Những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K bởi sau khi tiêm khoảng 2 tuần, cơ thể mới có kháng thể. Đây là lưu ý của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang diễn ra chiều tối 4/6.
Số ca mắc COVID-19 tại huyện Thuận Thành đã giảm dần
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, từ ngày 6/5 đến 6 giờ ngày 4/6, toàn tỉnh ghi nhận 1.018 ca mắc COVID-19 tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố; rà soát 6.553 trường hợp F1, 44.013 trường hợp F2; cách ly y tế với 38.893 trường hợp.
Tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về phòng, dịch COVID-19 đối với người lao động tại nơi lưu trú tập trung và ở lại làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn; Kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn trong tình hình mới.
Các lực lượng tiếp tục triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các trường hợp liên quan đến ca mắc COVID-19, xét nghiệm ngẫu nhiên tại cộng đồng, xét nghiệm cho công nhân, người lao động, chuyên gia làm việc tại các khu công nghiệp... Tỉnh cũng test nhanh cho 100% bệnh nhân đến khám và lấy mẫu xét nghiệm (3-5 ngày/lần) cho nhân viên bệnh viện, bệnh nhân nội trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong ngày 4/6, dự kiến lấy 22.355 mẫu tại các huyện huyện, thị xã, thành phố cho người dân, công nhân lao động, cán bộ y tế...
“Đáng lưu ý, hiện nay, số ca mắc của huyện Thuận Thành có xu hướng giảm nhưng số ca mắc ở thành phố Bắc Ninh lại tăng cao với 274 ca mắc COVID-19 tại 14 phường với 43 khu phố”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan cho biết, Bắc Ninh làm việc với Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh để thống nhất các phương án xử lý dứt điểm ổ dịch ở Thuận Thành và thành phố Bắc Ninh. Theo đó, 2 điạ phương này sẽ được chia thành 3 nhóm có ca mắc trong vòng: 7 ngày, 8 - 14 ngày, trên 14 ngày, từ đó đưa ra phương án xét nghiệm phù hợp. Nhóm có nguy cơ cao, nguy cơ trung bình, nguy cơ thấp được xét nghiệm lần lượt 3 lần, 2 lần và 1 lần.
Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức, thành viên Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Bắc Ninh, phương án xét nghiệm cho 3 nhóm này không có nghĩa xét nghiệm ồ ạt trên diện rộng, lãng phí nhân lực. Các lực lượng tập trung sàng lọc, làm sạch những nơi có nguy cơ cao để phát hiện các ca mắc COVID-19; tuy nhiên, để giải quyết “bài toán” này, việc lấy mẫu có vai trò quan trọng.
Cụ thể, những nơi có nguy cơ cao tại Thuận Thành cần 100 nhân lực để lấy mẫu, sau đó cần cân nhắc phương án trả kết quả phù hợp, trong vòng 24 giờ tách các trường hợp F0, F1. Trong khi đó, thành phố Bắc Ninh là nơi có nguy cơ cao nhất vì trong 3 ngày qua, số lượng ca mắc tăng lên, phạm vi mở rộng sang các phường khác. Hiện có khoảng 86.000 người dân nằm trong thôn nguy cơ cao, cần khoảng 500 người lấy mẫu nhưng đang thiếu khoảng 300 người. Như vậy, các lực lượng vừa phải điều phối nhân lực lấy mẫu, vừa phải tăng công suất xét nghiệm.
24 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trở lại
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Sơn cho biết, ngày 4/6, Bắc Giang ghi nhận thêm 143 ca mắc COVID-19. Các ca mắc mới vẫn chủ yếu là công nhân và một số người nhà, người tiếp xúc gần, được phát hiện tại khu vực tập trung nhiều công nhân trên địa bàn huyện Việt Yên (thôn Núi Hiểu, Quang Biểu, Tam Tầng), đã ở trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Ngày 3/6, Bắc Giang đã lấy 29.210 mẫu xét nghiệm, nâng tổng số mẫu đã lấy lên 906.000 mẫu, trong đó đã có 898.000 mẫu đã có kết quả.
“Dự kiến ngày 5/6, Việt Yên di dời công nhân ở thôn Núi Hiểu sang các khu cách ly tập trung khác. Trong ngày 4/6, các lực lượng tiếp tục lấy mẫu lại cho 2.800 công nhân, nhằm giảm mật độ trong các khu vực cách ly, ngăn chặn lây nhiễm chéo”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức xây dựng phần mềm giám sát, quản lý dịch COVID-19 cho doanh nghiệp (lên danh sách và thông tin của công nhân, người lao động) và cấp mã QR-code để phục vụ công tác truy vết. Phần mềm này hiện đã chạy thí điểm tại 4 doanh nghiệp, thuộc 2 huyện. Sau khi tổng kết và điều chỉnh, dự kiến, ngày 5/6, phần mềm này sẽ được triển khai trên toàn bộ các doanh nghiệp, trước mắt, tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Hiện Bắc Giang đã có 24 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trở lại với trên 6.000 công nhân, người lao động trực tiếp tham gia sản xuất. Về công tác xuất khẩu vải thiều, tính đến ngày 3/6, Bắc Giang xuất khẩu được 31.366 tấn tấn vải với giá từ 15.000 đến 32.000 đồng/kg, trong đó, 65% tiêu thụ tại thị trường nội địa, 35% xuất khẩu. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch truyền thông về tiêu thụ vải thiều năm 2021. Đáng chú ý, trong ngày, Bắc Giang đã tiêm phòng vaccine cho lái xe, công nhân bốc xếp, thương nhân phục vụ công tác tiêu thụ vải thiều, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Giãn cách triệt để, không để “ngoài chặt, trong lỏng”
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tập trung dập ổ dịch ở huyện Thuận Thành nhanh nhất. Bên cạnh đó, đối với công tác cách ly, các địa điểm đã khoanh vùng, cách ly y tế phải được kiểm soát nghiêm ngặt, giãn cách triệt để, không để “ngoài chặt, trong lỏng”, gây lây nhiễm chéo; xử lý dứt điểm những nơi có nguy cơ cao.
Đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã cho hoạt động trở lại theo hình thức công nhân ăn ở tại nhà máy, tỉnh Bắc Ninh cần tập trung đẩy nhanh tiến độ sàng lọc trong vòng 2 tuần để sàng lọc các ca nghi ngờ.
Những ngày qua, tỉnh Bắc Giang đã sử dụng hệ thống tổng đài gọi điện tự động, thăm hỏi sức khoẻ của người dân, hỗ trợ y tế và xét nghiệm cho 536 trường hợp, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bắc Ninh đưa hệ thống này vào sử dụng nhằm hỗ trợ tầm soát những trường hợp nguy cơ.
Liên quan đến việc thí điểm tự lấy mẫu xét nghiệm, không ngoại trừ có trường hợp không trung thực, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, ngay trong khi lấy mẫu, lực lượng y tế tập huấn cho công nhân; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, đề nghị doanh nghiệp cùng với lực lượng y tế, giám sát việc lấy mẫu.
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, sau khi thực hiện di dời, giảm mật độ công nhân, các lực lượng nhanh chóng làm sạch địa bàn thôn Núi Hiểu, huyện Việt Yên để sớm đưa người dân trở lại; đồng thời đảm bảo cách ly nghiêm ngặt trong các khu cách ly tập trung, phong tỏa vẫn ghi nhận các ca mắc mới.
Trên tinh thần “an toàn mới cho quay trở lại sản xuất”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý 2 địa phương, các doanh nghiệp phải đảm bảo an toàn trong sản xuất; cố gắng không kéo dài quá 2 tuần việc công nhân tạm thời ăn, ở tại nhà máy; phải có phương án sắp xếp chỗ ở của công nhân gắn với bố trí ca kíp bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, những người đã tiêm vaccine vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K do sau khi tiêm khoảng 2 tuần sau, cơ thể mới có kháng thể. Về xét nghiệm tầm soát cộng đồng, Phó Thủ tướng cho biết, cần kết hợp lấy mẫu ngẫu nhiên ở các khu có nguy cơ thông qua khai báo y tế, tổng đài gọi điện thoại tự động chăm sóc sức khỏe nhân dân… để lựa chọn khu vực lấy mẫu tiết kiệm, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tại những địa bàn đã kiểm soát được dịch bệnh, các địa phương cần đẩy nhanh thí điểm cách ly các trường hợp F1 tại chỗ ở; hướng dẫn người dân, công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm để chuẩn bị cho tình huống dịch bùng phát lại hoặc bùng phát ở nhiều địa phương trong khi các lực lượng ở Trung ương và địa phương khác không thể chi viện… Lực lượng lấy mẫu xét nghiệm phải tuân thủ đầy đủ quy trình, không để xảy ra lây nhiễm cho người lấy mẫu hoặc giữa người được lấy mẫu. Công tác điều phối các lực lượng lấy mẫu, xét nghiệm cần được quan tâm đặc biệt để bảo đảm phát huy tối đa năng lực xét nghiệm.
Diệp Trương
Theo Báo Tin tức/TTXVN