Dù chịu nhiều quy định kiểm soát ngoại tệ, người Trung Quốc hàng năm vẫn đưa được hàng chục tỷ USD ra nước ngoài để gom bất động sản.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành lực đẩy chính trên thị trường bất động sản toàn cầu. Năm 2015, họ vượt qua Canada để trở thành nước mua nhà ở Mỹ nhiều nhất, với tổng cộng 28,5 tỷ USD. Năm ngoái, họ tiếp tục giữ vị trí này, với khoảng 31,7 tỷ USD, tăng 16,1%. Người Trung Quốc còn tích cực hoạt động tại nhiều thị trường khác, như Canada, Hong Kong, Nhật Bản và Australia.
Bloomberg đã gọi họ là “đội quân mua nhà của Trung Quốc”. Dòng tiền của họ đổ đi khắp thế giới, khiến giá địa ốc nhiều nơi tăng vọt. Giá bất động sản tại Vancouver (Canada) đã tăng gấp đôi trong hơn 10 năm qua. Còn tại Hong Kong, giá đã tăng 60% giai đoạn 2010 - 2015 và hiện là thị trường có giá bất động sản xa xỉ cao nhất thế giới.
Khu phố Trung Quốc tại Vancouver. Ảnh: Bloomberg
Có rất nhiều nguyên nhân khiến người Trung Quốc đổ tiền ra nước ngoài. Một là họ đang ngày một giàu lên. Hai là kinh tế trong nước đang có nhiều dấu hiệu yếu đi. Họ tin rằng tiền chuyển ra nước ngoài sẽ an toàn hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn. Tâm lý này càng trở nên phổ biến sau khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc hồi quý III/2015.
Hậu quả là dòng tiền chảy ra khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm mạnh và giá NDT lao dốc. Năm ngoái, NDT đã mất giá 7% so với USD, Reuters cho biết. Vì thế, vài năm gần đây, giới chức nước này đã phải tăng cường kiểm soát giao dịch ngoại tệ.
Tháng 12 năm ngoái, Cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) cho biết vẫn giữ nguyên hạn mức 50.000 USD mà mỗi cá nhân được phép mang ra nước ngoài mỗi năm. Tuy nhiên, họ sẽ tăng kiểm soát việc mua ngoại tệ của cá nhân và xử phạt nặng những giao dịch chuyển tiền phi pháp.
Từ ngày 1/1, người Trung Quốc muốn mua ngoại tệ tại các ngân hàng sẽ phải điền vào đơn nêu rõ mục đích. SAFE sẽ kiểm tra các thông tin này thường xuyên. Mẫu đơn này nhằm hạn chế việc đổi tiền để mua bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm và nhiều dạng đầu tư khác ở nước ngoài.
Các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) ở nước ngoài cũng sẽ bị rà soát lại, kể cả đã được chấp thuận trước đó. Các tổ chức tài chính tại Trung Quốc sẽ phải báo cáo tất cả giao dịch trong nước và nước ngoài có giá trị hơn 50.000 NDT (7.200 USD). Mức trước đây là 200.000 NDT. Cơ quan này cho rằng hệ thống cũ kiểm soát việc mua ngoại tệ của các cá nhân quá đơn giản và lỗi thời, tạo ra nhiều lỗ hổng cho việc chuyển tiền phi pháp và rửa tiền.
Dù vậy, “đội quân mua nhà của Trung Quốc” vẫn tìm được nhiều cách để lách luật. Tại trang bất động sản Eastwestproperty.com, giá trị các căn nhà được hỏi mua trong năm 2016 có giá trung bình tới 870.000 USD. East-West Property cho biết một số ngân hàng Mỹ đã khá nhanh nhạy khi hỗ trợ cho vay khách hàng Trung Quốc. Điều này có nghĩa người mua sẽ cần chuyển ít ngoại tệ hơn.
Một người bị bắt vì chuyển tiền lậu từ Trung Quốc sang Hong Kong. Ảnh: Reuters
Các cách phổ biến khác là nhờ bạn bè hoặc người thân mang tiền giúp, tận dụng các ngân hàng ngầm để chuyển tiền ra nước ngoài hoặc thậm chí mở công ty tại Mỹ. Chưa có số liệu chính thức theo dõi dòng tiền ngầm, nhưng quan chức ngân hàng trung ương (PBOC) cho rằng các ngân hàng ngầm mỗi năm xử lý tới 800 tỷ NDT (125 tỷ USD).
Từ nhiều năm nay, hệ thống ngân hàng ngầm đã rất phát triển tại Shantou và Chaozhou – các thành phố ven biển khét tiếng với nạn buôn lậu, hàng giả, súng và ma túy. Phần lớn các hoạt động này đang chuyển dần về gần biên giới với Hong Kong và Macau (Trung Quốc) – những nơi có hệ thống tài chính cởi mở hơn. Một khi tiền từ Trung Quốc chuyển được sang Hong Kong, nó có thể đi bất kỳ nơi nào trên thế giới, Wall Street Journal cho biết.
Thi thoảng, các khoản lớn được chia nhỏ để hợp pháp hóa, sau đó rời khỏi Trung Quốc qua hàng trăm tài khoản ngân hàng kiểm soát bởi những người trong hệ thống tài chính ngầm. Những tổ chức này có thể khớp một lượng tiền gửi bằng NDT trong nước với khoản tương đương bằng ngoại tệ, trả vào tài khoản của khách hàng ở nước ngoài. Mạng lưới không chính thức này cũng giúp công nhân Trung Quốc làm việc tại nước ngoài chuyển tiền về quê. Do không phải ai cũng có thể mở tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, theo New York Times, sự phát triển của công nghệ, như các ứng dụng trên smartphone hay nền tảng cho vay trực tuyến tại Trung Quốc và thế giới cũng đang giúp nhiều người lách luật chuyển tiền. Các mạng lưới cho vay không chính thức này có thể giúp nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền cho các dự án hoặc cho vay cá nhân ở nước ngoài mà không cần ngân hàng hay các nguồn vốn truyền thống khác.
Họ có thể chuyển qua các ứng dụng tin nhắn như WhatsApp hay WeChat. Các ứng dụng di động như Niuniu, Jimubox and Tiger Stocks cho phép mua bán cổ phiếu nước ngoài qua smartphone. Số khác lại giúp họ góp tiền mua bất động sản quốc tế hay cho vay bên ngoài.
Giới chức Trung Quốc rất sốt sắng trong việc kiềm chế dòng vốn chảy ra bên ngoài. Còn cá nhà phân tích thì cho rằng khi mà nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc ngày càng biết cách thích nghi với các quy định mới, và các thị trường địa ốc toàn cầu vẫn còn cởi mở với đầu tư, triển vọng nhu cầu từ Trung Quốc sẽ vẫn rất tích cực.
Hà Thu
Theo VnExpress