Sự kiện hot
6 năm trước

Những lùm xùm xoay quanh dự án Lạc Việt Bình Thuận: Ai sai, ai đúng?

Sau khi phát hiện nhiều sai phạm trong việc san lấp mặt bằng, UBND tỉnh Bình Thuận ra văn bản yêu cầu dừng mọi hoạt động tại dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt (Dự án Lạc Việt) do DRH Holdings làm chủ đầu tư. Thế nhưng, hiện hoạt động san lấp mặt bằng vẫn đang diễn ra, và DRH Holdings cũng cho rằng mình không sai.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt tọa lạc tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình mua bán và sáp nhập công ty, hiện Dự án Lạc Việt do Công ty Cổ phần DRH Holdings (DRH Holdings) làm chủ đầu tư.

Theo quy hoạch được phê duyệt, Dự án Lạc Việt có tổng diện tích 738.571,9 m2, trong đó, diện tích đất quy hoạch khu du lịch là 720.184,3 m2. Theo thiết kế đầu tư xây dựng, dự án sẽ triển khai san lấp mặt bằng gồm 02 giai đoạn với tổng khối lượng cần san lấp ước tính khoảng 1.200.000m3 cát bồi nền.

Tại Dự án Lạc Việt, ống và máy bơm vẫn được lắp đặt, tàu thuyền vẫn neo đậu để phục vụ mục đích công trình. Ảnh IT.
Tại Dự án Lạc Việt, ống và máy bơm vẫn được lắp đặt, tàu thuyền vẫn neo đậu để phục vụ mục đích công trình. Ảnh IT.

Để có nguồn cát san lấp mặt bằng, chủ đầu tư Dự án Lạc Việt kê khai đã mua cát của các doanh nghiệp theo các hợp đồng tại thị xã La Gi và tỉnh Đồng Tháp vận chuyển đến khu vực san lấp dự án thông qua 04 hợp đồng mua bán cát của 05 doanh nghiệp.

Thế nhưng, trong quá trình san lấp mặt bằng, cư dân sống xung quanh Dự án Lạc Việt đã phản ánh nghi vấn chủ đầu tư đã hút cát trực tiếp từ biển để thực hiện việc san lấp, khiến họ lo lắng về nguy cơ sạt lở bờ biển.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức 02 đợt kiểm tra và đình chỉ hoạt động bơm hút cát từ sà lan lên dự án đối với các chủ phương tiện do chưa có Giấy phép thiết lập Bến thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền.

Ngày 25/10/2018, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Thuận phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra tại khu vực dự án đã ghi nhận dự án đã triển khai việc san lấp. Tại vùng biển tiếp giáp với dự án có 02 sà lan, 2 boong tàu đang neo đậu, có một số công nhân đang lắp đặt các đường ống và các máy bơm nối từ các sà lan vào khu vực dự án.

Do đó, Sở Tài nguyên & Môi đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận có Văn bản chỉ đạo chủ đầu tư Dự án Lạc Việt không được sử dụng nguồn cát do các doanh nghiệp khác cung cấp chuyển tải theo đường biển để san lấp mặt bằng dự án, vì chưa có giấy phép và hồ sơ môi trường cho phép hoạt động Bến nội địa tạm thời do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Và việc sử dụng nguồn cát này chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư đã có giấy phép và hồ sơ môi trường, đồng thời nguồn gốc cát để san lấp mặt bằng dự án phải hợp pháp theo quy định của pháp luật.

DRH Holdings biện minh gì?

Ngày 21/12/2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 4529/UBND-KGVXNV yêu cầu chủ đầu tư Dự án Lạc Việt dừng ngay việc chuyển tải cát theo đường biển để san lấp mặt bằng dự án; khẩn trương tháo dở toàn bộ thiết bị máy bơm, ống bơm và các thiết bị khác có liên quan phục vụ cho việc bơm hút cát từ các phương tiện neo đậu ngoài biển vào khu vực dự án trước ngày 21/12/2018; chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong hoạt động mua bán cát san lấp mặt bằng…

Theo ghi nhận của PV, hiện dự án đã được chủ đầu tư quây tôn và đơn vị thi công đang gấp rút thực hiện việc thi công mặt bằng. Trên bề mặt công trình rộng lớn, hàng loạt ống bơm được lắp đặt chằng chịt. Trong đó, một số ống bơm được lắp trực tiếp với nhiều tàu thuyền đang neo đậu cách bờ biển không xa để thực hiện việc hút cát lên bờ.

Trả lời phỏng vấn phóng viên, đại diện DRH Holdings cho rằng, tất cả hoạt động triển khai thực hiện tại dự án được chủ đầu tư tuân thủ tuyệt đối theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt tại công văn số 2377-QĐ-UBND.

DRH lập luận, trên thực tế, quy định pháp luật hiện hành và các quy chuẩn kĩ thuật thi công xây dựng được áp dụng tính đến thời điểm này không quy định về chủng loại vật liệu được sử dụng cho hoạt động san lấp mà cụ thể trong trường hợp này là “cát mặn” hoặc “cát không mặn”.

“Đối với vấn đề triển khai hoạt động san lấp một phần cửa biển Sông Chùa hoàn toàn chưa triển khai bất kỳ hoạt động nào tác động đến dòng chảy tự nhiên tại khu vực cửa biển Sông Chùa trên thực tế. Các cửa sông bị bồi lấp là hiện tượng xảy ra thường xuyên chứ không riêng gì Sông Chùa. Việc bồi đắp của sông do quy luật của dòng chảy trong mùa mưa khi lưu lượng nước lớn kéo theo các vật liệu trầm tích gây nên và đã trở thành một vấn đề khó xử lý cho hầu hết các khu vực cửa song tại những địa phương khác” ”, Phía DRH cho biết.

Anh Hào
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: