Sự kiện hot
2 năm trước

Nhà máy Nghi Sơn hạ công suất, BSR hưởng lợi ngắn hạn

NMLD Nghi Sơn đã gặp khó khăn về mặt tài chính và phải hạ công suất hoạt động xuống 80% công suất thiết kế. Chứng khoán KB đánh giá đây là một động lực ngắn hạn cho BSR khi rào cản gia nhập ngành là rất lớn và hiện tại chưa có thêm nguồn cung khác thay thế ngoài nhập khẩu

Theo Chứng khoán KB, ngành lọc dầu của Việt Nam hiện đang ở bước đầu phát triển với 2 NMLD là Dung Quất hoạt động năm 2009 và Nghi Sơn năm 2018. Tính tới cuối năm 2021, Dung Quất chiếm gần 36% thị phần thị trường sản phẩm xăng dầu của Việt Nam và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 34%, còn lại 30% là sản phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên, với việc liên tục thua lỗ từ khi đi vào hoạt động tới nay, NMLD Nghi Sơn đã gặp khó khăn về mặt tài chính và phải hạ công suất hoạt động xuống 80% công suất thiết kế. Chứng khoán KB đánh giá đây là một động lực ngắn hạn cho BSR khi rào cản gia nhập ngành là rất lớn và hiện tại chưa có thêm nguồn cung khác thay thế ngoài nhập khẩu.

Kỳ vọng trong năm 2022 Dung Quất sẽ vận hành ổn định, với hiệu suất 108% trong năm 2022 do không phải thực hiện đại tu (BSR đại tu 3 năm/lần với khoảng thời gian 50 – 52 ngày, đợt gần nhất là năm 2020) và bù đắp sản lượng thiếu hụt do NMLD Nghi Sơn giảm công suất.

Bên cạnh đó, quan điểm tích cực về nhu cầu xăng dầu sẽ dần hồi phục sau dịch khi tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 2 mũi tại Việt Nam đã đạt 100% và mũi 3 đã gần 100%. Điều này sẽ giúp cho chiến lược “thích ứng an toàn với đại dịch” của Chính phủ Việt Nam đạt được thành công và dần dần mở cửa lại nền kinh tế, góp phần tăng nhu cầu xăng dầu nội địa.

Theo ước tính của BMI Research, tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam có thể tăng trưởng với CAGR = 4.7% trong giai đoạn 2021-2025, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 1.3% ngoại trừ trường hợp xảy ra các sự kiện “thiên nga đen” khác như Covid19. Do đó, công ty chứng khoán kỳ vọng về tiêu thụ xăng dầu nội địa sẽ quay trở lại xu hướng tăng trưởng từ năm 2022 trở đi khi đại dịch đang dần được kiểm soát.

Đánh về năm 2022, các chuyên gia phân tích dự báo doanh thu của BSR có thể đạt 143.713 tỷ (tăng 42%) và lãi sau thuế 10.261 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2021. Cơ sở để đưa ra dự phóng gồm giá dầu trung bình năm 2022 đạt 90 USD/thùng; hiệu suất hoạt động nhà mát đạt 108% công suất thiết kế; sản lượng tiêu thụ đạt 7.024 triệu tấn (tăng 9,4%) và giá bán sản phẩm trung bình tăng 30% nhờ diễn biến tích cực từ giá dầu thế giới.

Ngoài việc hưởng lợi ngắn hạn từ việc nhà máy Nghi Sơn hạ công suất, công ty Chứng khoán KB cũng lưu ý, giá dầu giảm mạnh sẽ khiến giá trị hàng tồn kho giảm và lợi nhuận gộp âm. Chu kỳ sản xuất của BSR là khoảng 15 ngày trong khi số ngày tồn kho là khoảng 30 ngày.

Trong Quý 1/2020, BSR đã lỗ 2,332 tỷ VNĐ do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến giá sản phẩm và nhu cầu của nhà máy lọc dầu và khiến giá dầu giảm hơn 30%. Tuy nhiên, đơn vị phân tích thấy rủi ro ít có thể xảy ra do giá dầu đã đang neo ở mức cao do gián đoạn cung – cầu dầu khí trên thế giới. Với diễn biến căng thẳng giữa Nga và Ukraine, giá dầu có thể cao hoặc thấp hơn dự báo, dẫn tới rủi ro tăng giá hoặc giảm giá mục tiêu…

Như đã đề cập, BSR có kế hoạch mở rộng và nâng cấp NMLD Dung Quất từ CSTK 6.5 triệu tấn/năm lên 8.5 triệu tấn/năm và đầu vào có thể xử lý được cả dầu thô chua thay vì chỉ dầu thô ngọt như hiện nay. Tuy nhiên, việc huy động vốn để làm dự án là một thách thức với BSR do PVN không bảo lãnh khoản vay cho dự án này của BSR.

Hà My
Theo KTDU

Từ khóa: