Nghe rất lạ, nhưng đó chính là những giá trị vô giá ngay bên cạnh mà có thể bạn không để ý đấy!
Nghe rất lạ, nhưng đó chính là những giá trị vô giá ngay bên cạnh mà có thể bạn không để ý đấy!
Là những vết gồ ghề trên bàn tay ông nội. Ông nói đó là những huân chương của riêng ông. Của một thời cầm cuốc cấy cày và một thời cầm súng chiến đấu. Không phải ai cũng có được những huân chương như thế. Nó là niềm tự hào của ông và của những người cùng thế hệ với ông.
Là những gạch ngang sần sần chạy trên tay bố. Đôi tay luôn giữ chắc chiếc vô lăng, với những chuyến xe xuôi ngược, với những con người lạ quen. Bố nói đó là thành tích của bố, là ký ức, là dấu ấn mà bố sẽ không bao giờ quên.
Là đôi bàn tay của mẹ thô ráp vì cầm chổi, vì cầm xô xách nước… Mỗi hoạt động lao động của mẹ theo năm tháng đều để lại những vết chai trên đôi tay.
Đôi bàn tay mẹ vất vả lo toan cho cả gia đình
Hồi bé, khi chưa hiểu chuyện con từng chê tay mẹ thô ráp mà không hề biết đó là biết bao nhọc nhằn, vất vả. Con đã không hiểu cho những gì mẹ làm, chưa biết trân trọng những gì mẹ đã hi sinh cho chúng con, phải không mẹ?
Đó còn có thể là….
Những vết nhăn trên trán thầy cô vì những đêm thức soạn giáo án hay chấm bài cho học trò.
Những cục thịt thừa nho nhỏ trên ngón tay của các bác sĩ, vì cầm kéo, vì cầm dao mổ.
Mười đầu ngón tay, nơi thịt dày hơn cả trên đôi bàn tay của những nhà báo, của những người ham mê viết vì đâu chứ? Vì gõ máy tính, vì cầm bút…
Nếu bạn để ý, thì sẽ nhận thấy vô số những tấm huy chương quanh mình
Trong cuộc sống còn vô số những vết chai tương tự như thế. Những vết chai được “bồi đắp” theo năm tháng, theo những đặc tính nghề nghiệp hay công việc. Đáng trân trọng và tự hào lắm chứ, bởi chúng là hiện thân của lao động, của những cố gắng không ngưng nghỉ của chính bản thân mỗi người.
Bạn đã có chiếc huy chương nào như thế chưa?
Gia Bình