Khi các nhân viên trạm thu phí thông báo không nhận tiền lẻ và mời xe qua trạm thì các tài xế phản ứng dữ dội, yêu cầu 'được trả tiền lẻ' để mua vé qua trạm BOT Biên Hòa.
Sáng 5/10, nhiều tài xế tiếp tục sử dụng tiền xu, tiền lẻ mệnh giá thấp từ 200 – 500 đồng đề trả phí qua trạm BOT tuyến tránh TP Biên Hoà (đặt tại xã Trung Hoà, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) để phản đối chủ đầu tư đặt sai vị trí và thu với mức phí quá cao.
Lần thứ 9 tài xế dùng tiền lẻ mệnh giá thấp để mua vé qua trạm BOT Biên Hoà. Ảnh: Văn Dũng
Theo ghi nhận, đúng 6h30, khoảng 10 tài xế đã điều khiển xe trên quốc lộ 1 tiến vào trạm thu phí theo cả hai hướng. Tại đây, các tài xế sử dụng tiền xu, tiền lẻ mệnh giá thấp như 200 – 500 đồng để mua vé qua trạm.
Tuy nhiên, các nhân viên trạm thu phí thông báo không nhận tiền lẻ và mời xe qua trạm thì bị các tài xế phản ứng dữ dội, yêu cầu được trả tiền để mua vé qua trạm.
Các tài xế phản ứng vì nhân viên trạm thu phí BOT Biên Hoà không nhận tiền lẻ. Ảnh: Văn Dũng
Không thuyết phục được các tài xế, nhân viên trạm BOT Biên Hoà bắt buộc phải tiếp nhận từng tờ tiền lẻ từ các tài xế. Sự cố xảy ra đúng vào giờ cao điểm buổi sáng khiến tình trạng kẹt xe kéo dài khoảng 5km trên quốc lộ 1, đoạn qua khu vực đặt trạm thu phí.
Theo các tài xế, lý do họ phản ứng với trạm thu phí BOT Biên Hoà là mức phí quá cao trong khi họ không hề đi qua tuyến đường tránh TP Biên Hoà.
Qua quan sát của chúng tôi, mặc dù các nhân viên của trạm thu phí BOT Biên Hoà khi phát hiện tài xế dùng tiền lẻ thì lập tức xé vé mời qua trạm, nhưng đối với những tài xế dùng tiền chẵn thì bị chặn lại và yêu cầu mua vé mới được qua.
Điều này khiến nhiều người dân địa phương cũng như các tài xế bức xúc vì cho rằng chủ đầu tư đang cố “tận thu”.
Những xe không dùng tiền lẻ, đều bị nhân viên trạm chặn lại yêu cầu mua vé qua trạm. Ảnh: Văn Dũng
Mặc dù sự việc khiến giao thông qua khu vực đặt trạm thu phí bị kẹt xe nghiêm trọng. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn quyết không “xả trạm” mà chỉ cho những xe nào sử dụng tiền lẻ mệnh giá thấp “được” qua trạm.
“Chúng tôi thuộc diện nào mà được ưu tiên? Các anh đã lập trạm thì cứ thu đầy đủ, sòng phẳng. Nếu các anh không nhận tiền lẻ, chúng tôi sẽ không đi”, một tài xế phản ứng.
Kẹt xe nghiêm trọng kéo dài 5km trên quốc lộ 1 đoạn qua trạm thu phí BOT Biên Hoà. Ảnh: Văn Dũng
Trước sự kiên quyết trả tiền của bác tài, nhân viên trạm buộc phải kiểm đếm tiền lẻ và giao dịch diễn ra trong thời gian gần 5 phút. Một tài xế tên Trường cũng lái ôtô 16 chỗ vào trạm và đòi thực hiện giao dịch với hình thức tương tự.
Sau khi hoàn tất việc mua vé, anh này đòi gặp người quản lý trạm để phản ánh việc thu phí cao. Cuộc trao đổi giữa anh Trường và nhân viên trạm không đi đến sự đồng thuận nên lực lượng CSGT phải đến khuyên giải, đề nghị tài xế lái xe ra khu vực trạm để cùng giải quyết.
Tuy nhiên, tài xế này vẫn không chịu cho xe di chuyển nên nhân viên trạm buộc phải hạ barie ở làn thu và điều tiết các xe phía sau qua làn khác để tránh ách tắc.
Khi tài xế trả tiền lẻ ở các làn hướng Bình Thuận – TP HCM thì số khác cũng giao dịch tiền lẻ ở làn đường ngược lại. Sự việc khiến giao thông qua khu vực trạm bị ùn ứ, ách tắc hơn 5 km.
“Chủ đầu tư thu phí đường bộ mà cho chúng tôi đi ‘đường thủy’ vì cứ mưa là ngập. Họ đặt trạm sai vị trí nên chúng tôi phản đối, yêu cầu di dời trạm về đặt ngay đầu đường tránh”, tài xế Trường nói.
Đến 8h30 cùng ngày, các tài xế vẫn tiếp tục dừng xe ngay trạm và trả tiền lẻ mua vé. Ảnh: Văn Dũng
Đến 8h30 cùng ngày, nhiều phương tiện vẫn đậu giữa trạm và không chịu di chuyển và tiếp tục dùng tiền lẻ để mua vé. Người dân địa phương tập trung về khu vực trạm thu phí để ủng hộ các tài xế. Những tràng vỗ tay vang lên mỗi khi các tài xế đối đáp với nhân viên trạm.
Đây là lần thứ 9 các tài xế trả phí bằng tiền lẻ ở trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa. Vụ việc ngày càng trở nên nghiêm trọng song cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý.
Lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai cho biết tài xế đòi giảm giá vé và UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ GTVT thực hiện vấn đề này nhưng chưa có kết quả. Lực lượng chức năng chỉ có biện pháp tuyên truyền đến tài xế để hạn chế tình trạng tương tự.
Văn Dũng
Theo ĐSPL, Vietnammoi