Liên tiếp đón nhận những thông tin tiêu cực khiến thị trường chứng khoán có tuần giao dịch ảm đảm. Các chỉ số chính đã có những phiên giảm mạnh và đi "lệch pha" với dự báo của các công ty chứng khoán cũng như các chuyên gia.
Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần giao dịch từ ngày 10-14/1/2022.
Sau đợt tăng quá nóng cùng những cảnh báo trên thị trường, nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng bán tháo ngay trong phiên đầu tuần ngày 10/1.
Cú lao dốc mạnh ngày đầu tuần tiếp tục được kéo dài khi thị trường liên tiếp đón nhận những thông tin tiêu cực như việc bán chui cổ phiếu FLC của Chủ tịch HĐQT Công ty Trịnh Văn Quyết và vụ đấu giá đất Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh. Hiện tượng domino đã xuất hiện kéo hàng loạt các cổ phiếu trong nhóm bất động sản và xây dựng la liệt nằm sàn.
Thống kê giao dịch trên sàn HOSE tuần qua, chỉ số VN-Index có 1 phiên tăng điểm duy nhất ngày 12/1 và 4 phiên giảm điểm. Mức cao nhất và mức thấp nhất trong tuần lần lượt tại 1.536,45 điểm và 1.464,49 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index giảm 32,46 điểm, tương ứng giảm 2,1% so với cuối tuần trước và kết thúc tuần tại mức 1.496,02 điểm.
Diễn biến sàn HOSE trong tuần qua từ 10-14/1
Ngày
|
VN-INDEX
|
Thay đổi
|
Khối lượng GD
|
Giá trị GD
|
14/1
|
1496,02
|
-0,03(0,00%)
|
785.612.566
|
22.867
|
13/1
|
1496,05
|
-14,46(-0,96%)
|
995.817.909
|
30.845
|
12/1
|
1510,51
|
+18,20(+1,22%)
|
1.130.818.649
|
35.709
|
11/1
|
1492,31
|
-11,40(-0,76%)
|
1.251.472.359
|
35.944
|
10/1
|
1503,71
|
-24,77(-1,62%)
|
1.381.115.926
|
41.813
|
Tương tự, sàn HNX có 4 phiên giảm điểm liên tiếp và 1 phiên tăng điểm duy nhất ngày cuối tuần 14/1. Mức cao nhất và thấp nhất trong tuần lần lượt tại 500,09 điểm và 451,85 điểm. Tổng cộng cả tuần, chỉ số HNX-Index giảm 26,98 điểm, tương ứng giảm 5,5% so với cuối tuần trước và kết tuần ở mức 466,86 điểm.
Diễn biến sàn HNX trong tuần qua từ 10-14/1
Ngày
|
HNX-INDEX
|
Thay đổi
|
Khối lượng GD
|
Giá trị GD
|
14/1
|
466,86
|
+6,03(+1,31%)
|
93.483.742
|
2.911
|
13/1
|
460,83
|
-12,82(-2,71%)
|
117.073.060
|
3.584
|
12/1
|
473,64
|
-7,97(-1,65%)
|
148.368.709
|
4.698
|
11/1
|
481,61
|
-1,28(-0,27%)
|
142.171.017
|
4.004
|
10/1
|
482,89
|
-10,95(-2,22%)
|
190.811.849
|
5.382
|
Thanh khoản giao dịch trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó với trung bình 37.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. Một trong những nguyên nhân chính là do tuần qua thị trường đã giao dịch 5 phiên, trong khi tuần đầu tiên của năm mới 2022 chỉ có 4 phiên.
Trong đó, trên sàn HOSE, khối lượng và tổng giá trị giao dịch đạt lần lượt đạt 5.545 triệu cổ phiếu và 167.178 tỷ đồng, tăng 34,88% về lượng và tăng 29,73% về giá trị so với tuần trước đó.
