Cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng ra sao trong 9 tháng đầu năm?
Năm 2018, cổ phiếu ngân hàng được nhắc đến khá nhiều trong những bản tin tài chính chứng khoán, nhiều thời điểm cổ phiếu ngân hàng được nhận định là nhóm dẫn dắt thị trường khi có nhiều mã vốn hóa cao nhất với các bluechips đóng vai trò trụ đỡ thị trường.
Khảo sát số liệu của các ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn (HOSE, HNX), giao dịch trên UPCoM có thể nhận thấy giá cổ phiếu ngân hàng trong 9 tháng đầu năm có biến động trái chiều.
Hiện có 10 cổ phiếu niêm yết trên HOSE (VCB, CTG, BID, MBB, HDB, TPB, EIB, STB, SHB, TPB), 3 cổ phiếu niêm yết trên HNX (SHB, ACB, NVB) và 3 cổ phiếu giao dịch trên UPCoM (KLB, LPB và BAB). Trong năm 2018, có ba cổ phiếu mới niêm yết gồm HDB của HDBank, TPB của TPBank và TCB của Techcombank.
|
Nguồn: Vietstock Finance, Diệp Bình tổng hợp
(*) Mức giá được lấy tại ngày đầu niêm yết
|
Có 10/16 cổ phiếu ngân hàng tăng điểm từ đầu năm đến cuối tháng 9, hai cổ phiếu đứng giá và 4 cổ phiếu giảm giá (bảng trên). Nhóm giảm giá gồm LPB, TCB, TPB, BAB với mức giảm nhiều nhất là gần 20% giá trị.
Những đợt "sóng lớn"
Trung bình, tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng là 3,6%, một mức biến động không quá lớn khi xét trong chặng đường dài 9 tháng. Tuy nhiên nếu cắt ngắn từng đoạn có thể nhận thấy cổ phiếu ngân hàng cũng nhiều đợt tạo "sóng lớn".
|
Nguồn: VietstockFinance, Diệp Bình tổng hợp |
Ba tháng đầu năm, cổ phiếu ngân hàng có giai đoạn bùng nổ với nhiều mã chạm đỉnh kể từ khi niêm yết, nổi bật nhất là BID, VCB và CTG. Đây cũng là quãng thời gian VN-Index xác lập đỉnh cao nhất trong lịch sử, vượt mốc 1.200 điểm trong phiên 9/4.
Gần đây nhất, đợt sóng tăng bắt đầu từ đầu tháng 7 sau khi tạo đáy tại thời điểm ngày 5/7 với hầu hết cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh. Mức tăng trưởng giá cổ phiếu từ trên 20% đến hơn 60%.
BID là cổ phiếu tăng mạnh nhất tới 63% (tính từ 5/7 đến 28/9). Các cổ phiếu có thị giá tăng trên 30% có thể kể đến như STB (39,2%); CTG (34,6%); ACB (31,2%) và NVB (31,4%).
Việc "bắt đáy" của nhóm cổ phiếu ngân hàng có vẻ là tín hiệu cho sự tạo đáy của VN-Index sau đó vài ngày (11/7) với điểm thấp nhất kể từ đầu năm (893,16 điểm). Tại ngày giao dịch cuối của tháng 9 (28/9), VN-Index tạo đỉnh của 3 tháng tại 1.017,13 điểm; tăng 13,9% so với mức đáy.
|
Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng mạnh từ đầu tháng 7 (Nguồn: VNDIRECT). |
Triển vọng nào cho cổ phiếu ngân hàng trong cuối năm 2018
Cổ phiếu ngân hàng vẫn có những điểm sáng trong những tháng cuối năm với kỳ vọng tăng trưởng cao từ các khoản thu nhập ngoài lãi, tăng trưởng tỷ lệ lợi nhuận cận biên (NIM) và kỳ vọng nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán khi Việt Nam lọt nhóm thị trường mới nổi.
Tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đầy ấn tượng trong 6 tháng đầu năm với bình quân khoảng 53% so với cùng kỳ, theo khảo sát từ 23 ngân hàng công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, việc khoá room tín dụng của các ngân hàng trong năm 2018 dấy lên nghi vấn về khả năng đạt được lợi nhuận kế hoạch của các ngân hàng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giữ nguyên room tín dụng của các ngân hàng đã được phân bổ từ đầu năm, trừ ngân hàng tham gia tái cơ cấu. Trong khi tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng đã chạm sát đến room này, việc khoá room sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.
Công bố tăng trưởng GDP quý III mới đây với mức cao kỷ lục cho thấy chính sách này của NHNN có vẻ đã không mấy ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Nhiều khả năng NHNN sẽ tự tin duy trì chính sách ít nhất là cho đến cuối năm.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng thấp hơn kế hoạch đề ra sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, tuy nhiên không quá nhiều. Bởi tỷ lệ NIM và thu nhập ngoài lãi đang tăng lên. Trong khi đó, chi phí dự phòng trích lập tăng chậm lại, nguồn thu bất thường từ bán tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu, bán các khoản đầu tư.
HSC duy trì dự báo lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng 45,2% trong năm 2018.
Mặt khác, mới đây ngày 27/9, tổ chức FTSE Russell công bố báo cáo phân loại thị trường thường niên. Trong đó, Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường chứng khoán mới nổi cùng với Tanzania và Agrentina.
Nhiều chuyên gia chứng khoán nhận định đây là tin tốt mang tính trọng điểm đối với thị trường chứng khoán Việt Nam bởi vì các cơ quan hữu quan và nhà đầu tư kì vọng nâng hạng thị trường rất nhiều năm. Đó cũng là sự xác nhận cho những cải cách rõ rệt của thị trường trong thời gian vừa qua.
Nhiều công ty chứng khoán nhận định, nếu Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thì dòng vốn đổ về thị trường sẽ rất lớn. Theo ước tính của CTCP Chứng khoán MB (MBS) khoảng 184 - 555 triệu USD và có thể lên đến 677 triệu USD theo CTCP Chứng khoán BIDV (BSC).
Diệp Bình
Theo Kinh tế & Tiêu dùng