Sau khi “Số đỏ” lên màn bạc, “Làm đĩ” lên sân khấu, tới đây “Trò đời” - bộ phim được khai thác từ các tác phẩm của nhà văn nổi tiếng Vũ Trọng Phụng - sẽ đến với khán giả truyền hình.
Sau khi “Số đỏ” lên màn bạc, “Làm đĩ” lên sân khấu, tới đây “Trò đời” - bộ phim được khai thác từ các tác phẩm của nhà văn nổi tiếng Vũ Trọng Phụng - sẽ đến với khán giả truyền hình. Sẽ có nhiều bất ngờ ở đây, từ những nhân vật chính như Xuân Tóc đỏ, bà Phó đoan, Typn… đến cách xử lý những tình huống “nóng” trong câu chuyện của “vua phóng sự đất Bắc”.
Một cảnh trong phim “Số đỏ”. Ảnh: T.L
Phim truyền hình có kinh phí “khủng” nhất!
Với mong muốn tạo ra một dòng phim khác với những bộ phim mang tính “thời trang” khi chủ yếu khai thác các vấn đề về tình yêu, gia đình..., Hãng phim Hội Điện ảnh đã hợp tác với Hãng phim Đài truyền hình Việt Nam (VFC) phục dựng lại những tác phẩm nổi tiếng từ văn học để mang đến một dòng phim chất lượng cho VTV. Bộ phim dài 30 tập “Trò đời” khai thác các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng được coi là dự án mang tính thử nghiệm đầu tiên với kinh phí lớn nhất từ trước đến nay của VFC.
Đây cũng là lần đầu tiên, những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng được xâu chuỗi thành một bộ phim thay vì chỉ khai thác một tác phẩm cụ thể. Dù có tới 6 tác phẩm tiêu biểu: Số đỏ, Làm đĩ, Trò đời, Ánh sáng kinh thành, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, nhưng nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã và Lê Anh Thúy đã tìm được sự đồng cảm với vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Phạm Nhuệ Giang khi quyết định chọn “Số đỏ” làm cốt truyện trung tâm.
|
Lý do chọn những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng làm “phát súng mở màn” được đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cho biết, dù tái hiện lại một thời kỳ cách chúng ta nhiều chục năm, nhưng những vấn đề được “ông vua phóng sự đất Bắc” khai thác đến hôm nay vẫn còn nóng hổi. Đó là những hệ lụy từ quê ra thành phố kiếm sống, lớp người cơ hội để tiến thân, bài học về tiếp nhận văn hóa phương Tây...
|
|
Trước đó “Số đỏ” từng được đưa lên màn ảnh, “Làm đĩ” đã được khai thác trên sân khấu kịch và có những thành công nhất định. Bên cạnh đó, những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã trở nên quen thuộc với công chúng. Nay đưa lên truyền hình, đó cũng là một sức ép không nhỏ với ê kíp làm phim. Tuy nhiên, với đạo diễn Phạm Nhuệ Giang thì đó là “sức ép tốt để những người làm phim có trách nhiệm hơn với tác phẩm”. Chính vì vậy, ngay từ khi nhận dự án này, bà đã trăn trở và cẩn trọng trong từng chi tiết: lựa chọn nhân vật, phục trang, bối cảnh, chỉnh sửa kịch bản để phù hợp hơn với số đông khán giả.
Chỉ riêng nhân vật Xuân Tóc đỏ đã được bà lựa chọn từ 10 diễn viên khác nhau, trong đó có cả những diễn viên tên tuổi của phía Nam. Nhưng cuối cùng, đạo diễn này lại giao cho một diễn viên mới tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Lý giải về sự táo bạo này, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cho biết: “Tôi được giới thiệu nhiều diễn viên, hoặc là nổi tiếng, hoặc đẹp trai. Nhưng Xuân Tóc đỏ là nhân vật trung tâm và xuyên suốt từ khi còn trẻ cho đến khi trưởng thành nên những diễn viên đã nổi tiếng (thường không còn trẻ) không phù hợp với vai diễn này. Dĩ nhiên, là một nhân vật có sức hút với phụ nữ, anh ta phải có vẻ ngoài đẹp trai. Nhưng vẻ đẹp trai của Xuân Tóc đỏ không phải là người có cuộc sống êm ái mà là một người từ đáy xã hội đi lên. Ở anh ta có sự pha trộn của vẻ láu lỉnh, khôn vặt nhưng vẫn phải toát lên được tính bi và hài. Khuôn mặt của nhân vật phải có được nét đó. Cách diễn cũng phải biểu hiện được nhiều cảm xúc, lúc nịnh nọt, lúc dọa nạt, lúc ma mãnh... Đấy cũng là thử thách của diễn viên Việt Bắc nhưng tôi nghĩ anh đã làm tròn vai”.
Đối mặt với quá nhiều cảnh… “nhạy cảm”!
Là tác giả xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán những năm 1930-1945 thế kỷ trước, không chỉ mạnh tay phê phán các thói hư tật xấu của xã hội lúc bấy giờ, ngay cả vấn đề được né tránh nhiều là các pha “giường chiếu” cũng được Vũ Trọng Phụng miêu tả khá bạo tay.
Ngoài ra, cách dùng từ của Vũ Trọng Phụng cũng rất “gợi”, gắn với bản chất của từng nhân vật như: “mặc áo nửa ngực”, “quần 1 phút” (là cái quần cởi rất nhanh chứ không phải cởi lâu như váy chằng váy đụp), “quần lấp lửng”, “trang phục ngây thơ”... Đây là điều rất khó khi chuyển thể lên kịch bản. Dù đã tiết chế đi nhiều nhưng khi tiếp cận, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang vẫn phải lược đi lần nữa. “Số đỏ” từng được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng cách đây 20 năm với rất nhiều cảnh “nóng”. Nhưng đây là tác phẩm truyền hình, đối tượng khán giả rất rộng nên chúng tôi không dám đặc tả những cảnh táo bạo trên giường. Thay vào đó, các cảnh quay chỉ mang tính “gợi” để khán giả tưởng tượng sau màn hình”, nữ đạo diễn chia sẻ.
Nhưng khó khăn thực sự với đoàn làm phim chưa dừng lại ở đó. Việc tái hiện và phục dựng bối cảnh của thời kỳ này mới là câu chuyện nan giải. Là người có nhiều kinh nghiệm làm phim, vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang đã phải vận dụng nhiều thủ thuật của điện ảnh để đưa vào phim truyền hình nhằm tạo ra hiệu ứng đẹp mắt về hình ảnh.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cũng tin tưởng rằng, với sự chăm chút về góc quay, lựa chọn bối cảnh, bên cạnh cái nhìn phê phán, bộ phim còn khoe được nhiều vẻ đẹp mang tính thẩm mỹ của văn hóa Việt Nam thời kỳ này. Ngoài ra, với việc huy động được dàn diễn viên tên tuổi của phía Bắc như NSƯT Quốc Anh (ông cố Hồng), NSƯT Minh Hằng (bà Phó Đoan), diễn viên hài Chiến Thắng (Văn Minh), Quang Thắng (Typn)... bộ phim dài tập “Trò đời” (lên sóng vào tháng 10, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng) sẽ mở ra cái nhìn khả quan cho những tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng Ngô Tất Tố, Thạch Lam, Kim Lân, Nguyên Hồng... lần lượt được đến với khán giả.
“Bộ phim tái hiện một bức tranh sinh động về xã hội Việt Nam thời kỳ trước năm 1945 với đầy đủ các tầng lớp trong xã hội. Đó là tầng lớp nghèo khổ sống trong một hoàn cảnh rất khắc nghiệt, tầng lớp me Tây (sống bằng nghề lấy Tây để kiếm tiền), tầng lớp nhà giàu ở Hà Nội nhưng không có chọn lọc, lạm dụng văn hóa phương Tây. Với cái nhìn chế giễu, hài hước nhưng người xem sẽ cảm nhận được bi kịch về sự tha hóa của một lớp người sống trong một xã hội nhiều biến động lúc bấy giờ”.
(Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang)
|
Thanh Hà
theo GĐ&XH