Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), năm 2014 thị trường vẫn có xu hướng tích cực. Cơ cấu sản phẩm tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với thị trường. Về dài hạn, đến năm 2020 Việt Nam phấn đấu cơ bản thành nước công nghiệp nên nhu cầu về bất động sản vẫn còn rất lớn. Phải chăng, đoán trước được nhu cầu này các nhà đầu tư ngoại đã đang ráo riết đầu tư và tìm mua các loại dự án tại BĐS tại Việt Nam?
Việt Nam, địa điểm bán lẻ hấp dẫn hàng đầu khu vực
Theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, báo cáo gần đây cho thấy, Việt Nam có mức giá thuê cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực, đặc biệt ở phân khúc khách sạn, bán lẻ và căn hộ dịch vụ.
Với nguồn cung dự án chất lượng cao còn hạn chế, và trong điều kiện Việt Nam có tình hình hoạt động kinh tế vĩ mô gần đây được cải thiện đáng kể cùng nền tảng cơ bản hấp dẫn, những phân khúc này ở Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các nhà phát triển dự án và nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Troy nhấn mạnh : "Nếu mức giá đưa ra hợp lý thì sự quan tâm của các nhà đầu tư vào các phân khúc này sẽ có thể tiếp tục tăng".
Theo khảo sát của Tổ chức Tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, các tập đoàn bán lẻ toàn cầu đánh giá Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn thứ hai trong khu vực chỉ sau Trung Quốc. Trong đó, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều chiếm vị trí cao trong danh sách 10 thành phố được các đại gia bán lẻ toàn cầu lựa chọn để đầu tư năm 2014.
Các chỉ số khảo sát cho thấy, mức độ hấp dẫn về mặt bằng bán lẻ của 2 thành phố nói trên tương đương với cả Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) và Singapore, những nơi vốn được mệnh danh là thiên đường mua sắm của châu Á từ nhiều năm nay.
Không những thế, theo quy định của WTO, Việt Nam sẽ hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ vào tháng 1/2015, đồng thời, có tới 10.000 hàng hóa chịu thuế sẽ được giảm mức thuế nhập khẩu xuống còn 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Đây là cú hích về pháp lý rất quan trọng đối với các nhà bán lẻ lớn trên thế giới, dự báo sẽ khiến phân khúc mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam sẽ đặc biệt sôi động vào giai đoạn cuối năm nay.
Trước đó, một tổ chức tư vấn khác là Grant Thorton Việt Nam cũng đã công bố những con số khá lạc quan về triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam. Cụ thể, cuộc nghiên cứu khảo sát lần thứ 11 cho thấy, dựa trên quan điểm và triển vọng của lĩnh vực đầu tư tư nhân tại Việt Nam, bất động sản và khách sạn là các ngành có mức độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nhất hiện nay, chỉ đứng sau ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống.
Có tới 54% số ý kiến cho rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đầu tư, đồng thời, 51% ý kiến được hỏi cho rằng họ sẽ tiếp tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong vòng 1 năm tới.
Nhiều chuyên gia bất động sản đều nhận định, bất động sản Việt Nam đã chạm đáy, thanh khoản đã được cải thiện thể hiện rõ ở số lượng giao dịch đã gia tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2014. Các nghiên cứu khảo sát cho thấy, mặc dù thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn đeo đẳng nhưng lại sở hữu những yếu tố căn bản lâu dài. Ở thời điểm này, Việt Nam vẫn có nhiều tài sản có khả năng sinh lời lớn cho nhà đầu tư có tiềm lực.
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng lạc quan hơn về thị trường Việt Nam dựa trên thế mạnh về nhân khẩu trẻ, nhu cầu sở hữu nhà ở luôn ở mức cao. Đồng thời, đa số nhà đầu tư đều có niềm tin vào sự thay đổi của các chỉ số kinh tế vĩ mô với mức dự báo mức tăng trưởng khoảng 5,9% cho năm 2014
Việt Nam có mức giá thuê cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực, đặc biệt ở phân khúc khách sạn, bán lẻ và căn hộ dịch vụ. Nếu mức giá đưa ra hợp lý thì sự quan tâm của các nhà đầu tư vào các phân khúc này sẽ có thể tiếp tục tăng.
Vì những lý do trên, bất động sản Việt Nam được nhận định chắc chắn sẽ đón thêm các dòng vốn đầu tư mới mạnh mẽ hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn cuối năm 2014.
Những “cuộc chơi mới” trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng
Về việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam đặc biệt là vào các dự án bất động sản trong giai đoạn cuối năm 2014, GS. Đặng Hùng Võ, Chuyên gia cao cấp về bất động sản cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam cũng đang sôi động trở lại bởi vì xét về cả môi trường lẫn lợi ích đầu tư, Việt Nam vẫn đang là điểm nóng đầu tư hấp dẫn.
Xét về mặt lợi ích đầu tư, rõ ràng các nhận định đều cho thấy, Việt Nam vẫn đang là một quốc gia có nhiều tiềm năng kể cả về đầu tư bất động sản. Nhiều nhà đầu tư lớn vẫn tiếp tục đổ vốn hàng tỷ đô vào các dự án và họ cũng đã bước đầu cho thấy những thành công. Lotte có thể được coi là một minh chứng cho việc đó, một bất động sản thương mại vẫn đang được hình thành với quy mô lớn và cả tham vọng lớn nữa, GS. Đặng Hùng Võ nhận xét.
Xu hướng các nhà đầu tư ngoại tiến hành mua bán các dự án nhiều hơn là việc đầu tư mới. Ông Võ cũng cho rằng đó là một xu hướng rất đúng đắn của các nhà đầu tư ngoại, đúng với quy luật. Bởi vì, khi thị trường bất động sản trước đây phát triển và chúng ta không chủ động được sự phát triển đó, chúng ta để nhiều dự án rơi vào ách tắc, không có lối thoát. Nhà đầu tư ngoại vào mua dự án đó, nhận chuyển nhượng thậm chí sáp nhập công ty Việt Nam vào công ty của họ… Về bản chất, các hoạt động đó đang diễn ra theo đúng một quy luật mà người ta hay gọi là M&A.
Chính sách cởi mở quyết định sức hút với nhà đầu tư
Mới đây trong khuôn khổ chương trình Hội nghị chuyên đề bất động sản “20 năm nhìn lại và 2 năm hướng tới” do Auscham tổ chức sáng 9/9 tại Hà Nội, phát biểu đề dẫn chương trình, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, thời gian gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam có sự chuyển biến rõ rệt.
Cụ thể, đầu năm 2013, Chính phủ Việt Nam đã có một Nghị quyết riêng về việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Hệ thống luật pháp cũng được hoàn thiện theo hướng minh bạch, cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản. Nguồn vốn tín dụng vào bất động sản được khơi thông. Nhiều dự án bị đình trệ trước đây nay đã được thi công trở lại, thu hút một lượng lớn khách mua nhà. Các chủ đầu tư từng bước tái cơ cấu các sản phẩm bất động sản phù hợp với khả năng của người mua nhà. Đặc biệt, khách hàng là người nước ngoài có thể mua nhà ở tại Việt Nam... đã tạo sự hứng khởi cho thị trường.
Ông Marc Townsend - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam - một chuyên gia môi giới dạn dày kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam cho rằng, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam về cơ bản đang đi đúng hướng. Cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn tiếp tục thay đổi gây kinh ngạc. Dọc 2 bên Xa lộ Hà Nội (TP. Hồ Chí Minh) và sông Hồng (Hà Nội), nhiều công trình xây dựng đang mọc lên nhanh chóng, mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam.
Tuy nhiên, về dòng vốn, Marc Townsend cho biết, các quỹ đầu tư tiếp tục thoái vốn tài sản của họ nhưng cũng quan tâm tìm mua những tài sản có giá tốt. Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vẫn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhưng những bất động sản có giá tốt không thực sự nhiều.
Phương Linh
theo Xây dựng