Những ngày tháng sinh thời, Sơn luôn coi “dì Ba” - nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Bích Hạnh như mẹ, bởi bà tuy không có công sinh thành nhưng có công dưỡng dục. Trước tình cảm thắm thiết ấy, sự ra đi của Sơn đã để lại một nỗi đau không thể nào xoa dịu được đối với người mẹ thứ hai này.
Những ngày tháng sinh thời, Sơn luôn coi “dì Ba” - nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Bích Hạnh như mẹ, bởi bà tuy không có công sinh thành nhưng có công dưỡng dục. Trước tình cảm thắm thiết ấy, sự ra đi của Sơn đã để lại một nỗi đau không thể nào xoa dịu được đối với người mẹ thứ hai này.
Nghệ sĩ Kim Hạnh bên di hài Nhật Sơn. Ảnh: T.G
Nghệ sĩ Bích Hạnh cho biết, chị gái mình (Nghệ sĩ cải lương Kiều My – PV) sinh Sơn xong không lâu thì đột ngột qua đời. Thương các cháu sống cảnh thiếu thốn tình cảm, bà dang tay đón nhận cả Sơn và chị gái anh về chăm nuôi. Đối với nghệ sĩ Bích Hạnh, Sơn là một đứa cháu ngoan hiền, làm gì cũng biết trước biết sau. Từ bé, cả nhà ai cũng biết về giới tính thật sự của Sơn nên thường xuyên động viên, chia sẻ. Đến năm 20 tuổi, thấy cháu có tình yêu với một người ngoại quốc và xin dọn ra ngoài sống, bà cũng hết lòng ủng hộ.
Bà Hạnh chia sẻ với người viết: “Từ ngày sống chung với ông Win, Sơn nó cũng hay về đây lắm. Mỗi lần về, cháu còn dẫn theo người đàn ông này. Tuy tuổi tác của hai người chênh lệch nhau rất lớn, nhưng Sơn vẫn hay tâm sự với tôi, rằng nó thấy hạnh phúc thực sự khi ở bên Win”. Thấy đứa cháu mà mình xem như con tìm được người thương yêu thật lòng, mặc cho người đời dị nghị, bà Bích Hạnh cũng xem đó là nguồn động viên, an ủi.
Thế nhưng, đến cuộc tình thứ hai của Sơn với Hà Hồng Đạt, bà Hạnh phải chứng kiến cảnh cháu buồn nhiều hơn vui. Từ ngày quen Đạt, mỗi lúc có chuyện giận hờn, Sơn thường tìm đến bà chia sẻ. Nghệ sĩ Bích Hạnh đắng lòng tâm sự: “Chị gái đi lấy chồng xa, nên có chuyện gì, nó cũng thủ thỉ với tôi như hai người bạn. Nhiều đêm, nó cứ hỏi tôi: “Đạt là người thế nào dì Ba, con ở với anh Đạt có được không (?)”. Hiểu rõ tính tình của Sơn hơn ai hết, dù ngoan ngoãn là thế nhưng lại rất ương ngạnh, nên mỗi lần khuyên nhủ tôi chỉ bảo cháu hãy làm theo những gì lí trí mách bảo mà thôi”.
Từ ngày Sơn về sống chung với Hà Hồng Đạt, cuộc sống hạnh phúc chỉ kéo dài được hơn một năm. Sau khi Đạt đi làm cho một quán ăn chay của Nhật, không có thời gian để “giám sát” người tình, hai người liên tiếp xảy ra mâu thuẫn. Những lần như thế, Sơn đều tâm sự với dì Ba. “Khi nghe Sơn tâm sự Đạt là người hay ghen, tôi cũng khuyên cháu “thương nhau chín bỏ làm mười”. Nhưng tôi đâu ngờ …”, câu chuyện bị bỏ lửng bởi những dòng nước mắt chua xót lăn dài trên má của người dì.
Sau khi nhận được hung tin, bà như gục ngã khi tìm đến bệnh viện nhìn mặt đứa cháu lần cuối. Bà chua xót kể: “Khi tới nơi, tôi không dám tin người đang nằm sau tấm vải trắng là thằng Sơn. Nó ra đi mà như đang nằm ngủ, chỉ có bộ quần áo là bê bết máu. Lúc đó, tôi như chết lặng, chính Đạt chạy lại ôm tôi rồi quỳ xuống nói lời xin lỗi, luôn miệng kêu chỉ muốn chết. Đời thằng Sơn khổ quá, sinh ra đã thiếu thốn tình cha, tình mẹ, lớn lên lại lận đận tình duyên rồi lại đến cái chết cũng ai oán. Chẳng dám tin nó đã mất, mà chỉ dám an ủi bản thân, tôi cứ nghĩ nó chỉ đi đâu xa…”.
Lê Thoa
theo GĐ&XH