Phân khúc được quan tâm nhất vẫn sẽ là căn hộ giá trung bình, trung bình khá, phù hợp tài chính của phần lớn người lao động. Đây cũng là phân khúc chịu ít tác động nhất của dịch bệnh.
Qua số liệu nghiên cứu, khảo sát cho thấy tổng lượng sản phẩm được chào bán trên thị trường trong quý III/2021 đạt 35.852 sản phẩm, số lượng giao dịch 16.647 sản phẩm, tương đương tỷ lệ hấp thụ 40,9%.
Trong đó, phân khúc nhà ở chung cư số lượng lớn nhất với 7.120 sản phẩm (chiếm 48,6%), tiếp theo đó là đất nền 5.349 sản phẩm (chiếm 36,5%), và nhà ở thấp tầng 2.178 sản phẩm (chiếm 14,9%).
Mặc dù tỷ lệ hấp thụ sản phẩm đạt mức độ tương đối khả quan, nhưng nhìn toàn cảnh, thị trường bất động sản vẫn đang tiếp tục trên đà giảm sút cả về nguồn cung và giao dịch. Đáng chú ý, toàn bộ nguồn cung đa phần hàng tồn từ các quý trước, lượng cung dự án mới rất hạn chế, không có dấu hiệu cải thiện và số lượng nguồn cung trên toàn thị trường đạt ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
So với quý II/2021 nguồn cung giảm trên 38% và so với cùng kỳ năm 2020 giảm khoảng trên 52%, không thể phủ nhận được thực tế là thị trường BĐS vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai dự án, giãn cách xã hội chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Những vướng mắc về thủ tục hành chính, quy trình rà soát các dự án được cho là nguyên nhân chính khiến nguồn cung trên thị trường ngày càng đi xuống.
Trong quý I/2021, dịch Covid-19 lần thứ 3 được kiểm soát, thị trường BĐS phục hồi trở lại đã tạo nên một đợt sốt đất tại nhiều khu vực. Mức độ quan tâm, lượng tin đăng mua bán BĐS tăng cao, đặc biệt đến tháng 5, số lượng tìm kiếm tăng 60,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, những kết quả tích cực từ kinh doanh chứng khoán hay việc lãi suất ngân hàng giảm... nhiều người chuyển hướng đầu tư sang kênh BĐS, mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường, nhưng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát làm “đổi chiều” kế hoạch đầu tư kinh doanh.
Rất nhiều người kỳ vọng trong quý IV/2021 sau khi khống chế được dịch Covid-19, thị trường BĐS sẽ giống như 1 chiếc lò xo bị nén chặt sẽ bật lên. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, căn hộ tầm trung, đất nền vùng ven và BĐS khu công nghiệp sẽ phục hồi nhanh nhất, riêng BĐS khu công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho biết, nhu cầu BĐS của người dân vẫn rất cao, đặc biệt với TP.HCM thành phố hơn chục triệu dân, tốc độ gia tăng dân số khoảng 2% nên nhu cầu nhà ở rất lớn. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy hơn 70% lượng tìm kiếm thời gian vừa qua vẫn tập trung ở loại hình BĐS để ở, thuộc phân khúc bình dân, trung cấp. Đáng chú ý, căn hộ chung cư và đất vùng ven quanh TP.HCM phục vụ nhu cầu ở thực tăng trưởng ngay khi có thông tin nới lỏng giãn cách. Diễn biến này lặp lại lịch sử của các đợt giãn cách trước đó, khi dịch bệnh được kiểm soát, BĐS phục vụ nhu cầu ở thực luôn là phân khúc bật tăng trở lại sớm nhất.
Đồng quan điểm, ông Trương Anh Tú, PTGĐ PropertyX, Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng căn hộ là loại hình BĐS phục hồi nhanh nhất sau đại dịch. Thực tế tốc độ đô thị hóa, tỷ lệ nhập cư cao tại các thành phố lớn đưa đến nhu cầu lớn về nhà ở.
Phân khúc được quan tâm nhất vẫn sẽ là căn hộ giá trung bình, trung bình khá, phù hợp tài chính của phần lớn người lao động. Đây cũng là phân khúc chịu ít tác động nhất của dịch bệnh. Tuy nhiên nguồn cung hiện chưa đáp ứng đúng nhu cầu. Trên thị trường hiện nay, phân khúc bình dân, thu nhập thấp đã gần như biến mất. Chi phí đầu vào, khó khăn thủ tục pháp lý kéo dài không đem lại hiệu quả kinh doanh là nguyên nhân khiến các chủ đầu tư không mặn mà. Để tăng thêm nguồn cung dự án bình dân, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về hành lang pháp lý.
Ngoài đất nền vùng ven và căn hộ giá mềm, theo ông Tú loại hình BĐS khu công nghiệp cũng có "kháng thể" rất tốt với dịch bệnh nhưng còn phụ thuộc vào hạ tầng, vị trí kết nối, chính sách ưu đãi, đầu tư của địa phương, đặc biệt là logistic hàng không, cảng biển. Làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất của nhiều thương hiệu quốc tế từ Trung Quốc về Việt Nam giúp BĐS công nghiệp hưởng lợi lớn.
Đáng chú ý, yếu tố thúc đẩy phát triển BĐS khu công nghiệp của Việt Nam còn là 13 hiệp định đã ký kết và các hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đang đàm phán với các quốc gia khác. Gần nhất là hiệp định EVFTA có tác động rất lớn đến thị trường châu Âu cũng như hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam đứng trước cơ hội hội nhập rất sâu rộng trên phương diện quốc tế. Do đó dịch bệnh chỉ là khó khăn ngắn hạn, làm chậm lại ở một góc độ nào đó trong tiến trình phát triển của BĐS khu công nghiệp. Thực tế, trong quý 3 vừa qua, hầu hết các khu công nghiệp trên cả nước vẫn duy trì hoạt động bình thường, trừ một số tỉnh thành thực hiện Chỉ thị 16. Với nguồn vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam trong năm 2020, 2021 và những chính sách từ Chính phủ, BĐS khu công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, ghi dấu ấn trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng như đóng góp chung cho nền kinh tế của Việt Nam.
Hà My
Theo KTDU