Sự kiện hot
12 năm trước

Những người “bắt mạch” môi trường

Không khí ngày càng ô nhiễm. Nhưng muốn biết ô nhiễm như thế nào, các thành phần hóa chất độc hại trong không khí gồm những gì, nồng độ ra sao...cần đến những người đi “bắt mạch” môi trường.

Không khí ngày càng ô nhiễm. Nhưng muốn biết ô nhiễm như thế nào, các thành phần hóa chất độc hại trong không khí gồm những gì, nồng độ ra sao...cần đến những người đi “bắt mạch” môi trường.

Lê Tấn Phi (trái) và Nguyễn Thanh Hòa chuẩn bị máy móc tại chốt giao thông ngã tư
Dầu Khí (Nhơn Trạch, Đồng Nai) - Ảnh: Vũ Thủy

Nơi họ tới là bãi rác hôi thối nồng nặc, chốt giao thông nắng bụi, những ống khói mịt mù hay những con sông rác đen ngòm...Chính vì vậy, chẳng ngẫu nhiên mà bộ phận quan trắc hiện trường ở các trung tâm quan trắc lại hiếm nữ.

12 giờ phơi nắng bụi

9g sáng, còi xe inh ỏi, xe tải, xe ben chạy ầm ầm, nắng gay gắt. Ngồi sát bên trò chuyện mà Lê Tấn Phi, 26 tuổi, nhân viên lấy mẫu của Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường Đồng Nai, phải nói như hét. Cuốn sổ đặt trên bàn bụi bám một lớp đến nỗi Phi đùa có thể lấy để đo khối lượng bụi thay cho miếng giấy bụi. Hôm nay trời nắng gắt, hơi nóng từ những chiếc xe tải táp vào hầm hập.

 
"Ám ảnh nhất là đo nước thải bệnh viện. Có lúc nó đỏ lòm lòm và lợn cợn rất nhiều thứ như nước ở lò mổ heo, lúc đen thui và tanh rình"

Quan trắc viên Lê Tấn Phi

Dân trong nghề thường gọi công việc đi lấy mẫu là đi hiện trường. “Phải mất 12 tiếng mới xong em ạ. 7g30 tối anh em mình mới về được”, Phi dặn khi biết có người định theo chân các anh. Lúc này mới gần 6g sáng, Phi và đồng nghiệp Nguyễn Thanh Hòa lúi húi chuẩn bị máy móc, hóa chất cho chuyến đi hiện trường tại chốt giao thông ngã ba Dầu Khí (Nhơn Trạch, Đồng Nai). Đồ nghề lỉnh kỉnh: máy đo tiếng ồn, máy đo không khí, máy đo bụi y tế, máy đo hướng và vận tốc gió, máy phát điện mini, giấy bụi, chai lọ chứa hóa chất... và cả những thứ tủn mủn, dễ quên như pin, bọc nhựa lưu mẫu khí...

Thiết bị quan trắc phải đặt sát vệ đường. Máy móc hít bao nhiêu khí bụi độc hại thì nhân viên quan trắc cũng phải hít bấy nhiêu. Chẳng chạy đâu thoát khói bụi và nắng nóng. Nóng hầm hập là vậy nhưng các anh lại rất sợ mưa. Phi chỉ hai cái máy đo bụi và khí: “Mưa thì hai cái này phải ngừng. Phải chờ tạnh mưa rồi gần một giờ sau mới đo tiếp được, đi về càng muộn hơn”. Phi nhẩm tính: hôm nay nếu làm xong đúng giờ thì khoảng 8g30 tối sẽ về đến trung tâm, bàn giao máy móc, mẫu lưu, báo cáo... về đến nhà cũng phải 9g tối.

Tiếng là đo tự động bằng máy móc nhưng Phi và Hòa cứ phải luôn chân luôn tay. Lo đặt máy móc, nối dây nhợ, kéo dây điện từ máy phát, tỉ mẩn hiệu chỉnh máy móc mất gần cả giờ đồng hồ, máy hoạt động phải theo dõi, thay giấy bụi, lưu mẫu, dán nhãn, ghi chép...tất bật. Bữa cơm trưa với những quan trắc viên cũng đầy cực nhọc. Hòa ở lại tiếp tục theo dõi máy móc, Phi tìm chỗ nuốt vội bữa cơm trưa rồi mua cơm hộp về cho Hòa. Trời nắng gay gắt, nước suối uống liên hồi mà vẫn cảm giác khô rát. Người đi cùng phải lùi sâu vào một quán cà phê bên vệ đường tránh nóng và khói bụi, nhưng Phi và Hòa thì không được rời mắt khỏi những chiếc máy đắt tiền. Những thiết bị nhìn như đồ hàng con nít vẫn chơi nhưng đáng giá cả vài chục triệu, trăm triệu đồng nên phải canh giữ cẩn thận và phải ghi số liệu liên tục.

Hòa bảo quan trắc chốt giao thông là “đỡ lắm rồi đó”. Nhiều “hiện trường” mà chỉ nhắc tới thôi là ai cũng le lưỡi, lắc đầu: đi lấy mẫu, đo đạc ở những bãi rác, những cống thải hôi thối đen ngòm, nước thải bệnh viện, kênh rác. Ở bãi rác, điểm đo chỉ cách bãi rác khoảng 50m và phải ở cuối hướng gió. “Bao nhiêu mùi là mình được “hưởng” hết, ăn cơm chung với ruồi”, Hòa kể. Nhưng ám ảnh nhất là đo nước thải bệnh viện. Để đánh giá hiệu suất của hệ thống xử lý nước thải, các anh phải lấy mẫu ở khu nước thải chưa qua xử lý mà anh bảo “có lúc đỏ lòm lòm và lợn cợn rất nhiều thứ như nước ở lò mổ heo, lúc đen thui và tanh rình”. Loại “hiện trường” nữa mà các anh cũng ngán ngẩm không kém là ống khói lò đốt xác. Phi kể về những lần đi đo khí thải lò đốt xác đầy ám ảnh.

Gian nan bám nghề

Năm thứ ba với nghề quan trắc viên, Ngô Cự Thuận (26 tuổi), quan trắc viên còn khá trẻ của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Bình Dương đã quá quen với việc leo trèo trên những cột khói ngất ngưởng.

Tốt nghiệp Trường Kỹ thuật VN - Singapore, Thuận vào làm ở bộ phận lấy mẫu của trung tâm, tối ngày túi bụi với nắng nôi, khói bụi, nước thải...“Nghề của tụi tôi phải đi liên tục chứ có ở một chỗ bao giờ đâu”, Thuận cười, khuôn mặt đen nhẻm.

Buổi trưa ở Bình Dương trời nắng nóng gay gắt, Thuận và đồng nghiệp Lê Thanh Tùng mang dụng cụ đo đi hết nhà máy này đến nhà máy khác để đo độ ồn, đo khí thải, đo nồng độ hóa chất trong không khí... Thuận nai nịt kỹ càng, đội nón bảo hộ, thắt đai an toàn, đi giày và găng tay cách nhiệt, cách điện vắt vẻo như làm xiếc trên lưng chừng những bậc thang sắt của ống khói cao mười mấy mét. Một tay bám vào bậc thang sắt, một tay cầm đầu dò đưa vào lỗ hổng trên thân ống khói để đo nhanh các thông số của khí thải. Gọi là đo nhanh nhưng anh phải đứng ở vị trí khoảng 30 phút cho đến gần một tiếng để giữ đầu dò. Không khí ở khu xử lý khói thải rất nóng bức và tiếng động cơ chạy đinh tai nhức óc. Chỉ vài phút sau những người đứng dưới mồ hôi đã rịn ra, còn ở trên cao Thuận phải bám chắc ống khói nóng bỏng, mặt bừng bừng, mồ hôi túa ra như tắm và có vẻ đã mỏi nên liên tục đổi thế đứng.

“Ống khói thế này đã thấm vào đâu. Có những ống khói cao cả trăm mét, muốn đo phải leo lên khoảng 55m và chờ cả tiếng mới đo xong. Chưa kể nhiều ống khói còn rất độc hại lúc nào cũng phải đầy đủ “đồ chơi” để tác chiến”, vừa nói Thuận vừa lôi ra mấy mặt nạ phòng độc “hạng nặng”.

Nghề của Thuận lắm khi phải lấy đêm làm ngày. Những nhà máy cao su, lò tái chế phế liệu kim loại, sử dụng điện nhiều nên các doanh nghiệp thường hay hoạt động vào ban đêm, Thuận cũng phải đi đêm mới “bắt đúng bệnh”.

Tai nạn khi “tác nghiệp” với quan trắc viên hiện trường thì có vô vàn. Quan trắc viên phải leo lên mái nhà làm bằng fibro ximăng do ống khói không có sàn thao tác hay thang leo, mái đã lâu năm nên rất giòn, cả người và tấm fibro đã rớt xuống. Có người leo xuống lấy mẫu ở khu xử lý nước thải tập trung rất độc hại của khu công nghiệp, bị rớt mắt kính bảo hộ, bùn văng vào mắt phải vào viện cấp cứu...

Cái nghề đòi hỏi cái gì cũng cao nhưng nhắc đến thu nhập nhiều khi lại khiến người làm nghề chạnh lòng. Những người làm quan trắc hiện trường như Thuận vẫn phải chịu thiệt thòi vì chưa có chính sách hỗ trợ độc hại. Mức lương tháng của Thuận sau khi gộp tất cả các khoản chỉ khoảng 2,5 triệu đồng!

Theo Tuoitre

Từ khóa: