Sự kiện hot
12 năm trước

Những tình nguyện viên JICA

Tạm rời quê hương, hàng trăm trí thức trẻ Nhật Bản đã tìm đến các vùng nông thôn Việt Nam, tham gia dự án tình nguyện viên JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản).

Tạm rời quê hương, hàng trăm trí thức trẻ Nhật Bản đã tìm đến các vùng nông thôn Việt Nam, tham gia dự án tình nguyện viên JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản).

Bằng vốn kiến thức, kinh nghiệm của mình, những bạn trẻ này đã hỗ trợ về y tế, nông nghiệp, giáo dục...cho người dân Việt Nam.

Hết mình tình nguyện

6g45. Khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng 2 (Lâm Đồng) còn tờ mờ sương, thưa thớt người qua lại. Dẫu vậy, tại phòng phục hồi chức năng (thuộc khoa đông y - phục hồi chức năng), anh Kuroda Yutaka (sinh năm1982) đã chỉn chu trong chiếc áo blouse trắng, bắt đầu những công việc đầu ngày.

Vừa điều trị xong cho một nam bệnh nhân trung niên, anh Yutaka tiếp tục quay sang khám cho một bé trai hiếu động, sau đó là một bác lớn tuổi... Mỗi ca điều trị kéo dài trung bình 45 phút và diễn ra liên tục, Yutaka vẫn tận tình xoa bóp, vừa cười và luôn gắng hỏi thăm bệnh nhân bằng vốn tiếng Việt ngọng nghịu của mình: “Anh/bác có thấy bớt đau chưa?”, “Em có muốn chơi đồ chơi không?”...

Rải rác trong phòng là một số đồ chơi trẻ con đầy sắc màu. “Hầu hết là do Yutaka mày mò tự làm hoặc bỏ tiền túi ra mua để “dụ” các bệnh nhân nhí bớt căng thẳng khi tới điều trị”, anh Phan Văn Danh (kỹ thuật viên vật lý trị liệu) cho biết.

Một số bệnh nhân đến trễ lịch khám, Yutaka vẫn vui vẻ đợi, tranh thủ lấy tài liệu ra đọc hoặc hướng dẫn đồng nghiệp luyện tập một số thao tác chuyên môn. “Hoạt động trị liệu giúp bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng, thích nghi với những khuyết tật mắc phải, nhưng ở Việt Nam rất ít người nắm vững kỹ thuật này. Do vậy chúng tôi rất mừng khi có được một tình nguyện viên giỏi nghề và hết mình như Yutaka”, kỹ thuật viên trưởng Nguyễn Thị Mỹ (khoa đông y - phục hồi chức năng) nhìn nhận.

Ở Chi cục Bảo vệ thực vật huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long), chị Tateno Tomoko (sinh năm 1982) luôn tất bật với lịch làm việc: sáng, nghiên cứu tài liệu kỹ thuật trồng giống cam sành; chiều, đi thăm, sẻ chia kinh nghiệm với các hộ nông dân trong vùng. Tốt nghiệp thạc sĩ khoa học môi trường (ĐH Tsukuba), chị Tomoko sang Việt Nam làm tình nguyện viên theo dự án của JICA dù nhận được không ít lời mời từ các công ty Nhật. Chỉ mới tới Tam Bình bảy tháng, chị đã khiến nhiều người ngạc nhiên với tiếng Việt khá sõi. “Làm việc với nông dân mà không nói và hiểu được ngôn ngữ của họ thì kỳ lắm”, chị giải thích.

Còn anh Murota Keisuke (sinh năm 1985) lại làm nhiều người dân vùng U Minh Hạ (Cà Mau) ngạc nhiên. Là cử nhân văn chương (ĐH Waseda) nhưng Keisuke lại rất “chịu chơi”, không ngại xắn quần lội ruộng đi kiểm tra, tìm hiểu tới cùng các vấn đề ở nông thôn. Anh cũng có mặt “trên từng cây số” với dự án vay vốn và xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau quản lý...

Bằng vốn tiếng Việt bập bẹ, Kuroda Yutaka (trái) luôn tranh thủ trò chuyện, hỏi thăm
bệnh nhân trong khi điều trị - Ảnh: Công Nhật

Không ngại thử thách

“Đó là một sự hi sinh rất lớn”, bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân (phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long) nhấn mạnh khi nói về đóng góp của các tình nguyện viên JICA tại Việt Nam.

Là người làm việc trực tiếp với chị Tomoko từ những ngày đầu, bà Thanh Xuân vẫn không quên được hình ảnh Tomoko từng bật khóc trước quá nhiều khó khăn như: rào cản ngôn ngữ, nhớ nhà và nhớ tiếng Nhật, phải sống trong cảnh bị cúp điện thường xuyên... “Tuy vậy, nhờ quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao, hiện Tomoko đã thích nghi tốt với điều kiện sống nơi đây và được nhiều bà con quý mến nhờ tinh thần làm việc nghiêm túc, tận tụy”, bà nói.

Thời gian đầu tới Lâm Đồng làm việc, anh Yutaka cũng gặp nhiều trở ngại đáng kể, nơi anh ở không có siêu thị, chất lượng y tế không tốt. Trong một lần bị bệnh nặng vào tháng 5-2012, anh phải đón xe lên TP.HCM điều trị. Tuy khó khăn nhiều là vậy nhưng các tình nguyện viên JICA đều khẳng định bản thân “được” nhiều hơn “mất”. Anh Yutaka cho biết: “Hiện tại mọi thứ đều tiến triển rất tốt. Tôi đã có nhiều bạn bè, đồng nghiệp người Việt để đi ăn uống, chơi thể thao mỗi lúc rỗi rảnh”. “Tôi thích Việt Nam từ lâu rồi và muốn sống, làm việc ở đây mãi nên chẳng thấy mất gì cả. Còn được thì quá nhiều. Việt Nam cho tôi mở mang về tri thức và làn da nâu rám nắng lý tưởng. “Điểm trừ” có chăng là tiếng Việt khó quá, tôi học mãi mà hôm rồi đọc sách giáo khoa lớp 2 vẫn không hiểu tí gì”, anh Keisuke cười lớn.

Với chị Tomoko, tới làm việc tại Việt Nam chưa bao giờ là sự hi sinh. “Người nông dân Việt Nam siêng năng nhưng ít hiểu biết về kỹ thuật nông nghiệp, thu nhập vì vậy rất thấp. Tôi muốn giúp họ cải thiện cuộc sống và điều này theo đó cũng giúp cuộc sống của tôi trở nên ý nghĩa hơn”, chị đúc kết.

Đã có 442 tình nguyện viên JICA đến Việt Nam

Chương trình phái cử tình nguyện viên của Văn phòng JICA Việt Nam chính thức hoạt động từ năm 1995. Các tình nguyện viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: giáo dục, y tế, nông nghiệp, hỗ trợ công nghiệp phụ trợ... Tính tới thời điểm hiện tại, tổng số tình nguyện viên JICA đã và đang tham gia chương trình tại VN là 442 người, trong đó có 329 tình nguyện viên hợp tác hải ngoại (JOCV) và 13 tình nguyện viên cao cấp (SV).

Theo Tuoitre


Từ khóa: