Kim Thoa
theo Xây dựng

Từ khóa: