Dantin - “Hà Nội ngày xưa rất lạ lùng trong mắt người Hà Nội hôm nay. Người và nhiều cảnh xưa, nay chỉ còn là dấu tích một thời qua khảo cổ và những tấm ảnh gây bỡ ngỡ, xúc động… Sao ta không làm một điều gì đó cho Hà Nội?”
Dantin - “Hà Nội ngày xưa rất lạ lùng trong mắt người Hà Nội hôm nay. Người và nhiều cảnh xưa, nay chỉ còn là dấu tích một thời qua khảo cổ và những tấm ảnh gây bỡ ngỡ, xúc động… Sao ta không làm một điều gì đó cho Hà Nội?”
Đó là trở trăn của một người trẻ không sinh ra và lớn lên ở Thủ đô: Kỹ sư Nguyễn Văn Trường (Trung tâm Công nghệ mô phỏng – Học viện Kỹ thuật quân sự Hà Nội).
Tạo hình Hà Nội ngàn năm trước
“Khi phần mềm mô phỏng lái xe quanh hồ Hoàn Kiếm (lấy điểm nhấn là đền Ngọc Sơn) hình thành, mình nhận thấy việc ứng dụng công nghệ thực tại ảo (CNTTA) để phục dựng lại di tích cổ là khả thi. Trong khi đó, khi làm các sản phẩm để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội chưa có sản phẩm nào mang lại cái nhìn tổng quan, khả năng chiêm nghiệm về Hoàng thành Thăng Long. Trong lần ngồi nói chuyện ở di tích Đoan Môn, Bắc Môn, mình và mấy người bạn nữa nhận thấy mình làm chủ công nghệ và có khả năng, còn di tích thì xuống cấp trầm trọng nhưng tại sao không làm?”, Trường nhớ lại.
Để biến ý tưởng tầm cỡ này thành hiện thực, phải có một đội ngũ thật sự đam mê, nhiệt huyết. Qua quá trình “tuyển chọn”, Trường mới tập hợp được “êkip” 11 thành viên là sinh viên và kỹ sư trẻ vừa ra trường. Mỗi thành viên đảm trách một khâu chuyên biệt: Đo đạc lấy dữ liệu, dựng mô hình, chụp ảnh Texture, lập trình…
Sau 1 năm, nhóm đã xây dựng được mô hình thực tại ảo ở đền Ngọc Sơn và Cấm thành. Hình mẫu ảo của khuôn viên đền được tạo nên từ sơ đồ kiến trúc, những bức ảnh và video độ phân giải cao. Người xem có thể zoom gần lại để ngắm từng chi tiết của các bức tranh khảm trên tường và lùi ra xa để quan sát toàn cảnh nội thất đền. Từng vấn đề nhỏ nhưng rất quan trọng như: Đồ nội thất, màu sắc và cấu trúc của di tích phải được tạo hình trung thực với lịch sử. Đặc biệt, khi vị trí quan sát dịch chuyển thì khung cảnh, ánh sáng và âm thanh cũng thay đổi theo.
CNTTA giúp người xem tham quan 1 địa điểm trong không gian ảo với hình ảnh 3 chiều và âm thanh nổi trên màn hình lớn. Thế giới “nhân tạo” này không tĩnh tại mà phản ứng, thay đổi theo ý muốn của người sử dụng. CNTTA tạo cảm giác rất thật nhờ tác động lên tất cả các kênh cảm giác của con người. “Không chỉ được cung cấp thông tin về di tích, người xem còn rất ấn tượng bởi cảm giác “du hành ngược thời gian” và cảm xúc sống thực trong không gian ảo”, anh Trường cho biết.
Những trái tim mang dáng hình Hà Nội…
Một anh bạn là dân Hà Nội, hiện đang làm ở công ty FPT tại Sài Gòn, gật gù khen ngợi: “Chỉ có đam mê mới kham nổi đống công việc khổng lồ như thế”. Đam mê đã khiến họ, 12 người trẻ với hàng tá công việc, chấp nhận đi sớm về trễ, nhiều khi mải làm quên cả ăn ; “chường mặt ra nắng” để tiến hành khảo cứu thực địa vô cùng kỹ lưỡng; đo, vẽ tỷ mỷ, chính xác các số liệu cụ thể của từng di tích.
Suốt tuần “cày tơi tả”, chỉ có thứ bảy, chủ nhật được “xả hơi”, họ lại dành thời gian cho “con” và ngủ sau... 2h sáng ! Chuyện bị “người ấy” giận thì...thường xuyên. “Nhiều hôm các cậu đến làm mà mặt mày rầu rĩ bảo “Hôm qua vừa cãi nhau với người yêu” vì…quên hẹn và “cái tội” ngồi nói chuyện mà cứ …ngẩn ngơ! Có cậu thì tý nữa bỏ nhau với người yêu đấy! Nhưng dần dần mọi chuyện cũng đỡ rồi”, một thành viên kể.
Chi phí để làm chương trình cũng là một bài toán “nan giải”. Kinh phí tự bỏ ra, hiện đã hơn trăm triệu đồng. Còn phương tiện làm việc là ...máy tính cá nhân và những thiết bị máy tính móc chuyên dụng rất đắt tiền thì “ké” cơ quan! Để “nuôi” lớn “đứa con” của mình, họ phải “ôm” rất nhiều việc: Thiết kế đồ họa, dạy tin học, dựng phim... “Có một số nhà sử học và các nhà quản lý về văn hóa tán thành, khích lệ; gia đình thì ủng hộ nhiệt tình và động viên nhiều lắm, không thì bọn mình khó vượt qua”, anh Trường tâm sự.
Một thành viên cho biết: “Bọn mình dự định đến đầu năm 2014 (sẽ hoàn thành khu Cấm thành và Hoàng Thành. Còn khu Kinh thành có lẽ sẽ không kịp”. Nếu thành công, dự án này sẽ tiết kiệm được thời gian và kinh phí rất lớn. Và chỉ cần một chiếc đĩa CD-Rom nhỏ nhắn, bạn tha hồ miên man phiêu lãng cùng một Hà Nội ngàn xưa ở bất cứ nơi nào…Nhưng trước mặt họ, con đường còn rất dài và đầy thách thức!
Thực tại ảo – Virtual Reality (VR) là thuật ngữ mới xuất hiện đầu thập kỷ 90. Nhưng ở Mỹ và châu Âu, VR đã và đang trở thành công nghệ mũi nhọn nhờ khả năng ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, tiềm năng kinh tế cũng như tính lưỡng dụng (trong dân dụng, quân sự) của nó. Ở Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc…CNTTA đã đem lại hiệu quả rất lớn trong việc bảo tồn và phục chế các di sản kiến trúc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, CNTTA còn rất mới.
Chứng chỉ hành nghề - Điều kiện cần để bảo vệ di tích
Bắt đầu từ tháng 7/2013, thông tư của Bộ VH-TT&DL quy định chi tiết về việc cấp chứng chỉ hành nghề trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chính thức có hiệu lực thi hành. Cụ thể thông tư này quy định chi tiết về việc cấp chứng nhận hành nghề và chứng chỉ hành nghề. Theo đó, bên cạnh các chứng chỉ khác như kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng... những người tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có chứng nhận hành nghề và chứng chỉ hành nghề.
Chứng nhận hành nghề cấp cho tổ chức có đủ điều kiện năng lực tương ứng với các hoạt động về lập quy hoạch di tích, lập dự án báo cáo kỹ thuật tu bổ di tích, thi công tu bổ di tích. Còn chứng chỉ hành nghề cấp cho những kiến trúc sư, kỹ sư tham gia các hoạt động này. Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ VH-TT&DL sẽ là cơ quan đứng ra cấp chứng chỉ này.
Chỉ cần có bằng kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng kèm theo chứng nhận đã học khóa bồi dưỡng kiến thức về bảo tồn di tích sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Theo Cục Di sản văn hóa, việc này sẽ ngăn chặn tình trạng những người làm về kiến trúc, xây dựng nhưng không biết về bảo tồn nhưng vẫn tham gia vào công tác bảo tồn, trùng tu di tích.
|
My Lăng