Còn trên sàn HNX, khối lượng và giá trị lần lượt đạt gần 692 triệu cổ phiếu và 20.579 tỷ đồng, tăng 29,33% về lượng và 34,13% về giá trị so với tuần trước.
Nhìn lại dự báo của các công ty chứng khoán:
CTCK MB (MBS) đã có tuần không mấy thành công khi hầu hết đều đưa ra những dự định thiếu chuẩn xác, ngoại trừ việc ghi điểm trong phiên khởi sắc ngày 12/1.
Cụ thể, trong phiên 12/1, MBS cho rằng, dù VN-Index để mất ngưỡng 1.500 điểm trong phiên trước đó, nhưng vẫn chưa ảnh hưởng đến đà tăng của chỉ số.
Còn lại, trong các phiên giảm điểm hoặc giảm mạnh ngày 10-11/1 và 13-14/1, MBS vẫn có cái nhìn khác lạc quan khi cho rằng xu hướng tăng của thị trường vẫn không bị ảnh hưởng, thậm chí khả năng tiệm cận và vượt đỉnh trở nên khả quan hơn…
Trong khi đó, CTCK KB Việt Nam (KBSV) đưa ra 2 nhận định đúng và 3 nhận định sai.
Cụ thể, với phiên giảm sâu ngày 10/1 khiến thị trường bốc hơi gần 25 điểm và lùi về sát vùng kháng cự tâm lý 1.500 điểm, KBSV lại cho rằng VN-Index có thể hướng tới vùng đích kỳ vọng quanh 1.550 điểm. Hay trong phiên giảm gần 15 điểm ngày 13/1, công ty chứng khoán này lại cho rằng, chỉ số vẫn giữ vững kênh tăng điểm và xu hướng tăng tiếp tục được bảo lưu.
Bên cạnh đó, trong phiên hồi phục duy nhất tuần qua - ngày 12/1 - lại được KBSV dự báo VN-Index rơi vào trạng thái tiêu cực với rủi ro mở rộng điều chỉnh về vùng sâu hơn.
Tuy nhiên, KBSV đã ghi điểm trong 2 phiên còn lại, với phiên 11/1 dự báo rủi ro nhịp điều chỉnh đang có phần lấn át và phiên cuối tuần 14/1 với quan điểm rằng chỉ số sẽ xác lập một nhịp đi ngang tích lũy.
CTCK BIDV (BSC) sau dự báo sai trong 2 phiên giảm điểm ngày đầu tuần 10-11/1 khi cho rằng VN-Index vẫn kỳ vọng mốc 1.550 điểm, hay nhanh chóng lấy lại cân bằng và tích lũy, đã thận trọng hơn và có những quan điểm đúng hơn về xu hướng thị trường trong các phiên tiếp theo đó ngày 12-14/1.
Cụ thể, trong phiên hồi phục ngày 12/1 giúp VN-Index lấy lại vùng giá 1.500 điểm, BSC đã dự báo thị trường sẽ hình thành điểm cân bằng mới quanh ngưỡng 1.500 điểm.
Đồng thời, trong 2 phiên cuối tuần 13-14/1, công ty chứng khoán nhận định đúng hơn với quan điểm cho rằng, thị trường sẽ tích lũy và kiểm tra quanh ngưỡng MA20.
Nhìn lại dự báo của các chuyên gia:
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) dù vẫn cảnh báo về những phiên điều chỉnh nhưng vẫn khá lạc quan về xu hướng thị trường. Cụ thể, theo ông Khanh, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới dù đà tăng có thể chậm lại đôi chút. Vẫn sẽ có những phiên điều chỉnh đan xen nhau nhưng xu hướng thị trường vẫn đang tăng trưởng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB có phần khá lạc quan khi cho rằng, nếu như dòng tiền chuyển hướng ngược lại tới nhóm cơ bản (VN30) thì thị trường nói chung chưa chắc đã giảm mà có khi lại tăng.
N.T
Theo Đầu tư Chứng khoán