Tại sao giá gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam nhiều tháng qua thấp hơn gạo của Ấn Độ, Pakistan? Lúa chất lượng cao thu hoạch xong chất đống không có người mua cho dù giá chỉ tương đương lúa thường. Phải chăng do điều hành yếu kém, kế hoạch thu mua tạm trữ chậm so với mùa vụ? Đó là những câu hỏi đặt ra tại kỳ họp sơ kết XK và tiêu thụ lúa gạo quý I/2013, do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức tại TPHCM.
Đưa gạo xuất khẩu lên tàu đến các nước. Ảnh: Ngọc Trinh
Mất 40 - 50 USD/tấn
Gạo XK của Ấn Độ, Pakistan do có chất lượng kém nên có giá bán thấp và thường rẻ hơn gạo của Việt Nam gần cả trăm USD/tấn. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, giá gạo XK của Việt Nam lại thấp hơn của Ấn Độ (chính phủ Ấn Độ tăng cường mua dự trữ với mức giá hỗ trợ cho nông dân), thấp hơn của Pakistan từ 40-50 USD/tấn.
Hiện giá gạo XK loại 5% tấm của Việt Nam chỉ còn 395 USD/tấn. Giải thích vấn đề này, VFA cho rằng do cung lớn hơn cầu. Thị trường truyền thống không có nhu cầu nhập, trong khi thị trường Trung Quốc mua gạo của Việt Nam với số lượng lớn lại bấp bênh về giá. Chỉ riêng quý I/2013, số lượng hợp đồng với Trung Quốc đã đạt trên 1 triệu tấn gạo (nếu tính cả hợp đồng năm ngoái chuyển sang là 1,5 triệu tấn). Đặc điểm của thị trường Trung Quốc là thường mua với giá thấp. Đây là thị trường lớn nên phần nào ảnh hưởng đến mặt bằng giá. Còn thị trường châu Phi, trong quý I cũng chỉ mới ký hợp đồng trên 500.000 tấn do khu vực này tồn kho lớn nên họ chưa chịu mua vào với số lượng lớn.
Biến động tỉ giá giữa USD và euro dẫn đến giá gạo bằng USD có xu hướng giảm. Khu vực sử dụng đồng tiền gắn với euro phải mua với giá thấp hơn bằng USD. Doanh nghiệp muốn xuất bán gạo vào thị trường này phải bán với giá thấp.
Nếu doanh nghiệp không chấp nhận giá thấp sẽ dẫn đến hàng tồn kho lớn, không thể quay vòng vốn trả nợ ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc không tiêu thụ kịp lúa gạo hàng hóa trong nước, kéo giá giảm mạnh thêm, chưa kể yếu tố khách hàng ép giá hoặc cạnh tranh phá giá.
Vẫn còn khó khăn
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết Tổng Công ty Lương thực Miền Nam vừa ký hợp đồng tập trung với Guinea XK 60.000 tấn (cả năm có thể ký được 140.000 tấn và 2 năm sau đó khoảng 300.000 tấn/năm). XK gạo từ quý II bắt đầu khả quan trở lại từ các nước châu Phi, Malaysia, Trung Quốc. Hiện nay, hợp đồng chưa giao hàng của các doanh nghiệp trên 2 triệu tấn và khả năng sẽ ký thêm 2,2 triệu tấn những tháng tới. Trong quý II XK 2,2 triệu tấn, nâng số gạo XK 6 tháng lên 3,65 triệu tấn. Đây sẽ là con số XK cao nhất trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, giá gạo XK khó có thể tăng thêm trong bối cảnh nguồn cung dồi dào như Thái Lan với lượng tồn kho lớn (14 triệu tấn gạo), không loại trừ khả năng chính phủ Thái Lan sẽ giảm giá bán. Ấn Độ trúng mùa nên không giới hạn lượng gạo XK năm 2013. Trong khi đó, những nước từng nhập khẩu với lượng lớn gạo Việt Nam như Indonesia tuyên bố năm nay sẽ không nhập khẩu, Philippines thì giảm nhập so với năm trước.
Đừng dùng lúa thương phẩm làm giống
Lúa thơm, lúa chất lượng cao vụ đông xuân 2013 có giá bán tương đương lúa thường, ngoài yếu tố thị trường, theo ông Trương Thanh Phong, nguyên nhân chính là một số giống như OM 4900, OM 4218, OM 6411… ở lưng chừng giữa lúa thơm và không thơm nên khó bán. Một số giống thơm như Jasmine do nông dân sử dụng lúa “thịt” làm giống hoặc trồng trên nền lúa thường vụ trước nên tỉ lệ bị lẫn lộn khá cao, lên đến 20%-30%, làm cho nhà nhập khẩu không mua hoặc mua giá thấp. Để bán được giá cao phải sử dụng giống lúa xác nhận khi gieo trồng, không dùng lúa thương phẩm để làm giống.
|