Một mùa xuân nữa lại về mang theo những niềm tin và hy vọng mới. Và những người thầy thuốc bằng tâm huyết, tấm lòng yêu nghề vẫn nỗ lực không ngừng, đem kiến thức, kỹ năng của mình để chữa bệnh cứu người. Trên hành trình ấy, “lời thề Hippocrates” vẫn luôn ghi khắc trong tim giúp họ giữ vững niềm tin, có thêm sức mạnh tận tâm cống hiến.
Việt Nam cũng như thế giới vừa trải qua cơn “bĩ cực” bởi đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm. Kinh tế - xã hội đất nước đang trên đà phục hồi, đã khống chế, đẩy lui được dịch bệnh nhưng tổ chức y tế thế giới khuyến cáo dịch Covid-19 chưa hẳn đã chấm dứt hoàn toàn. Nguy cơ những biến thể của nó cũng như nhiều loại dịch bệnh mới có thể xuất hiện. Trong rất nhiều khó khăn, ngành y nước nhà, nhất là y đức - uy tín - danh dự - phẩm cách của những người hoạt động trong ngành y tế đang chịu tác động không nhỏ từ những vụ việc tiêu cực trong ngành được các cơ quan chức năng kết luận, xử lý.
Tuy chỉ là “một số con sâu làm rầu nồi canh” nhưng “khủng hoảng” trong đời sống y tế thời gian qua ít nhiều cũng làm xáo trộn tâm lý, tư tưởng, suy nghĩ của cán bộ, nhân viên, thầy thuốc. Những bất cập về cơ chế, chính sách trong hoạt động y tế, ứng xử chưa phù hợp của cơ quan liên quan với người lao động trong ngành trước công việc đặc thù; bởi năng lực kỹ trị của lãnh đạo còn hạn chế phần nào làm nản lòng, hoang mang những người tâm huyết tận hiến, dấn thân cho công việc cứu chữa người bệnh, nhất là trong cơn bão dịch.
Thực tiễn cung cấp cho xã hội tỏ tường thông tin toàn cảnh hoạt động y tế cả nước. Các cơ quan liên quan từ lãnh đạo đến nhân viên, cán bộ thực thi nhiệm vụ đang nỗ lực khắc phục những yếu kém tồn tại. Đã có hàng nghìn cán bộ, y tế xin nghỉ việc, chuyển nghề, song không thể lấn át được hầu hết người làm việc trong ngành y. Họ luôn động viên nhau giữ vững niềm tin cùng vượt qua cơn “khủng hoảng tạm thời” của ngành. Nhiều tấm gương sáng của ngành được truyền thông, báo chí khai thác, giới thiệu, tôn vinh, cổ vũ, ghi nhận. Hành động tận tâm hết lòng vì người bệnh đã minh chứng thuyết phục cho giá trị cốt lõi, trường tồn của nghề thầy thuốc là vì con người, cho con người “Lương y như từ mẫu”.
