Dantin - Nếu bạn còn đang “nhăn nhó” vì không biết học cả cuốn vở dày cộp như thế nào thì thử vận dụng những bí quyết trên xem sao.
Dantin - Nếu bạn còn đang “nhăn nhó” vì không biết học cả cuốn vở dày cộp như thế nào thì thử vận dụng những bí quyết trên xem sao.
Viết lại
Nhiều bạn thường giữ thói quen học thuộc bằng cách “học vẹt”, mất nhiều thời gian mà lại kiến thức lại không “đọng” lại được nhiều. Một cách học thuộc hiệu quả hơn là thay vì cầm cuốn sách và đọc đi đọc lại ra rả suốt cả ngày, bạn hãy cầm bút và viết lại kiến thức cần ghi nhớ. Mỗi một lần bạn viết là một lần bạn học lại với sự tập trung cao độ. Chỉ cần vận dụng trí nhớ và viết lại kiến thức vài ba lần, đảm bảo bạn sẽ nhớ rất lâu đấy!
Vẽ lại
Có một phương pháp học thuộc rất thông minh mà lại cực kỳ hiệu quả là học bằng bản đồ tư duy. Đây là một công cụ tổ chức tư duy được tác giả Tony Buzan (Anh) nghiên cứu kỹ lưỡng và phổ biến rộng khắp thế giới.
Trong dạy và học, việc sử dụng bản đồ tư duy huy động tối đa tiềm năng của bộ não, giúp người học có thể ghi nhớ nhanh và rất lâu kiến thức. Để biến một bài học toàn chữ với chữ thành một “bản đồ tư duy” thì teen nhà ta chỉ cần chia các ý lớn thành một nhánh trong sơ đồ. Từ nhánh ý lớn này, bạn có thể vẽ ra từng nhánh nhỏ hơn. Các nhánh đều có sự liên kết với nhau, trông y hệt như chùm dây thần kinh trong não hoặc chùm... rễ cây vậy!
Để “bản đồ” tạo được ấn tượng khiến bạn nhớ lâu hơn, nên tô mỗi nhánh bằng một màu khác nhau hoặc “chèn” thêm những hình ảnh hay ho nhưng có liên quan tới nội dung.
Nghe lại
Nếu như hai phương pháp trên đòi hỏi bạn vận dụng tay và mắt thì với phương pháp này, miệng và tai của bạn phải làm việc chăm chỉ rồi! Trước hết, bạn hãy đọc lại phần kiến thức mà mình cần ghi nhớ rồi thu âm lại vào điện thoại.
Tiếp theo bạn hãy chọn một nơi thật yên tĩnh, thoải mái và ngồi nghe lại bản thu của mình. Khi đó, bạn đang có cảm giác là như mình đang nghe thầy cô giảng bài, chỉ có điều “thầy cô” chính là bạn đấy!
Một lưu ý nho nhỏ cho phương pháp này là khi đọc lại kiến thức, bạn hãy đọc một cách rành mạnh với các ý rõ ràng, hơn nữa bạn cũng phải đọc truyền cảm để có thể ngồi nghe mãi giọng mình mà...không buồn ngủ!
Tưởng tượng lại
Não chúng ta có phần não trái để tư duy logic, có định hướng và phần não phải để tư duy sáng tạo. Một phương pháp rất tốt để giúp teen có thể nhớ lâu các bài học chính là phát huy “sức mạnh” của não phải bằng việc sử dụng trí tưởng tượng sáng tạo.
Xem nào, trước kiến thức về một vấn đề nào đó, bạn hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng tới những ví dụ thiết thực có liên quan. Ví dụ như học môn Địa lý, để nhớ được địa hình của đồng bằng sông Cửu Long, hãy tưởng tượng lại hình ảnh của những cánh đồng mênh mông, phù sao màu mỡ mà (hình như) bạn đã từng thấy trong một bộ phim nào đó. Khi bạn sử dụng tối ưu trí tưởng tượng của mình thì cho dù kiến thức có xa vời hay khô khan đến thế nào cũng trở nên vô cùng gần gũi và dễ nhớ!
Nếu bạn còn đang “nhăn nhó” vì không biết học cả cuốn vở dày cộp như thế nào thì hãy thử vận dụng những bí quyết trên xem sao. Chắc chắn, bạn có thể mỉm cười hài lòng với kết quả không ngờ đấy!
Ngọc Lan