Thị trường chung cư Hà Nội đang chứng kiến cơn sốt giá chưa từng có, với nhiều dự án tăng giá đến người mua hoang mang về giá trị thực tế. Dù nhu cầu nhà ở lớn nhưng giá trị hiện tại lại vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người dân, dẫn đến tình trạng “giá ảo” đầu cơ. Vậy, giá trị của những căn hộ này thực sự phản ánh đúng trạng thái hay chỉ là bong bóng tài sản đang chờ đứt?
Theo Báo cáo mới đây của Savills Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường căn hộ tại Hà Nội đã ghi nhận hơn 12.000 căn mới ra mắt. Trong quý 3, có 5.265 căn hộ được cung cấp mới, tăng mạnh 95% theo quý và 178% theo năm.
Tuy nhiên, nguồn cung sơ cấp vẫn giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Dù nguồn cung sơ cấp có phần hạn chế, số lượng căn hộ bán ra đã đạt mức 6.840 căn trong quý 3, tăng 35% theo quý và 226% theo năm. Tổng số lượng căn hộ bán được trong 9 tháng năm 2024 lên tới 17.000 căn. Trên thực tế, số lượng này chỉ kém so với mức năm 2019, và đã cao hơn năm 2020 – thời điểm thị trường bắt đầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Phần lớn nguồn cung mới vẫn thuộc phân khúc hạng B, tập trung vào các dự án lớn ở phía Đông và Tây Hà Nội. Nam Từ Liêm và Cầu Giấy chiếm 63% nguồn cung sơ cấp và 78% số lượng giao dịch trong quý. 92% nguồn cung của khu vực phía Tây là các căn hộ Hạng B. Khu vực phía Tây sẽ cung cấp 21.000 căn hộ từ 28 dự án, tương đương 17% nguồn cung tương lai.
Số liệu từ CBRE Việt Nam cho thấy, quý III, giá chung cư tại Hà Nội tăng ở cả 2 thị trường sơ cấp và thứ cấp. Tại thị trường sơ cấp, giá bán trung bình chung cư đạt 64 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì) - lần lượt tăng 8,7% và tăng 26% theo năm.
Bên cạnh đó, Savills Việt Nam cũng công bố mức giá sơ cấp chung cư Hà Nội đạt khoảng 69 triệu đồng/m2, tăng 6% theo quý và 28% theo năm. Giá chung cư thứ cấp quý III cũng lên mức trung bình 46 triệu đồng/m2, tăng 26% chỉ sau một năm.
Chỉ vài tháng trở lại đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều nhóm cộng đồng kêu gọi dừng mua nhà Hà Nội để tránh "ngáo giá" (giá cao vống lên, có khi tới mức phi lý không sát thực tế). Số lượng thành viên các nhóm này là khoảng 100.000-200.000 thành viên.
Mục đích của những người lập ra các nhóm này là để chia sẻ, tâm sự chuyện mua nhà ở Hà Nội, bàn luận câu chuyện giá nhà đất. Thành viên tham gia các nhóm này thường chia sẻ những ví dụ về giá nhà tăng "sốc" cũng như các chiêu trò thổi giá của môi giới, kêu gọi đồng lòng nói không với mua nhà, đưa bất động sản Hà Nội về giá trị thực.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, cho biết, giá nhà để bán tại Hà Nội vẫn trên đà tiếp tục tăng. Giá bán sơ cấp hiện đang ở mức 69 triệu đồng/ m 2, tăng 6% so với quý trước và 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường thứ cấp, giá trung bình của căn hộ trong quý 3 là 51 triệu đồng/m², tăng 10% so với quý trước và 41% so với năm ngoái. Giá thứ cấp trung bình tăng 17% mỗi năm kể từ năm 2020, với Hạng C tăng mạnh nhất đạt 20%/năm, tiếp đến là Hạng A tăng 16%/năm và Hạng B tăng 15%/năm. Nhiều người mua chuyển hướng từ thị trường sơ cấp sang thứ cấp do thị trường này có nhiều sự lựa chọn hơn, cũng như vấn đề pháp lý được đảm bảo hơn.
Trước bối cảnh này, chuyên gia Savills đánh giá: “Dù thị trường tăng trưởng, sự chênh lệch giữa thu nhập hộ gia đình và giá nhà đang ngày càng rõ rệt. Với mức thu nhập trung bình của một hộ gia đình tại Hà Nội là khoảng 250 triệu đồng/năm, giá một căn hộ trung bình khoảng 4 tỷ đồng, người dân cần tới 18 năm tiết kiệm không tiêu xài để có thể mua được nhà. Thu nhập trung bình chỉ tăng trưởng 6% mỗi năm, giá nhà trên thị trường thứ cấp đã tăng trung bình 17-20%, gây ra nhiều khó khăn trong việc mua nhà.”
Lý giải về hiện tượng giá chung cư Hà Nội tăng nhanh chỉ trong thời gian ngắn, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay, qua tổng hợp, phân tích thấy rằng, nguồn cung bất động sản và chi phí xây dựng đầu vào chỉ là một trong các nguyên nhân làm tăng giá bất động sản tại một số khu vực, địa phương trong thời gian qua.
Theo ông Dũng, việc giá bất động sản tăng cao còn do hiện tượng "tạo giá ảo", "thổi giá" của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới. Những đối tượng này lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi.
Những người này là cá nhân hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản, yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, thông đồng làm giá, thổi giá cao so với giá trị thực tế, thao túng thị trường. Điều đó gây thiệt hại cho khách hàng và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.
Một nguyên nhân khác được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh là do chính tâm lý của người dân đã tác động đẩy giá nhà lên cao chót vót.
Bước sang quý 4/2024, chuyên gia cho rằng, thị trường dự kiến sẽ đón nhận thêm 9.700 căn hộ mới, trong đó 88% đến từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án lớn. Từ năm 2025 trở đi, khoảng 110.000 căn từ 106 dự án sẽ được đưa ra thị trường. Dù vậy, mặt bằng giá năm 2025 được dự báo sẽ không giảm nhưng sẽ không tăng nhanh và nhiều như năm nay.
Tiến Hoàng/KTĐU