Sức khỏe quý hơn vàng! Khi sức khỏe “có vấn đề”, mức độ bệnh tật thế nào mọi người cũng đều mong “gặp được Thầy, được thuốc”. Không phải bỗng dưng xã hội luôn đề cao “thầy thuốc như mẹ hiền”, không chỉ tay nghề giỏi mà cần tận tâm, tận lực, y đức sáng trong. Người bệnh luôn tuyệt đối tin cậy, trao tính mạng của mình cho thầy thuốc là thế! Rất nhiều cống hiến thầm lặng của các y bác sĩ, y tá, hộ lý đang ngày đêm chăm lo khám chữa bệnh cho dân. Nhiều thành tựu y khoa kỳ diệu được đưa vào cuộc sống hàng ngày. Không ít cán bộ, nhân viên y tế xung phong nhận nhiệm vụ nơi vùng cao, xa xôi hẻo lánh, dân thưa, hạ tầng chưa phát triển, nơi biên giới hải đảo - địa bàn khó khăn cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men. Ngành y còn tham gia hoạt động quốc tế: nghiên cứu khoa học, cứu trợ nhân đạo mỗi khi có thảm họa thiên tai… Hiện thực ấy xuất hiện trên truyền thông luôn có sức lôi cuốn, lay động lòng tin của xã hội, cộng đồng với ngành y. Người nào trải qua ốm đau, tật bệnh càng thấu hiểu giá trị của thầy thuốc, những y bác sĩ, nhân viên, y tá hộ lý… đang tận hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, mang lại niềm hạnh phúc cho mọi nhà, người bệnh. Nhờ đó, sự nhìn nhận, đánh giá về nghề y - thầy thuốc công tâm, khách quan hơn.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, với những “thầy thuốc của thôn bản”, thầy thuộc của dân; y tế làng, thôn, xã ấp; cán bộ, nhân viên ngành y vẫn ngày đêm làm việc tận tâm, hết mình, làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình. Đảng, Chính phủ, bộ, ban ngành - những người có trách nhiệm đang tích cực tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách đãi ngộ, xử lý kịp thời khó khăn vướng mắc lớn, nhỏ bộc lộ trong ngành thời gian qua. Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là chỉ dấu quan trọng khi triển khai trong thực tiễn góp phần tháo gỡ bất ổn, mâu thuẫn, xung đột, khai thông điểm nghẽn trong hoạt động y tế. Nhu cầu phòng bệnh, khám, chữa bệnh của con người không thể ngưng nghỉ trong từng giây, phút. Hoạt động y tế không thể đứt gãy. Nói ít làm nhiều, những hình ảnh chân thật về cuộc sống, công việc của thầy thuốc và nhân viên ngành y luôn có sức lan tỏa xã hội mạnh mẽ. Không chỉ vì một số hạn chế, tiêu cực của một bộ phận rất nhỏ của ngành mà xã hội thay đổi cách nhìn nhận đánh giá về những người khoác trên mình tấm áo choàng sáng trắng.
Mỗi ngày, truyền thông cho chúng ta hiểu rõ hơn sự hy sinh thầm lặng, giản dị nhưng giá trị cao của các thầy thuốc, y tá, hộ lý, nhất là công việc lặng lẽ nhưng quan trọng của những người khuất sau thầy thuốc. Lãnh đạo ngành y tế sớm bằng mọi cách sốc lại tinh thần, sự tự tin, lòng tự trọng trong mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động của ngành. Nghề y đã và mãi được coi là nghề cao quý lan tỏa trong đời sống xã hội ta từ lâu qua câu nói “nhất y, nhì dược” vẫn vẹn nguyên. “Trình độ là cái Tài, Thái độ là cái Đức”, có Tài mà không có Đức là người vô dụng; có Đức mà không có Tài làm việc gì cũng khó; Có đức mặc sức mà ăn… Hãy cùng nhau làm theo lời dạy của các bậc tiền nhân thì nhất định niềm tin sẽ trở lại với ngành.
Quan tâm chăm lo của toàn xã hội với y bác sĩ, nhân viên y tế bằng cơ chế hoạt động, lương thưởng, môi trường làm việc; khen chê kịp thời, xử phạt nghiêm minh, công bằng, công khai; sớm khắc phục tình trạng lãng phí của công, chất xám, năng lực chuyên môn, làm thế nào để y tế công giữ vai trò chủ đạo, định hướng, nòng cốt, chủ lực dẫn dắt, định hướng hoạt động y tế cả nước; kiên định thực hiện mục tiêu lý tưởng “hết lòng vì người bệnh, vì cộng đồng”. Xã hội đã và mãi tin cậy vào thầy thuốc. Và ngành y cũng luôn giữ mãi niềm tin ấy bằng việc làm mỗi ngày của người thầy thuốc hay mọi người trong ngành.
Văn Hùng
Theo Kinh tế và Đồ uống