Được đầu tư nhiều tỷ đồng, thế nhưng sau vài năm đưa vào hoạt động, công trình Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã xuống cấp nghiêm trọng. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm.
Dù được đầu tư nhiều tỷ đồng, đến nay Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã xuống cấp nghiêm trọng.
Dự án Bệnh viện Thể thao Việt Nam được phê duyệt theo Quyết định 1392/2001 của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao với mục tiêu đầu tư xây dựng mới, đồng bộ hoàn chỉnh Bệnh viện quy mô 3 tầng, 100 giường, trong đó có 20 giường phục vụ chuyên gia, bệnh nhân cao cấp, đạt mục tiêu Bệnh viện đa khoa khu vực loại II. Dự án có tổng mức đầu tư được duyệt trên 52,2 tỉ đồng, chủ đầu tư là Viện Khoa học Thể dục Thể thao.
Qua 10 năm đưa vào sử dụng, Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ phần nền đã bị sụt, lún. Phía nền ngoài Bệnh viện đã bị lún đều, trung bình khoảng 40-50 cm; nền trong nhà đã được đơn vị thi công sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn không khắc phục được. Toàn bộ hệ thống vệ sinh, nước thải y tế, cấp nước cứu hỏa, hệ thống xử lý chất rắn không hoạt động. Phần mái của Bệnh viện từ khi đưa vào hoạt động đã xuất hiện nhiều điểm dột, khu vệ sinh thấm dột, tường nhà bị ẩm mốc; cửa kính, cửa ra vào và trần thạch cao bị hư hỏng nhiều nơi... Từ năm 2011-2013, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đầu tư cùng với một phần đầu tư của Bệnh viện nhằm khắc phục lún và mái dột tại một số điểm ở khu A, khu B và khu sảnh, đồng thời cải tạo lại phần bậc tam cấp tầng 1, nhà vệ sinh tầng 1.
Vừa mới đây, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có kết luận thanh tra Bệnh viện Thể thao Việt Nam (P.Mỹ Đình 2, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội). Theo đó, thanh tra đã phát hiện Viện Khoa học Thể dục Thể thao ký hợp đồng kinh tế với Cty Xây dựng số 15 - đơn vị không có tên trong danh sách tham gia dự thầu, không có quyết định của người có thẩm quyền là đơn vị trúng thầu. Việc Viện Khoa học Thể dục Thể thao ký hợp đồng kinh tế với Cty Xây dựng số 15 để thực hiện gói thầu cung cấp, lắp đặt các trang thiết bị y tế, kỹ thuật (thang máy, máy điều hòa không khí, hệ thống PCCC, trạm biến áp 24 KV, hệ thống thiết bị y tế, hệ thống giặt là, hệ thống báo gọi bệnh nhân, ô tô cứu thương,…) với tổng số tiền trên 14,4 tỉ đồng. Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẳng định việc này trái với các quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra Cty Xây dựng số 15 đã mua lại trang thiết bị của 11 nhà cung cấp, và đến thời điểm hiện tại, ngoài máy chụp cộng hưởng từ tương đối đầy đủ hồ sơ, phần thiết bị còn lại thiếu hồ sơ xuất xứ hàng hóa, thiếu kiểm định của hải quan Việt Nam. Hiện tại, Cty Xây dựng số 15 không có hồ sơ lưu tại Viện Khoa học Thể dục Thể thao. Hơn nữa, theo giới thiệu của Tổng Cty Vinaconex, Cty Xây dựng số 15 là đơn vị thành viên nhưng không có chức năng kinh doanh thiết bị y tế và trạm biến áp. Kết luận thanh tra khẳng định chủ đầu tư đã thiếu trách nhiệm trong khâu kiểm tra, giám sát dẫn đến những hậu quả này.
Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu Tổng cục Thể dục Thể thao đánh giá chi tiết các phần đã hư hỏng do hành vi vi phạm của các bên tham gia thi công, từ đó có căn cứ yêu cầu các đơn vị tham gia thi công khắc phục hậu quả. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý đã tham gia quá trình đầu tư, thanh quyết toán dự án và có biện pháp xử lý kỷ luật phù hợp. Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu Tổng cục Thể dục Thể thao chỉ đạo Viện Khoa học Thể dục Thể thao hoàn thiện hồ sơ, lưu trữ hồ sơ dự án theo quy định và kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Bệnh viện Thể thao Việt Nam cần lập phương án đầu tư cải tạo chống xuống cấp công trình, trình cơ quan thẩm quyền xem xét.
Vũ Chiến
theo Xây dựng