Hình ảnh những tên cướp ngân hàng với khuôn mặt dữ tợn, tay lăm lăm khẩu súng đã dần dần đi vào dĩ vãng.
Thay vào đó, ngày hôm nay, các ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro trên toàn hệ thống dẫn đến các thiệt hại rất lớn về tiền bạc và uy tín của tổ chức chỉ vì tội phạm lừa đảo, tội phạm công nghệ cao.
Với xu hướng hội nhập và phát triển của đất nước, ngành ngân hàng Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Với việc không ngừng mở rộng hoạt động, đặc biệt trong kỷ nguyên số hóa, các dịch vụ ngân hàng điện tử sử dụng công nghệ mới để cạnh tranh cũng đồng nghĩa với việc tăng tính rủi ro và nguy cơ mất an toàn ở mức cao hơn.
Đặc biệt, các đối tượng phạm tội này không chỉ giới hạn ở trong nước hay vùng lãnh thổ cụ thể mà còn có sự tham gia của nhiều đối tượng người nước ngoài trà trộn và tiến hành các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên lãnh thổ Việt Nam.
Thực tế cho thấy, công tác quản lý hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đang thực sự gặp rất nhiều vấn đề, do vậy dẫn đến tỉ lệ nợ xấu tăng cao, làm mất đi khả năng thanh khoản cho nhiều ngân hàng.
Các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của ngân hàng và người dân
Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, việc móc túi ngân hàng và người dân giờ đây không phải là việc quá khó khăn.
Bằng nhiều chiêu thức, thủ đoạn phạm pháp mới, tội phạm ngân hàng hoạt động ngày càng công khai, táo tợn và có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Trong đó, những phương thức phổ biến hiện nay thường được giới tội phạm sử dụng là:
Thứ nhất, là các trường hợp gian dối về tài sản thế chấp, có rất nhiều trường hợp tài sản đã đem thế chấp ngân hàng rồi, nhưng chủ tài sản vẫn ngang nhiên đem bán cho người khác mà không trả tiền ngân hàng. Đây là những trường hợp điển hình nhất là khi những người kinh doanh liên tiếp gặp thua lỗ dẫn đến mất vốn nên tìm cách giả mạo giấy tờ lừa đảo. Trước đây, nhiều thương nhân người là Việt Kiều thế chấp tài sản vay tiền ngân hàng để làm ăn buôn bán. Khi thất bát, họ tạo ra các loại giấy tờ giả khác vay ngân hàng tới hàng trăm tỷ đồng, rồi mất khả năng thanh toán.
Thứ hai, là những kẻ chủ tâm lừa đảo ngân hàng, chúng có quá trình chuẩn bị nhằm tẩy xóa tài liệu... lợi dụng lòng tin một số cán bộ ngân hàng để chiếm đoạt khoản vay hơn nhiều tỷ đồng, rồi bỏ trốn.
Thứ ba, là những người thành lập nhiều công ty ma rồi lập hợp đồng mua bán hàng hóa giả, sau đó thông đồng cùng cán bộ ngân hàng vay vốn, chiếm đoạt tiền.
Thứ tư, là việc một số đối tác nước ngoài lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các doanh nghiệp là người Việt trong khi thực hiện hợp đồng mua bán, bỏ trốn về nước khiến không ít các doanh nghiệp lâm vào tình cảnh bi đát, khóc ròng do mất vốn, không có khả năng thanh toán khoản nợ trước đây với ngân hàng.
Cuối cùng, những thiết bị công nghệ cao thường được sử dụng để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng phổ biến dưới các hình thức như, đột nhập vào hệ thống máy tính để đánh cắp dữ liệu, thông tin của các khách hàng, từ đó làm thẻ tín dụng giả để rút tiền và chuyển tiền bất hợp pháp; lắp đặt các thiết bị tại các cây ATM để sao chép, trộm cắp dữ liệu, thông tin của thẻ, sau đó làm giả thẻ tín dụng để rút tiền.
Cần có một chế tài đủ mạnh
Cần có chế tài đủ mạnh để chế áp mọi loại tội phạm (Ảnh: TBTCO)
Sự bùng nổ về công nghệ thông tin và những ứng dụng rộng rãi của nó trong tất cả các lĩnh vực của đời sống - xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh, đối ngoại, quốc phòng khiến tình hình hoạt động của tội phạm công nghệ cao, tội phạm ngân hàng sẽ diễn biến phức tạp, khó lường hơn trong thời gian tới.
Do vậy, tất cả những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội cần phải bị trừng trị bằng các hình luật, với các chế tài xử lý nghiêm khắc, nghiêm minh, đủ để trấn áp, răn đe và phòng ngừa tất cả các loại tội phạm. Qua đó, Việt Nam cần bổ sung, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật sao cho phù hợp, tương thích với hoàn cảnh mới.
Giải pháp phải từ chính ngân hàng
Nhiều cán bộ ngân hàng đang tiếp tay cho hoạt động phạm pháp.
Có thể nói, những vụ lừa đảo, thất thoát tài sản liên quan tới các ngân hàng, đều có sự liên quan trực tiếp hay gián tiếp của các nhân viên ngân hàng gây tổn hại rất lớn tới uy tín của tổ chức và thất thoát một số tiền không nhỏ không dễ gì để thu hồi được.
Trong thời kỳ ngân hàng tăng trưởng nóng như hiện nay, các ngân hàng phát triển mạng lưới giao dịch rộng rãi ra khắp nơi đòi hỏi phải tuyển dụng rất lớn nguồn nhân lực để bù đắp thiếu hụt. Trong khi, nhiều nhân viên ngân hàng lại không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp, trọng trách công việc được giao.
Tuy nhiên, điều cốt yếu vẫn phải là tăng cường công tác quản trị để bịt lỗ hổng dẫn tới sự sai phạm cả từ trong và ngoài ngân hàng.
Phan Tuấn
theo Xây dựng