Nhằm mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ tàu cao tốc shinkansen tiến tiến ra nước ngoài, hiệp hội các doanh nghiệp chế tạo và vận hành tàu shinkansen Nhật Bản ngày 22/10 đã tổ chức cuộc hội thảo quốc tế với sự tham dự của 3.000 chuyên gia, quan chức trong và ngoài nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: vulcanpost.com)
Tại hội nghị, các chuyên gia dự báo nhu cầu về đường sắt tốc độ cao của thế giới đang gia tăng, do đó việc phổ cập hơn nữa công nghệ tàu cao tốc shinkansen của Nhật Bản sẽ tạo ra một làn gió mới kích thích nhu cầu lắp đặt và sử dụng của các nước phát triển và đang phát triển.
Về phần mình, các quan chức phụ trách phát triển công nghệ tàu cao tốc shinkansen Nhật Bản cho biết nước này đã có các kế hoạch cụ thể nhằm xuất khẩu công nghệ tàu cao tốc hiện đại, an toàn ra thế giới.
Theo đó, thị trường trọng yếu của Nhật Bản sẽ là Mỹ với nhu cầu phát triển ngành đường sắt đang gia tăng. Hiện tại, công ty vận tải đường sắt JR Tokai (Nhật Bản) đã đạt được thỏa thuận chế tạo đầu máy cao tốc shinkansen cho tuyến Washington-Boston của Mỹ.
Trong khi đó, các tuyến Dalas - Huston cũng đang được các doanh nghiệp Nhật Bản xem xét triển khai theo yêu cầu của giới chính trị gia Mỹ. Tại bang California, một doanh nghiệp kinh doanh vận tải của Nhật Bản là JR East Japan cũng đang có kế hoạch triển khai cung cấp hệ thống đường sắt cao tốc.
Ngoài thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng hướng tới châu Á như một điểm đến với nhiều khách hàng tiềm năng. Theo đó, Ấn Độ được xem là một trong những trọng điểm triển khai đường sắt cao tốc.
Hiện tại, hai nước Nhật Bản và Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận cùng phối hợp đánh giá tính khả thi và giới chức Ấn Độ bày tỏ mong muốn được sử dụng công nghệ và kỹ thuật quản lý của Nhật Bản.
Công nghệ tàu shinkansen của Nhật Bản hiện được đánh giá rất cao bởi tính an toàn. Các số liệu thống kê cho thấy trong vòng 50 năm qua, ngành kinh doanh vận tải tàu cao tốc shinkansen chưa để xảy ra bất kỳ một vụ thương vong nào.
Điều này góp phần tạo nên giá trị thương hiệu rất cao của Nhật Bản với thế giới trong công nghệ vận hành và quản lý tàu cao tốc, đồng thời tạo ra một nhu cầu rất lớn của các nước đối với công nghệ tàu cao tốc của Nhật Bản.
Vấn đề đối với Nhật Bản hiện nay là việc cạnh tranh về giá thành với các nước nhằm thu hút được nhiều đơn đặt hàng. Chi phí lắp đặt cơ sở hạ tầng tàu shinkansen của Nhật Bản cao hơn ba lần so với Trung Quốc, lại đắt hơn so với công nghệ của châu Âu. Những điều này khiến cho việc phổ cập công nghệ tàu shinkansen của Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với những nước đang phát triển.
Trước những thách thức này, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ có những kế hoạch hỗ trợ cụ thể nhằm giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, mở rộng xuất khẩu công nghệ shinkansen.
Mục tiêu cho các doanh nghiệp chế tạo và vận hành tàu shinkansen Nhật Bản là có thể cạnh tranh với Đức, Pháp, Trung Quốc và mở rộng thị trường ra các địa bàn khác như Đài Loan.
Trường Giang
theo Vietnam+