Nếu bạn vẫn duy trì tư duy học ngoại ngữ dưới đây, thì kết quả "í ẹ" là điều hiển nhiên.
Nếu bạn vẫn duy trì tư duy học ngoại ngữ dưới đây, thì kết quả "í ẹ" là điều hiển nhiên.
Lỗi 1: Đặt câu có chứa từ vừa mới học, sẽ giúp mình nhớ từ lâu hơn
Điều này chỉ đúng khi số lượng từ ít hơn 5 từ vì bạn sẽ bị chi phối bởi suy nghĩ tìm ý để diễn đạt câu nhiều hơn là học thuộc. Vì thế, bạn sẽ quên rất nhanh, hoặc nhầm nghĩa từ này sang từ kia nếu buổi học hôm đó có nhiều từ mới.
Mách nước:
Đóng một quyển số thật dày và biến nó thành cuốn từ điển “made by tớ” như sau: Mặt trước tờ giấy, bạn ghi từ và đánh dấu thứ tự số từ mà cần học thuộc. Mặt sau, bạn ghi tương ứng nghĩa tiếng Việt của từ đã được đánh dấu ở mặt trước.
Mỗi ngày, học thuộc 5 – 10 từ và luôn “thủ sẵn” trong cặp để khi cần có thể tra được ngay. Với phương pháp này, bạn sẽ nhớ từ cực lâu luôn ấy.
Take note càng nhiều màu sẽ càng giúp chúng mình nhớ lâu hơn
Lỗi 2: Nhầm tưởng kỹ năng nghe là "khoai" nhất
Nhiều teen vẫn nghĩ rằng: So với đọc, viết và nói, nghe là kỹ năng “hóc” nhất. Nhưng thực tế, nó lại là kỹ năng dễ nhất, và viết mới là kỹ năng khoai hơn cả. Bởi nghe thuộc dạng kỹ năng thụ động, tức bạn chỉ việc tập trung, ghi nhớ, sau đó thuật lại mà thôi.
Vì thế, nếu học nghiêm túc, chăm chỉ thì chỉ sau 5- 6 tháng, bạn đã có thể nghe được khoảng 70 - 80% nội dung bản tin. Con số này đối với kỹ năng viết ít nhất mất từ 3 -5 năm.
Mách nước:
Tập nghe với tốc độ nói từ thấp đến cao. Bạn bật Windows Media Player, nhìn lên góc trái phía trên của màn hình, chọn View => Enhancement => Play speed settings, sau đó điều chỉnh tốc độ theo ý muốn.
Đừng cố gắng nghe tất cả từng từ. Vì khi bạn chú ý một từ nào đó, sẽ quên ngay những từ tiếp theo. Bạn chỉ nên tập trung nghe "key words" để có thể hiểu được thông tin. Cũng đừng quên viết chúng ra giấy trong suốt quá trình nghe, vì nhỡ đâu “tắc ý”, bạn còn có thứ để “liếc”.
Vốn từ ít là một trong những nguyên nhân cản trở việc nghe của bạn. Vì thế muốn nghe tốt, nhất thiết bạn phải có vốn từ đủ rộng.
Lỗi 3: Để cải thiện kỹ năng nói, mình thường xuyên đứng trước gương tập
Đứng trước gương chỉ thích hợp khi bạn sắp phải thuyết trình. Nếu chỉ đơn thuần luyện nói, thì hành động này lại phản tác dụng vì bạn sẽ chú ý mình qua gương hơn là cách phát âm.
Tập nói trước gương chỉ hiệu quả với việc thuyết trình
Mách nước:
Rủ ai đó cùng “tập dượt” sẽ hiệu quả hơn hẳn, đặc biệt là những người “trên cơ” để có thể phát hiện bạn nói sai và sửa giùm bạn.
Bạn cũng nên dành thời gian nghe các đoạn hội thoại. Cứ sau 1, 2 câu lại ấn nút “pause” để bắt chước ngữ điệu, đồng thời ghi âm luôn giọng của mình. Sau đó gửi bản ghi âm nhờ thầy cô, bạn bè chỉnh sửa hộ. Đảm bảo bạn sẽ khá lên rất nhanh.
Chúc bạn trình ngoại ngữ ngày một lên tay nhé!
Xuân Hưng