Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), cho rằng: Thanh niên hiện nay sẽ là những người phải giải quyết "bài toán" biển đông trong tương lai, do vậy, xã hội cần để thanh niên biết rõ về tình hình thực tế biển đảo của đất nước.
Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc), cho rằng: Thanh niên hiện nay sẽ là những người phải giải quyết "bài toán" biển đông trong tương lai, do vậy, xã hội cần để thanh niên biết rõ về tình hình thực tế biển đảo của đất nước.
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy
Trung Quốc không đáng sợ
Thưa ông, trước tình hình Trung Quốc ngày càng lộ rõ quyết tâm độc chiếm Biển Đông, xuất hiện nhiều cách nghĩ và tâm thế khác nhau của người trẻ. Quan điểm của ông thế nào?
Năm nay tôi đã 80 tuổi Âm lịch, hiện vẫn còn tham gia giảng dạy nên tiếp xúc rất nhiều với giới trẻ, nhất là với sinh viên.
Theo nhận xét chủ quan của tôi, hiện nay, giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là giới sinh viên, có hai khuynh hướng tâm lý khá rõ ràng đối với Trung Quốc: Một là miệt thị, coi thường, bài bác, ghét bỏ Trung Quốc; hai là sợ Trung Quốc, vì thấy họ đông, mạnh, với tiềm lực quân sự vượt trội so với chúng ta.
Cả hai quan điểm đó, nếu không có sự uốn nắn, dẫn dắt kịp thời thì nó sẽ đưa đến những hệ quả rất bất lợi cho đất nước, bởi vì thanh niên chính là người chủ đất nước sau này, là những người phải trực tiếp đứng ra đối phó với cường quốc láng giềng. Bài toán tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc không thể giải trong ngày một ngày hai, nên thế hệ thanh niên ngày nay đương nhiên phải tiếp nối các thế hệ đi trước gánh vác trách nhiệm này.
Chúng ta phải thật hiểu Trung Quốc thì mới thấy rằng đó là một nỗi sợ hãi không đáng có. Trung Quốc đúng là một nước lớn, đất rộng, người đông, có nền văn hóa lâu đời, có sức mạnh mềm tương đối nổi bật.
Trong hơn 30 năm cải cách, mở cửa vừa qua họ đã phát triển rất nhanh và trở thành công xưởng của thế giới. Đi đâu cũng thấy hàng Trung Quốc, nơi nào cũng thấy Trung Quốc xâm nhập. Nhưng Trung Quốc cũng có những điểm yếu, có "gót chân Achilles".
Các bạn trẻ có thể không biết, tôi từng sống qua thời kỳ sau 1975, do một số sai lầm về chính sách nên kinh tế và đời sống trong nước rất khó khăn nhưng chúng ta không e ngại bất cứ quốc gia nào.
Bây giờ, chúng ta có thể còn khó khăn nhưng tính theo thu nhập đầu người thì cũng đã thoát nghèo, tiềm lực của chúng ta đã khá hơn trước rất nhiều. Chúng ta cũng có quan hệ ngoại giao rộng mở, là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế chủ chốt. Nên không có lý do gì chúng ta phải sợ. Tôi tôn trọng vai trò nước lớn của Trung Quốc, những lợi ích chính đáng của Trung Quốc nhưng tôi không sợ.
Thế còn về xu hướng miệt thị?
Tôi đã ở Trung Quốc khá nhiều năm, từng tận mắt nhìn thấy sự viện trợ to lớn của nhân dân Trung Quốc dành cho Việt Nam
Thời kỳ 1966 - 1967, Trung Quốc vừa mới thoát ra khỏi cuộc "Đại nhảy vọt", người dân đói rách vô cùng. Một năm, mỗi người dân Trung Quốc chỉ được phát một thước Trung Quốc vải, tức là 33 cm, để vá quần áo rách. Thế nhưng người ta vẫn viện trợ cho mình rất nhiều vải. Có những thứ mà họ chưa trang bị được hết cho quân đội của họ, còn chưa có cái mới, họ lấy cái vừa trang bị cho bộ đội của họ để viện trợ cho ta. Tất nhiên, những người lãnh đạo của họ bấy giờ có thể có những mưu tính nhưng nhân dân họ đã hy sinh rất nhiều để viện trợ cho chúng ta. Chúng ta phải ghi nhớ công ơn đó.
Vậy nên chuyện mình miệt thị với nhân dân Trung Quốc, theo tôi là không nên. Chúng ta phải sống hòa thuận, tôn trọng và nếu nhân dân bạn chưa hiểu, chúng ta phải tuyên truyền, làm rõ những hiểu lầm không đáng có giữa hai bên.
Cường quốc nào cũng có lúc suy yếu
Rất nhiều người thắc mắc rằng, làm thế nào để lấy lại các đảo ở Hoàng Sa và giữ vững các đảo của ta trước lòng tham của Trung Quốc?
Riêng về Biển Đông, phải rất rõ ràng. Hoàng Sa mà họ chiếm từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa tháng 1/1974 thì dứt khoát là của Việt Nam, không tranh cãi. Bởi vì khu vực đó là người Pháp giao lại cho chính quyền miền Nam Việt Nam theo Hiệp định Genève năm 1954 và họ tiếp quản suốt từ năm 1956 cho đến tận năm 1974. Khi tôi nói điều này thì tất cả nhân dân, nhà bình luận thế giới đều phải thừa nhận là đúng.
Thời cơ để chúng ta đòi lại các đảo đã mất, sẽ đến. Ta phải chuẩn bị. Đời tôi không làm được, thì đời con, đời cháu tôi phải làm. Cường quốc nào cũng có lúc suy yếu, chứ không riêng gì Trung Quốc. Phải dạy thanh niên rằng, đó là lãnh thổ thiêng liêng, là chủ quyền của Việt Nam. Giữ vững chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa và các khu vực hợp pháp trên Biển Đông là nhiệm vụ cha truyền, con nối. Chúng ta phải xây dựng lực lượng mạnh mẽ, rèn luyện ý chí, sẵn sàng chớp lấy thời cơ chứ đừng để thanh niên quên mất. Chúng ta phải thu hồi bằng cách kết hợp đủ các biện pháp khi thời cơ đến.
Trong tình hình có hiểm họa ngoại xâm như thế này, tuy chứa đựng các yếu tố rủi ro lớn nhưng cũng đồng thời là cơ hội rất tốt để khơi dậy tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội trong nhân dân, nhất là thanh niên. Theo đánh giá của ông, chúng ta đã tận dụng tốt cơ hội này chưa?
Vào thời điểm này, chỉ cần chúng ta truyền thông đúng mức về vấn đề Trung Quốc, về Biển Đông, thì Trung Quốc sẽ gần như không còn cơ hội trong tranh chấp với Việt Nam. Quốc gia nào có ý đồ gây sự, gây chiến cũng sợ cơn giận dữ của gần 90 triệu người Việt Nam. Đó là một sức mạnh không gì sánh nổi và lịch sử của chúng ta chứng minh điều đó một cách vô cùng rõ ràng. Vì vậy, tôi cho rằng, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ quyền quốc gia một cách đầy đủ, với tinh thần quyết liệt nhằm bảo vệ lãnh thổ. Có như vậy người dân mới hiểu rõ. Hiểu rõ rồi thì họ không còn lý do gì để sợ hãi nữa.
Theo Vietnamnet