Một số ngân hàng như VPBank, PGBank,... vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với kết quả kinh doanh tương đối khả quan.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 127 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được gần 30% kế hoạch.
Cụ thể, quý 1/2022 hoạt động chính chỉ thu về gần 235 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các hoạt động ngoài lãi tăng trưởng mạnh như lãi từ dịch vụ tăng đến 54%, đạt gần 11 tỷ đồng; Hoạt động kinh doanh ngoại hối thu về hơn 10 tỷ đồng tiền lãi, tăng 46%; hoạt động khác đem về khoản lãi hơn 63 tỷ đồng trong khi cùng kỳ báo lỗ gần 44 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank, mã: BAB) báo lãi trước thuế gần 246 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ chủ yếu tăng 17% thu nhập lãi thuần, đạt gần 531 tỷ đồng và hoàn nhập chi phí dự phòng rủi ro hơn 9,4 tỷ đồng.
Nếu so với kế hoạch lợi nhuận thuế 1.000 tỷ đồng cho cả năm, Bac A Bank đã thực hiện được 25% sau quý đầu năm.
Kết thúc quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng VPBank đạt trên 11.146 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank ghi nhận được từ trước đến nay.
Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt gần 9.888 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ và 16% so với quý 4/2021. Hoạt động ngoài lãi cũng tăng trưởng cao như lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 27% đạt hơn 1.249 tỷ đồng; lãi từ hoạt khác gấp 5,6 lần so với cùng kỳ 2021, đạt hơn 7.436 tỷ đồng.
Trong báo cáo Ước Tính Kết quả Ngành Ngân Hàng Quý 1 2022, Công ty chứng khoán Yuanta đã nâng triển vọng 27 ngân hàng niêm yết lên mức tích cực. Đồng thời, lợi nhuận ngân hàng quý 1/2022 cũng được dự báo có thể tăng 28% so với quý 4/2021, tương đương mức tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhóm phân tích giải thích, tăng trưởng tín dụng và thu nhập phí, cũng như giảm chi phí hoạt động và dự phòng chính là các yếu tố góp phần đưa lợi nhuận ngành ngân hàng tiến lên phía trước trong quý 1 năm nay.
Hà Phương
Theo Sở hữu trí tuệ