Giới thiệu nhận định của một số công ty chứng khoán về khả năng diễn biến thị trường tuần từ 9-13/1.
Giới thiệu nhận định của một số công ty chứng khoán về khả năng diễn biến thị trường tuần từ 9-13/1.
Cho đến 6/1, đồ thị tuần của VN-Index đã xuất hiện 15/17 nến đen liên tiếp - Nguồn ảnh: VNDirect.
Hạn chế tâm lý nôn nóng
(Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect)
“Thị trường vẫn di chuyển trong kênh xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu cải thiện hơn. Cho đến 6/1, đồ thị tuần của VN-Index đã xuất hiện 15/17 nến đen liên tiếp. Bên HNX, dù lực cầu có xuất hiện về cuối phiên ngày 6/1, nhưng vẫn chưa đủ mạnh mẽ để lấn át bên bán.
Lực cầu này có thể sẽ vẫn xuất hiện vào các phiên giao dịch đầu tuần tới, nhưng để khẳng định cơ hội kiếm lợi nhuận của thị trường, chúng ta vẫn cần sự tăng điểm có cao trào, đi kèm với thanh khoản tăng vọt với khoảng 35 - 40 triệu trên HNX. Nếu không, tất cả những sự tăng điểm trong biên độ hẹp vẫn chỉ được tính là sự điều chỉnh trong xu hướng giảm.
Nhà đầu tư tiếp tục kiên nhẫn, hạn chế tâm lý nôn nóng, vội vàng giải ngân. Chỉ khi thị trường hội tụ các yếu tố kể trên, rủi ro khi mua vào mới giảm bớt”.
Rủi ro khi bắt đáy vẫn cao
(Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT – FPTS)
“Tuần giao dịch đầu tiên của năm 2012 đã khép lại với đà giảm trở lại trên cả hai sàn HOSE và HNX. Mặc dù không xuất hiện thêm những thông tin xấu nhưng xu thế giảm vẫn tái diễn do nhà đầu tư trở nên mệt mỏi, bi quan với diễn biến tiêu cực kéo dài của thị trường.
Trên sàn HNX, HNX-Index tiếp tục lùi sâu về ngưỡng 55 điểm, mức giá trị thấp kỷ lục. Trong khi đó, VN-Index tiếp tục quá trình dò đáy khi phá vỡ ngưỡng 340 điểm sau phiên giao dịch 6/1 xuống còn 336,73 điểm. Nhìn chung, diễn biến trên cả hai sàn đang cho thấy tác động của xu thế giảm trung hạn lên các chỉ số và chưa có tín hiệu cho thấy khả năng của một xu thế phục hồi trở lại trong ngắn hạn.
Quan sát diễn biến thị trường, có thể thấy sức bán vẫn đè nặng lên biến động của chỉ số trong khi sức mua cầm chừng, rời rạc khiến thanh khoản lình xinh ở mức thấp. Dòng tiền bán chứng khoán trong những phiên trước đã không quay lại thị trường do tâm lý e ngại rủi ro khiến cho dòng tiền vào thị trường càng bị thu hẹp.
Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ, dòng tiền bị hạn chế và tâm lý đầu tư bất ổn như hiện nay thì đà suy giảm của thị trường vẫn chưa có tín hiệu dừng lại, xu thế dò đáy sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn.
Mặc dù hai phiên giảm mạnh liên tiếp đã góp phần nâng cao khả năng xuất hiện của nhịp hồi phục kỹ thuật trong những phiên tới nhưng nhiều khả năng nhịp phục hồi nếu có cũng sẽ khá yếu và không bền. Theo đó, rủi ro với hoạt động bắt đáy vẫn ở mức cao và nhà đầu tư không nên tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại”.
Giữ nguyên xu hướng giảm
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Woori CBV)
“Thị trường diễn biến giao dịch giằng co ở đầu tuần với thanh khoản giao dịch suy kiệt, áp lực bán đẩy mạnh ở cuối phiên khiến thị trường suy giảm một cách mạnh mẽ. Tâm lý giao dịch chán nản và ảm đạm bao trùm thị trường.
Các mã bluechip liên tục bị bán tháo, khiến chỉ số VN-Index sau một thời gian giao dịch lình xình đã chuyển sang trạng thái suy giảm mạnh. HNX-Index cũng không thoát khỏi đà giảm đã định hình trước đó với mức giảm còn mạnh hơn cả VN-Index. Tuy nhiên vẫn có những điểm sáng đi ngược thị trường như PNJ, FLC, STB, EIB…vv
Về mặt kỹ thuật xét trên đồ thị tuần, cả 2 chỉ số sau khi kết thúc tuần giao dịch tiếp tục suy giảm mạnh càng củng cố thêm cho xu hướng giảm đã được định hình trước đó. Đồng thời cũng chưa có một dấu hiệu tích cực ở khung ngắn hạn hơn, do tâm lý thận trọng cùng với việc dòng tiền ngày càng bỏ rơi thị trường. Các chỉ báo STO, MACD cũng tiếp tục giảm dần giá trị bất chấp việc đã nằm trong những ngưỡng được coi là vùng quá bán. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục giữ nguyên xu hướng giảm cho mọi khung thời gian, đồng nghĩa với việc khuyến nghị nhà đầu tư đứng ngoài thị trường”.
* Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.
Văn Nhật
Theo VnEconomy