Làm giàu nhờ... phục vụ cõi âm
Cổ phiếu CAP của Công ty Cổ phần Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (vốn điều lệ 47,6 tỷ đồng) từng khiến thị trường chứng khoán xôn xao. Doanh nghiệp chuyên sản xuất vàng mã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, sản xuất tinh bột sắn, tinh dầu quế, bã sẵn… có giá cổ phiếu giữa năm 2016 vọt lên tới 60.000 đồng. Hiện tại giá CAP đã điều chỉnh giảm nhưng vẫn là con số mơ ước đối với nhiều đại gia: hơn 38.000 đồng/cổ phiếu.
Công ty Cổ phần Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái tiền thân là Nhà máy giấy Yên Bái được thành lập từ năm 1972. Đến năm 1994, công ty được thành lập lại và đổi tên là Công ty chế biến lâm nông sản thực phẩm Yên Bái và sang năm 2004 thì cổ phần hoá.
CAP có quy mô tài sản nhỏ (gần 120 tỷ đồng), cơ cấu tài chính đơn giản. Trong năm 2018 vừa qua, doanh thu từ vàng mã của công ty đạt 78,8 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước, doanh thu giấy đế là 120 tỷ đồng, tăng hơn 20%; doanh thu tinh bột sắn đạt 173 tỷ đồng, tăng tới 120%. Gộp cả doanh thu từ giấy đề và vàng mã (cả nội địa và xuất khẩu), mảng kinh doanh này chiếm trên 50% tổng doanh thu của công ty. Số lượng giấy đốt ra tro cho cõi âm của công ty đã đạt hơn 5.000 tấn.
Bán dây thừng cho ngư dân, lãi trăm tỷ mỗi năm
Tuy chỉ tập trung vào thị trường ngách rất nhỏ của ngành ngư cụ, Siam Brothers Việt Nam (mã chứng khoán SBV) vẫn có thể tạo ra doanh thu hơn 500 tỷ đồng vào năm 2016. Năm 2017, SBV đạt doanh thu 524 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 112 tỷ đồng, tăng lần lượt 4,1% và 4,6% so với thực hiện năm 2016.
Siam Brother là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Thái Lan, hoạt động chính là cản xuất dây, các loại ngư lưới cụ. Với 22 năm đầu tư tại thị trường Việt Nam, SBV chiếm lĩnh khoảng 40% thị phần dây phục vụ trong lĩnh vực nông ngư nghiệp và 90% đội tàu đánh bắt xa bờ đang sử dụng với thương hiệu dây thừng "Con Gà".
Mỗi năm, công ty sản xuất khoảng 6.500 – 8.000 tấn các loại sản phẩm như dây thừng, chỉ cào PE, lưới PP, sợi đơn PE, lưới bùng nhùng, lưới giữ cá, lưới nuôi trồng thủy sản... trong đó, dây thừng là sản phẩm chủ lực, chiếm khoảng hơn 90% tổng doanh thu của công ty.
Độc quyền chiếu xạ thủy sản
Bà Võ Thùy Dương (sinh năm 1991) - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú (APC) được đánh giá là là một trong những tỷ phú 9X bí ẩn trên sàn chứng khoán. Trở thành cổ đông lớn, sở hữu gần 13% cổ phần doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chiếu xạ hoa quả và thủy sản lớn nhất Việt Nam, bà Võ Thùy Dương sau đó đã dần giữ các vị trí chủ chốt của công ty này.
Tại Việt Nam, có 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chiếu xạ là Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú, Thái Sơn, Sơn Sơn và Vina Gama. Trong đó, APC và Công ty TNHH Thái Sơn hiện đang chiếm lĩnh, độc quyền trong lĩnh vực chiếu xạ thủy sản xuất khẩu.
APC được thành lập năm 2003 với vốn điều lệ hiện nay là 120 tỷ đồng. Chiếu xạ là một ngành tương đối đặc thù với rất ít doanh nghiệp được cấp phép hoạt động. Năm 2017, APC tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận với tỉ lệ lần lượt 40% và 60%, đạt 154 tỷ đồng và 66 tỷ đồng. Đây cũng là năm An Phú đạt lợi nhuận cao nhất sau 14 năm hoạt động.
Mặc dù, tổng giá trị tài sản của công ty tính đến cuối năm 2017 chỉ ở mức 301 tỷ đồng nhưng hai dự án với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng đã được đại hội đồng cổ đông thường niên của APC thông qua trong phiên họp ngày 16/3/2018.
Cụ thể, dự án đầu tư nhà máy chiếu xạ tại Bắc Ninh với mức đầu tư 693 tỷ đồng, dự kiến được thực hiện từ tháng ba năm nay và hoàn thành vào tháng 1.2020 với quy mô 100.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ chiếu xạ tại TPHCM có mức đầu tư dự kiến 1.324 tỷ đồng chưa có nhiều thông tin về cách thức cũng như thời hạn thực hiện.
Chỉ xây bể bơi, công viên nước cho các ông lớn
Chọn kinh doanh ngành hiếm trên thị trường (tổng thầu thiết bị giải trí cao cấp), mới chỉ có mặt trên thị trường hơn 7 năm, song Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ HVC (mã: HVH) đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế, lắp đặt và thi công các công trình bể bơi, công viên nước, thủy cung đại dương, sân trượt băng nghệ thuật, các loại trò chơi mạo hiểm, công nghệ xử lý nước…
HVC được thành lập năm 2010, với xuất phát điểm hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị vui chơi giải trí. Đến năm 2016, HVC mới mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh, khi gia nhập thị trường cơ điện M&E.
Tương tự ông lớn như Coteccons, HVC là tổng thầu thiết bị vui chơi giải trí cao cấp và M&E của hàng chục dự án thuộc Tập đoàn Vingroup trải dài từ Bắc vào Nam.
Báo cáo của HĐQT của HVC cho hay, trong năm 2017, công ty cung cấp thiết bị bể bơi tại Việt Nam với gần 350 bể bơi lớn nhỏ, 5 công viên nước được HVC hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư đưa vào hoạt động như Công viên nước Đại Dương – Sungroup; Casino Phú Quốc – Vingroup; Mường Thanh; Thái Bình – Công ty Tân Binh; cùng nhiều đài phun nước, bể cảnh các khu GYM Spa tại các resort, khu vui chơi…
HVC đã "lấn sân” lĩnh vực cơ điện và tham gia hạng mục M&E tại một số dự án như Vinhomes Riverside, Vinmart - Vincom Hà Tĩnh, The Harmony, Vinpearl Cửa Sót, Vinhomes Golden River, Vinhomes Imperial Hải Phòng… HVC có một hợp đồng M&E trị giá 100 tỷ đồng tại dự án Vinhomes Imperial Hải Phòng với 75% giá trị phải thực hiện trong năm 2018.
Kết thúc năm 2017, HVC đạt doanh thu 246 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 15,5 tỷ đồng, đều đạt 107% kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, HVC đó là công ty này hiện chưa phải sử dụng đòn bẩy tài chính là vay ngân hàng. Báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy, các khoản nợ chủ yếu của HVC đến từ việc khách hàng tạm ứng. Nợ xấu của công ty khá thấp, hơn 600 triệu đồng. Thậm chí, HVC còn có 46 tỷ đồng để… gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn tại 3 ngân hàng.
Công ty hiện có vốn điều lệ 200 tỷ đồng với 6 cổ đông lớn sở hữu 59,76% vốn điều lệ bao gồm 5 cá nhân và một cổ đông tổ chức là Công ty Quản lý quỹ đầu tư Chứng khoán Bản Việt (VietCapital) nắm giữ 5,88% vốn điều lệ.
Anh Mai
Theo Nhà đầu tư