Sự kiện hot
11 năm trước

Những dấu hiệu khởi sắc của bất động sản tại Hà Nội

Sau một đợt suy thoái kéo dài, giá giảm mạnh và mất tính thanh khoản, thị trường bất động sản tại Hà Nội hiện đang có những dấu hiệu khởi sắc với lượng giao dịch tăng.

Sau một đợt suy thoái kéo dài, giá giảm mạnh và mất tính thanh khoản, thị trường bất động sản tại Hà Nội hiện đang có những dấu hiệu khởi sắc với lượng giao dịch tăng.

Những dự án có giá trị thực, hồ sơ pháp lý rõ ràng, hạ tầng hoàn thiện, giá bán hợp lý đang dần lấy được niềm tin của khách hàng, nhất là những người có nhu cầu ở thực.


(Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN).

Giảm giá 30-50%, đất nền dần hồi phục

Qua khảo sát tại các Văn phòng giao dịch bất động sản, mặc dù lượng người mua chưa tăng nhiều nhưng phân khúc đất thổ cư, đất nền và nhà xây thô tại các dự án đang được khách hàng quan tâm. Tiêu biểu cho sự khởi sắc phải kể đến dự án Nam An Khánh do SUDICO làm chủ đầu tư. Qua hai đợt mở bán vào tháng Ba và tháng Sáu năm nay, dự án đã bán được gần 100 căn biệt thự, nhà liền kề với giá bán thấp hơn rất nhiều so với năm 2012, trung bình khoảng 18,5 triệu đồng/m2.

Tại khu vực phía Tây có một số khu đô thị mới đang có giá bán khá hấp dẫn như An Hưng liền kề dưới 50 triệu đồng/m2, biệt thự khoảng 40 triệu đồng/m2; Văn Phú 40-42 triệu đồng/m2, khu Bắc 32 khoảng 35 đồng/m2, Tân Tây Đô trên 30 đồng/m2…

Còn tại khu vực An Khánh-An Thượng, huyện Hoài Đức, giá đất thổ cư đang ở mức 10-17 triệu đồng/m2 (trước đây “đỉnh điểm” lên tới 30-35 triệu đồng/m2); khu vực huyện Đan Phượng, đất thổ cư có thời kỳ giao dịch từ 60-70 triệu đồng/m2, nay giảm khoảng 30 triệu đồng/m2. Hay tại huyện Gia Lâm và quận Long Biên mức giá đang dao động từ 15-30 triệu đồng/m2, giảm khoảng 50% so với cách đây hơn một năm. Tại khu vực huyện Thanh Trì, đất thổ cư, có sổ đỏ giá trên dưới 1 tỷ đồng (30-50m2) đã có khá nhiều giao dịch thành công…

Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, thời gian qua, giá bất động sản tại Hà Nội đã giảm sâu tới 30-50%, một mức giảm hiếm thấy từ trước đến nay. Lãnh đạo một Công ty kinh doanh nhà ở trên địa bàn thành phố dẫn chứng: nếu áp theo biểu giá tính thuế của quận Hà Đông, tiền sử dụng đất kinh doanh trên trục đường Lê Văn Lương đã có dự án được xác định là 40 triệu đồng/m2 (mức giá trên bao gồm tiền đền bù giải phóng mặt bằng và các chi phí khác). Nếu bán ở mức giá 50 triệu đồng, chủ đầu tư mới có cơ hội hòa vốn, trong khi giao dịch trên thị trường tự do hiện cũng chỉ ở mức dưới 50 triệu đồng/m2. Tương tự, chung cư tại khu vực này giá đang tính thuế là 16 triệu đồng/m2 kinh doanh. Theo tính toán, giá thành xây dựng chung cư chưa bao gồm tiền đất đã ở 17 triệu đồng/m2, nếu bán ở mức giá này thì chủ đầu tư lỗ vốn.

Đại diện Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, cùng với hàng loạt chính sách khuyến mãi của chủ đầu tư và các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thị trường nhà đất trên địa bàn Hà Nội đã có dấu hiệu khởi sắc vì giá đã xuống rất thấp và những người có tiền đã bắt đầu quay lại để mua.

Chung cư thương mại giá rẻ “bung” hàng

Hầu hết các dự án nhà ở thương mại mở bán trong thời gian gần đây đều xung quanh ngưỡng 15 triệu đồng/m2. Các dự án này hấp dẫn người mua không chỉ bởi các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ tín dụng mà còn do vị trí giao thông thuận tiện, gần trung tâm và đã hoàn thiện xây thô, có thể bàn giao sớm như dự án Sail Towers, HUD3 Towers, CT2 Tân Tây Đô…

Mới đây nhất, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (Doanh nghiệp Mường Thanh) đã mở bán khoảng 1.000 căn hộ CT12 thuộc khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai), với mức giá chào bán từ 10-14,5 triệu đồng/m2, diện tích 45-70m2. Việc chủ đầu tư "bung" ra các căn hộ trung bình 500 triệu đồng/căn trong khi phân khúc chung cư thương mại đang trầm lắng đã trở thành điểm nóng khi lượng người đến mua khá lớn, tạo ra sự chênh lệch về giá ngay khi vừa ra hàng, nhất là các căn hộ ở vị trí đẹp.

Ông Nguyễn Văn Đa, Phó Tổng Giám đốc Vinaconex Xuân Mai, chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông) cho biết đất nền khu vực quận Hà Đông và các vùng lân cận hiện khá rẻ, bên cạnh đó, các dự án chung cư thương mại cũng liên tục giảm giá khiến khách hàng mua nhà ở xã hội phải cân nhắc, tính toán. Điều này ảnh hưởng đến tính thanh khoản của loại hình nhà ở xã hội và đây cũng là nguyên nhân khiến khách hàng của Kiến Hưng trả lại nhà thu nhập thấp trong thời gian vừa qua.

Có chính sách hỗ trợ hợp lý cho người mua nhà ở xã hội

Tính đến hết tháng Sáu vừa qua, lượng tồn kho căn hộ tại thị trường Hà Nội vẫn còn khoảng 4.000 căn. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, đồng thời cơ cấu lại diện tích và giá thành sản phẩm để phù hợp với nhu cầu, đặc biệt là để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Ông Lê Quốc Trung, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển nhà Hà Nội số 5 (Handico5) phân tích: thực tế, không phải người có thu nhập thấp nào cũng chấp nhận mua nhà giá rẻ, rồi hàng ngày phải đi 15-20km đi làm cộng với nhiều chi phí phát sinh khác. “Do vậy, phát triển nhà ở xã hội cần có quy hoạch cụ thể, xác định vị trí để làm sao người dân không bị “đẩy” đi cự ly quá xa so với chỗ làm; đồng thời phải đảm bảo cơ sở hạ tầng, có chính sách khuyến khích hỗ trợ hợp lý thì người dân mới mua,” ông Trung nói.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội Phạm Cao Nguyên cho rằng, thành phố Hà Nội cần quan tâm hơn nữa tới gói nhà ở cho thuê. Đây là mô hình nhà ở rất phổ biến và thực tế mang lại hiệu quả xã hội lớn tại nhiều quốc gia phát triển. Bên cạnh đó, các thiết kế nhà ở thu nhập thấp cần đa dạng hơn về mẫu mã, diện tích nhằm đáp ứng sự di chuyển về nơi ở theo sự thay đổi về thu nhập của người lao động.

Theo các kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch, nhà ở thu nhập thấp hiện chưa hấp dẫn người mua ngoài các lý do hạn chế về khoảng cách tới trung tâm, dịch vụ công ích và cơ sở hạ tầng, việc có thể sở hữu một căn hộ trên 500 triệu đồng (mức giá 10-12 triệu đồng/m2) vẫn vượt khả năng tài chính của phần đông người lao động có thu nhập còn hạn chế.

Để đạt được mục tiêu 18 triệu m2 nhà ở thu nhập thấp trong 6 năm tới, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cùng với các chính sách hỗ trợ cho người mua, phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm, đặc biệt là hệ thống giao thông và dịch vụ công ích, Hà Nội cần chú trọng vào nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc xây dựng các công trình nhà ở nhằm hạ giá thành, nới rộng khả năng tiếp cận dịch vụ nhà ở của người lao động.

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Nhung-dau-hieu-khoi-sac-cua-bat-dong-san-tai-Ha-Noi/20139/217591.vnplus

Minh Nghĩa
theo TTXVN

Từ khóa: