Ngày 5.8, Thường trực HĐND TP.HCM phối hợp Đài truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình “Lắng nghe và trao đổi” với chủ đề “Chăm sóc trẻ em - Những vấn đề cần quan tâm”.
Ngày 5.8, Thường trực HĐND TP.HCM phối hợp Đài truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình “Lắng nghe và trao đổi” với chủ đề “Chăm sóc trẻ em - Những vấn đề cần quan tâm”.
Mở đầu buổi đối thoại, bà Trương Thị Ánh – Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, xót xa nêu thực trạng: Hiện có khoảng 1.500 trẻ em lang thang mưu sinh và 342 trẻ em phải lao động sớm, lao động nặng nhọc ở những cơ sở tư nhân, những hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ tại TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, thông tin thêm: Có khoảng 300.000 trẻ em đến TP.HCM cùng bố mẹ hoặc tự lang thang kiếm sống. Không ít trẻ phải mưu sinh bằng những việc nặng nhọc trong những cơ sở may tư nhân hay bằng những cách như: nuốt lửa, nuốt than, ăn xin... Đặc biệt, khảo sát 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy: Có 110 cơ sở tư nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ có sử dụng lao động trẻ em. Trong đó, tập trung tại các quận, huyện: Bình Tân, Bình Chánh, Gò Vấp… Tuy nhiên, cũng theo bà Nhung, khi bà trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra thì không còn số lao động trẻ em ở trong 110 cơ sở đó.
Lao động trẻ em tại cơ sở may mặc trên địa bàn Q.Bình Tân - Ảnh: Hoài Nam
Về vụ việc nêu trên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đặt câu hỏi: “Tôi muốn biết sự phối hợp trong công tác quản lý ở những địa phương có 110 cơ sở trên trong thời gian qua như thế nào? Có điều gì cần cảnh báo không?”. Bà Tuyết Nhung giải thích: “Thực ra, vấn đề lao động trẻ em đã xảy ra nhiều năm rồi chứ không phải mới. Khi kiểm tra, chủ cơ sở nói đây là con cháu của họ từ ngoài quê vào, thành ra là không có vấn đề lao động trẻ em. Một vấn đề khác nữa là, họ viện cớ trẻ em vào đây lao động có cái giấy của cha mẹ cho phép để vừa làm vừa được học hành...”. Bà Quyết Tâm ngắt lời: “Biện pháp nào để bảo vệ quyền và nghĩa vụ trẻ em tốt hơn?”. Bà Tuyết Nhung: “Trách nhiệm giám sát ở địa bàn phải được thực hiện thường xuyên. Và khi phát hiện vi phạm, phải có xử phạt và răn đe”. Bà Quyết Tâm lên tiếng: “Vừa qua, sở đã xử phạt bao nhiêu vụ?”. Bà Tuyết Nhung: “Đã phạt hơn 30 cơ sở. Còn lý do không xử phạt 110 cơ sở trên là khi đến kiểm tra, các cơ sở đã giải tán lao động trẻ em và dùng những biện pháp để lẩn tránh các cơ quan chức năng”.
Đại diện Phòng LĐ-TB-XH huyện Bình Chánh cho biết: Trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã phát hiện, xử lý 6 vụ bóc lột sức lao động trẻ em (gồm 22 trẻ) trong những cơ sở may nhỏ lẻ. Ở đó, các em phải làm việc từ 8 - 9 giờ/ngày, thậm chí là 10 - 12 giờ/ngày trong dịp lễ, tết và vụ mùa sản xuất. Môi trường làm việc chật hẹp, nóng bức rất ảnh hưởng đến sức khỏe các em. Thu nhập mỗi em là 10 - 15 triệu đồng/năm và được chủ cơ sở trả cho cha mẹ các em 1 lần/năm. Không chỉ dùng cách đối phó quen thuộc “đây là những em, cháu của chúng tôi từ ngoài quê vào”, nhiều chủ cơ sở còn sử dụng mặt bằng thuê nên khi bị phát hiện đã nhanh chóng di chuyển đến những nơi khác.
Bên cạnh vấn đề trẻ lao động sớm, lao động nặng nhọc, nhiều đại biểu ban ngành liên quan và cử tri TP.HCM đã bày tỏ sự quan tâm về thực trạng, giải pháp khắc phục đối với việc thiếu sân chơi cho trẻ cũng như các vụ bạo hành, xâm hại trẻ đang có xu hướng gia tăng. Ông Nguyễn Văn Minh – Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận: “Đối với những vụ bạo hành gia đình cũng như xâm hại trẻ em, chúng ta làm công tác tuyên truyền rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta chỉ phát hiện vụ việc thông qua báo chí, tức là chỉ chạy sau công luận. Bởi thực tế cho thấy khi tiến hành kiểm tra giám sát, gần như chúng ta đã không phát hiện được vụ việc nào”.
Như Lịch
Theo Thanhnien