Mặc dù các đơn vị kinh doanh nhà ở tại tỉnh Đồng Nai đã chuyển đổi công năng của các căn hộ sang kinh doanh theo dạng nhà ở xã hội để mong tiêu thụ được sản phẩm, song đến nay, nhiều đơn vị vẫn chưa bán được căn hộ nào.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Nhiều dự án nhà ở xã hội khác đã và đang được xây dựng cũng buộc phải ngừng thi công do không có vốn đầu tư.
Ông Nguyễn Khắc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị Sơn An bày tỏ, hiện công ty đang xây dựng 408 căn nhà ở xã hội và theo thiết kế cao 23 tầng, nhưng vì không vay được vốn nên đến nay mới xây dựng được 3 tầng đành phải bỏ dở dang và chưa biết khi nào mới hoàn thành.
Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Luận đang đầu tư khu nhà ở xã hội tại phường Bửu Hòa với quy mô 500 căn hộ, tổng vốn đầu tư là 229 tỷ đồng. Dự án đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng, song cũng phải ngưng thi công với lý do thiếu vốn.
Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh đang còn nhiều dự án xây dựng nhà ở xã hội mới khởi công hoặc đang xây dựng đành phải ngừng lại vì không có vốn đầu tư tiếp như dự án nhà ở xã hội tại phường Bửu Hòa của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Luận; dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ở phường Tam Hòa (thành phố Biên Hòa) của Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị Sơn An; dự án nhà ở xã hội xã An Viễn (huyện Trảng Bom) của Công ty cổ phần Toàn Cầu Long Mai; dự án nhà ở xã hội tại xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Á Châu...
Hiện các doanh nghiệp trên đều đang mong chờ vào nguồn vốn vay với lãi suất từ gói 30.000 tỷ đồng của Nhà nước để tiếp tục hoàn chỉnh các dự án còn đang thi công dở.
Theo các ngân hàng thương mại tỉnh Đồng Nai, mặc dù hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở đều đề xuất cho thế chấp căn hộ trong tương lai để vay vốn, nhưng các ngân hàng đều không chấp nhận vì phương án này gặp rủi ro khá cao.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đồng Nai, cho biết nguyên nhân các doanh nghiệp có dự án xây dựng nhà ở xã hội chưa tiếp cận được nguồn vốn là do chưa đáp ứng đủ các tiêu chí như vốn đối ứng không đủ, doanh nghiệp đang có nợ xấu, năng lực thấp.
Thực tế hiện nay ở các ngân hàng đều dư vốn và phải đi tìm khách hàng cho vay, nhưng không dám “vượt rào” cho các doanh nghiệp vay đầu tư nhà ở xã hội, một phần do các dự án này không khả thi.
Cũng theo ông Tuấn, giá cho nhà ở xã hội của các doanh nghiệp đưa ra còn quá cao, dù có cho vay vốn để xây dựng xong cũng rất khó bán.
Cụ thể, giá bán nhà ở xã hội Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị Sơn An đưa ra gần 10 triệu đồng/m2, như vậy giá bán có thể lên đến 500-600 triệu đồng/căn (tùy theo diện tích). So với mặt bằng chung của thành phố Biên Hòa, mức giá này tương đối cao, rất ít người thu nhập thấp có thể mua nổi.
Lê Hiền
theo TTXVN